Chưa đến hè đã thiếu nước

(ANTĐ) - Gần 1 tháng nay, ngót 40 hộ dân ngõ 17 An Dương thuộc tổ 50 phường Yên Phụ, quận Tây Hồ rơi vào cảnh… chạy nước từng bữa. Mặc dù chưa phải mùa cao điểm về sử dụng nước, nhưng việc cung cấp nước sạch cho dân đã khá gian nan.

Cũng khoảng chừng ấy thời gian, bà Nguyễn Thị Dậu trú tại số 6 ngõ 17 An Dương bỗng nhiên trở thành “cứu tinh” của cả xóm. Chẳng phải bà có tài “hô phong hoán vũ” gì mà chỉ đơn giản là cách đây vài năm, bà đã nhanh nhạy tự thuê thợ làm một giếng khoan ngay trong nhà. Giờ đây, khi cả xóm nháo nhác vì mất nước thì bà vẫn đủng đỉnh nhờ tính thức thời của mình. Chỉ tay vào chiếc máy bơm lắp ngay ngoài cửa, bà Dậu bảo: “May mà có cái giếng này, không thì nhà tôi không biết xoay xở ra sao. Đã một tháng nay, cả xóm này mất nước sinh hoạt. Chúng tôi kêu mãi xí nghiệp nước sạch tới khản cổ mà vẫn chẳng thay đổi được gì. Hàng ngày, bà con trong xóm thay nhau vác máy bơm, ống nhựa sang nhà tôi cắm nhờ để hút nước về dùng. Đôi lúc cũng bất tiện, nhưng biết làm sao được, có sống trong cảnh thiếu nước thế này mới hiểu nó bức xúc thế nào. Ai cũng biết nước giếng khoan thì không đảm bảo, nhưng cực chẳng đã, có còn hơn không”. Mỗi ngày, nhà bà Dậu tiếp không dưới chục lượt “khách” vác máy bơm sang xin “tiếp nước” - anh Nguyễn Văn Đình một cư dân của xóm vừa cuộn lại đống dây điện cắm máy bơm vừa nói: Nhà anh mới có đám cưới, thế nên anh buộc phải ra “tối hậu thư” với các thành viên trong nhà là chỉ những nhu cầu rất cấp thiết mới được dùng nước. Cụ thể là đun nước uống, nấu cơm hay dội nhà vệ sinh. Còn mọi nhu cầu khác như tắm, giặt, lau nhà… thì cấm tiệt. Anh bảo: “Dù sao như nhà tôi vẫn còn may chán bởi tôi ở ngay sát bà Dậu, thiếu nước chỉ cần dòng dây, kéo ống là xin được ngay. Còn những nhà khác ở xa hay không có máy bơm thì chịu chết, xách được xô nào về dùng thì hay xô ấy”. Ông Hoàng Ngọc Lợi, tổ phó tổ dân phố 50 cũng lâm vào cảnh điêu đứng như vậy: “Hàng tháng dân chúng tôi vẫn đóng tiền nước đều đều. Có nhà không dùng số nào vẫn phải nộp tiền, nhưng nước thì tuyệt nhiên không thấy. Chúng tôi gọi điện phản ánh nhiều lần, xí nghiệp nước sạch cũng cử cán bộ xuống kiểm tra. Những lúc cán bộ xuống thì có được một chút, khi cán bộ đi thì nước lại không thấy đâu. Kêu mãi người dân phát chán. Vừa rồi, có nhà không chịu nổi đã rục rịch thuê thợ khoan giếng về đào để tự cứu mình”. Thê thảm nhất là nhà ông Nguyễn Văn Trung trú tại số 10 ngõ 17. Ông Trung bảo: “Sống ở Hà Nội, cách nhà máy nước Yên Phụ chưa tới 1 km mà cứ như sống ở sa mạc. Gần 1 tháng nay cả nhà tôi kiêng tắm, giặt. Có nhu cầu đại tiểu tiện thì đi chỗ khác vì toilet không có nước. Quần áo bẩn thì gom vào 1 đống, cuối tuần mang đến nhà họ hàng ở nơi khác giặt nhờ. Nước chỉ được dùng để ăn. Hàng ngày, cứ vào 3h sáng là tôi phải lọ mọ dậy để bắt đầu hứng nước bởi không hiểu sao, cứ đúng giờ ấy thì nước ở nhà tôi lại ri rỉ chảy. Nhưng cũng chỉ hứng được 4-5 xô thì tịt hẳn. Với 4-5 xô ấy, 6 người trong nhà dùng chi ly thì đủ trong 1 ngày đợi đến lúc người ta cấp nước cho trở lại. Nhưng chờ đã lâu lắm rồi không biết đến bao giờ mới kết thúc”. Bể ngầm cũng trơ đáy từ lâu Trao đổi về những bức xúc của người dân nói trên, ông Trần Mạnh Trường - Phó Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Ba Đình cho biết: “Việc mất nước ở ngõ 17 tổ 50 phường Yên Phụ tôi cũng mới nghe được phản ánh từ phía người dân. Tuy nhiên phía công ty cũng chưa xác định được lý do tại sao vì toàn mạng lưới nước dưới khu vực đó vẫn hoạt động bình thường. Việc chỉ ngõ 17 thiếu nước, chúng tôi xác định là mất cục bộ, nhưng để tìm ra nguyên nhân thì cần phải có thời gian”. Ông Trường phân tích: “Thực tế khu vực ngõ 17 có cốt đường tương đối cao, lại nằm ở vị trí cuối nguồn, vì thế bình thường nước bơm về đó áp lực đã là khá yếu. Hiện chúng tôi đang đặt nghi vấn có thể do 1 đơn vị nào đó đào đường đã khiến đường ống bị nứt vỡ nên không đủ lượng nước cấp về tới nơi”. Ông Trường cũng cho biết xí nghiệp sẽ cố gắng tìm ra nguyên nhân trong thời gian sớm nhất nhằm đáp ứng nhu cầu cho người dân, tuy nhiên, thời gian cụ thể thì chưa dám chắc. Điều này có nghĩa là người dân tổ 17 sẽ vẫn còn chịu cảnh “hạn hán” chưa biết tới bao giờ.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=70588&channelid=5