Chưa điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ngành nghề đặc biệt

Trong buổi tọa đàm trực tuyến về vấn đề 'Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu?' diễn ra vào sáng 28/10 tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: 'Ngành nghề lao động nặng nhọc, lao động trực tiếp, lao động vùng sâu, vùng xa, lao động trong môi trường độc hại, lao động bị suy giảm khả năng trong quá trình lao động sẽ chưa bàn tới điều chỉnh. Những ngành nghề mà có điều kiện làm việc, điều kiện môi trường tốt có thể sẽ điều chỉnh một chút nhưng phải đảm bảo sức khỏe cho người lao động'.

Dự kiến, tuổi lao động của nam sẽ tăng lên từ 60 lên 62 tuổi, còn nữ tăng lên từ 55 lên 58 hoặc 60 (ảnh minh họa)

Vì sao phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu?

Trả lời tại buổi tọa đàm trực tuyến, ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH cho biết: “Có 5 lý do để điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đó là thực tế dân số của nước ta từ năm 2007 đang bước vào thời kỳ dân số vàng có thể tận dụng lực lượng lao động trẻ, tuy nhiên từ năm 2011 nước ta lại bắt đầu rơi vào thời kỳ già hóa dân số, và theo dự báo mức độ già hóa dân số của nước ta đang diễn ra rất nhanh. Ở các nước phát triển có thể là 50 – 60 năm, nhưng ở nước ta các dự báo đang cho thấy dưới 20 năm. Do vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu là một chính sách nhằm tận dụng cơ hội của dân số vàng và đối mặt với thách thức của già hóa dân số".

"Thứ hai, trong quá trình phát triển, chúng ta cần phải tận dụng lực lượng lao động, ở cả lứa tuổi trẻ và lứa tuổi già. Thứ ba là vấn đề cân đối quỹ BHXH, nhất là bảo hiểm hưu trí vì qua 3 lần dự báo việc đóng và hưởng trước mắt là không cân đối, đóng thì ít mà hưởng thì nhiều. Thứ tư là hiện nay chúng ta đã tham gia Công ước Cedaw về quyền bình đẳng giới giữa nam và nữ. Thứ năm, ở các nước phát triển trên thế giới có nền dân số già, họ đã tiến hành điều chỉnh tuổi nghỉ hưu từ lâu, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập thì các cơ quan làm chính sách cũng nên nghiên cứu, đề phương án cho Quốc hội để Quốc hội cân nhắc quyết định” - ông Huân cho biết thêm

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, có 3 vấn đề mấu chốt cần phải lưu ý. Thứ nhất, phải căn cứ vào sức khỏe của người lao động. Vì so với các nước trong khu vực, tuổi thọ của Việt Nam có nâng nhưng so với các nước vẫn thấp. Thứ hai, phải căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thứ ba, là vấn đề thị trường lao động.

Ông Bùi Sỹ Lợi có quan điểm: “Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu phải tính theo lộ trình. Chính phủ tính toán, cân đối, đánh giá tác động rồi đưa ra Quốc hội để xin ý kiến. Vấn đề là thời điểm điều chỉnh nghỉ hưu nâng lên là khi nào, đối tượng nào điều chỉnh trước, đối tượng nào điều chỉnh sau, lên bao nhiêu là hợp lý để chúng ta đi trước đón đầu về vấn đề già hóa dân số. Và quan trọng là nước ta phải đảm bảo làm sao cho an sinh xã hội tốt nhất. Theo tôi thấy, lâu nay chúng ta vẫn dựa quá nhiều vào ngân sách nhà nước. Bây giờ chúng ta phải cân bằng, Nhà nước là chủ đạo nhưng toàn dân phải tham gia vào hệ thống an sinh xã hội. BHXH chính là trụ cột của an sinh xã hội. Nếu ai đó nói việc nâng tuổi nghỉ hưu để chống đỡ việc mất cân bằng quỹ là không phải. Nó có tác động nhưng không phải là nguyên nhân. Nguyên nhân cơ bản của vấn đề cân bằng quỹ BHXH của ta chính là số lượng người đóng để cho số lượng người hưởng hiện đang có xu hướng giảm dần. Thứ hai, đây chính là một nguy cơ. Bản chất của vấn đề là đóng thì ít, hưởng thì nhiều, mà tuổi thọ của người lao động chúng ta được nâng lên là vấn đề hạnh phúc của dân tộc, nhưng chúng ta phải nghĩ đến nguồn để đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cho lương của người về hưu làm sao đáp ứng được nhu cầu sống của người về hưu”.

Tuổi nghỉ hưu của nam cao hơn nữ

Về phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết thêm sẽ điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nam cao hơn và nữ cao hơn. Dự kiến, tuổi lao động của nam sẽ tăng lên từ 60 lên 62 tuổi, còn nữ tăng lên từ 55 lên 58 hoặc 60. Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng để xây dựng phương án tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ cần đánh giá được các tác động kinh tế. Khi tăng tuổi nghỉ hưu thì thị trường lao động sẽ như thế nào, nó có khắc phục được vấn đề lao động chuyên môn kỹ thuật cao mà nghỉ hưu sớm, vừa tạo được cơ hội cho lao động trẻ có chuyên môn kỹ thuật.

Ông Lợi khẳng định ngành nghề lao động nặng nhọc, lao động trực tiếp, lao động vùng sâu, vùng xa, lao động trong môi trường độc hại, lao động bị suy giảm khả năng lao động trong quá trình lao động sẽ chưa bàn tới điều chỉnh. Những ngành nghề mà có điều kiện làm việc, điều kiện môi trường tốt có thể sẽ điều chỉnh một chút nhưng phải đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Và khi tính toán tuyệt đối phải lưu ý hai vấn đề. Đó là không nên để xảy ra tình trạng “chảy” chất xám và lãng phí nguồn lực lao động chất lượng cao và nguồn lực lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tạo được năng suất xã hội cao hơn. Lưu ý tiếp theo là đừng bỏ đi lực lượng lao động sung sức trẻ tuổi được đào tạo có chuyên môn kỹ thuật mà chúng ta rất cần.

“Bản thân tôi rất ủng hộ phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, nhưng cũng rất băn khoăn về việc 6 tháng đầu năm vẫn 191 nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường chưa có việc làm. Đây là vấn đề không chỉ là kinh tế mà còn là vấn đề xã hội. Tuổi thọ bình quân của ta đạt 73 tuổi nhưng rõ ràng chất lượng cuộc sống của chúng ta chưa đáp ứng được. Chúng ta điều chỉnh tiền lương cơ sở cho người đang làm việc thì chúng ta cũng phải điều chỉnh lương hưu cho người đã nghỉ hưu, điều chỉnh trợ cấp ưu đãi cho người có công có cách mạng” – ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Mai Hiền

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/chua-dieu-chinh-tuoi-nghi-huu-nganh-nghe-dac-biet-302264.html