Chưa có quy chuẩn chung xây dựng thương hiệu Việt

Sáng nay 4.7, Hội thảo xây dựng phát triển và định giá thương hiệu đã diễn ra tại Hà Nội, nội dung tập trung bàn về câu chuyện xây dựng - phát triển - định hướng giá trị thương hiệu.

Hội thảo mong muốn tìm ra giải pháp bảo vệ thương hiệu Việt khi hội nhập. Ảnh : Đ.T

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng “Việt Nam đang trong bối cảnh chưa có sự thống nhất về phương pháp đánh giá thương hiệu. Trong khi thế giới coi thương hiệu là giá trị cốt lõi, là tài sản có giá trị lớn nhất đối với một doanh nghiệp khi giá trị tài sản có thể lên tới 70%, thậm chí còn lớn hơn, thì ở Việt Nam việc xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu vẫn còn bỏ ngỏ.

Nhiều doanh nghiệp Việt tuy có chất lượng sản phẩm tốt, song khi tham gia thị trường quốc tế vẫn phải núp dưới tên của các thương hiệu khác có vị thế trên thế giới”. Chính vì thế, ông Tiến cho rằng, cần thiết phải “định vị lại cách hiểu về thương hiệu, từ đó xây dựng quy chuẩn chung cho thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam, giúp cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp gần nhau hơn và không vấp phải quá nhiều rào cản của các thủ tục hành chính như hiện tại”.

Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, cho biết thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải rất nhiều thách thức. Điển hình là việc bị xâm phạm quyền sở hữu mà đôi khi doanh nghiệp quyết định mở rộng thị trường mới phát hiện ra. Một số các doanh nghiệp trong nước khi bước chân vào sân chơi quốc tế mới ngỡ ngàng khi thương hiệu của mình đã bị kẻ khác đăng ký sở hữu tự khi nào.

Đơn cử như trường hợp của Vinataba – một doanh nghiệp sản xuất thuốc lá rất thành công trong thị trường Việt Nam. Nhưng khi muốn xuất khẩu ra thị trường thế giới mới nhận ra mọi con đường đã bị chặn khi một Công ty có tên là Putra Salbat Industry đã đăng ký sở hữu thương hiệu này tại tất cả các nước trong khu vực Đông Nam á. Hoặc như Cafe Buôn Ma Thuột, Café Trung Nguyên, bánh phồng tôm Sa Giang, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc… cũng đều trở thành nạn nhân của việc chưa đăng ký sở hữu trí tuệ nên dẫn tới bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, từ đó bị “cướp” mất thương hiệu tại một số địa bàn.

Khả dĩ hơn, trường hợp Võng xếp Duy Lợi cũng từng không xuất khẩu được vào thị trường Nhật Bản và Mỹ khi vấp phải bằng sáng chế đã được đăng ký tại hai quốc gia trên. Rất may là Duy Lợi đã đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm tại Cục Sở hữu trí tuệ trước khi hai bằng sáng chế kia được thừa nhận, điều đó trở thành cơ sở vững chắc để Duy Lợi có thể xâm nhập hai thị trường này.

Xảy ra tình trạng trên được các đại biểu đánh giá là do quy định pháp luật của chúng ta chưa đầy đủ theo thông lệ quốc tế. Các đại biểu cho rằng để giải quyết vấn đề này, ngoài việc doanh nghiệp tự giác chủ động thì các cơ quan chức năng cũng cần phải thống nhất về phương pháp đánh giá. Tránh tình trạng việc định giá, nhượng quyền sử dụng thương hiệu, góp vốn liên doanh, liên kết bằng giá trị thương hiệu đối với các doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế ở nước ta hiện nay vẫn còn là một khoảng trống đang bỏ ngỏ.

Đức Thành

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/chua-co-quy-chuan-chung-xay-dung-thuong-hieu-viet-679124.bld