Chưa thực hiện đúng chỉ đạo của cấp trên

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào năm 2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) công nhận kết quả đăng kiểm của tổ chức đăng kiểm nước ngoài vì Cục chưa đủ năng lực đăng kiểm tàu đóng bằng vật liệu mới PPC. Thế nhưng đến nay, đơn vị này vẫn không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo trên.

Hành trình gian nan của tàu thuyền PPC

Từ năm 2011, công nghệ vật liệu polypropylene copolymer (PPC) được áp dụng đóng phương tiện thủy. Đăng kiểm Hải quân đã chấp nhận đăng kiểm trên cơ sở kiểm tra thiết kế, vật liệu và thử nghiệm thực tế. Từ đó đến nay, Công ty CP công nghệ Việt Séc (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Công ty CP công nghệ James Boat (Hà Nội) đã cung cấp hàng chục tàu, thuyền, ca-nô các loại cho quân đội.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đại diện nhiều hải đội Biên phòng, Cảnh sát biển đều cho biết, các phương tiện này bảo đảm tốt chất lượng. Thế nhưng, suốt nhiều năm, Cục ĐKVN vẫn không chấp nhận đăng kiểm cho tàu thuyền dân sự với lý do chưa có “Quy chuẩn kỹ thuật” tàu thuyền PPC.

Xuồng tuần tra bằng vật liệu PPC tại các đơn vị Biên phòng. Ảnh: website Công ty Cổ phần Công nghệ James Boat.

Các doanh nghiệp đã gửi thắc mắc lên các cơ quan chức năng và vào giữa năm 2015, vấn đề tàu thuyền PPC được đưa ra chất vấn ở Quốc hội. Ngày 18-6-2015, tại Công văn số 7783/BGTVT-KHCN, Bộ trưởng Bộ GTVT khi đó là ông Đinh La Thăng đã khẳng định: “Hiện nay, pháp luật không cấm việc đóng tàu bằng vật liệu mới nói chung và vật liệu PPC nói riêng với điều kiện phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện...”. Cũng tại công văn trên, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu: “Cục ĐKVN công nhận kết quả đăng kiểm CS Lloyd hoặc Đăng kiểm Hải quân hoặc bất cứ một tổ chức đăng kiểm nào khác thực hiện, trên cơ sở đó cấp các giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho các phương tiện thủy nội địa vỏ PPC...”.

Từ chỉ đạo trên, hàng chục chiếc tàu, thuyền, ca-nô và 2 chiếc tàu khách PPC có sức chở 32 người và 56 người do Công ty James Boat chế tạo cũng đã được Cục ĐKVN cấp đăng kiểm.

Báo cáo sai sự thật để gây khó

Niềm vui của các doanh nghiệp "ngắn chẳng tày gang", ngày 20-12-2016 vừa qua, Cục ĐKVN lại tham mưu ban hành Thông tư 43/2016/TT-BGTVT chỉ cho phép đóng tàu thuyền PPC chở đến 12 người, khiến các doanh nghiệp đóng tàu PPC đồng loạt kêu cứu.

Ngày 3-2-2017, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có văn bản gửi Bộ GTVT nêu quan điểm: “Ủy ban nhận thấy kiến nghị của doanh nghiệp là có cơ sở thực tế; để thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ và thúc đẩy ứng dụng vật liệu mới, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, chỉ đạo xử lý, trả lời”.

Vậy nhưng ngày 24-2-2017, tại Công văn số 707/ĐKVN-TS báo cáo Bộ GTVT để làm cơ sở trả lời cơ quan của Quốc hội, ông Trần Kỳ Hình-Cục trưởng Cục ĐKVN khẳng định: “Quy định của pháp luật Việt Nam không cho phép tổ chức nước ngoài được thực hiện công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa Việt Nam”.

Quan điểm trên đã đi ngược lại chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT trước đó. Vậy phải chăng, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục ĐKVN công nhận kết quả đăng kiểm của các tổ chức đăng kiểm nước ngoài là trái với quy định của pháp luật Việt Nam? Để làm sáng tỏ câu hỏi này, phóng viên đã tìm hiểu chức năng, nhiệm vụ của Cục ĐKVN.

Thật bất ngờ, tại Quyết định số 862/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành ngày 5-4-2013 “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục ĐKVN” nêu rõ Cục này có quyền hạn: “Hướng dẫn và kiểm tra các tổ chức đăng kiểm trong nước và ngoài nước thực hiện công tác đăng kiểm phương tiện, thiết bị giao thông vận tải” (Khoản l, Điều 2).

Điều đó cho thấy, chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng trước đây là hoàn toàn có căn cứ pháp luật và báo cáo của ông Trần Kỳ Hình với Bộ trưởng Bộ GTVT hiện nay là sai sự thật.

Nguy cơ phá sản trước mùa du lịch

Các quy định cứng nhắc, rườm rà gây khó của Cục ĐKVN đang đẩy nhiều doanh nghiệp vào cảnh phá sản trước mùa du lịch khi tàu đã đóng mà không được đăng kiểm, hỏi thì Cục ĐKVN... không trả lời!

Mùa du lịch hè 2017, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tuấn Linh (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã đặt Công ty CP Công nghệ Việt Séc (Vũng Tàu) đóng 4 ca-nô PPC dài tới 20m, có sức chở 20-35 người cho các tuyến du lịch biển Hoằng Hóa-Sầm Sơn; Hoằng Hóa-đảo Mẹ; Hoằng Hóa-Cảng cá Hậu Lộc. Ông Hán Thành Tuấn-Giám đốc Công ty Tuấn Linh cho biết: “Chúng tôi đầu tư 4,8 tỷ đồng, đối tác đã đóng xong lô hàng. So với ca-nô vỏ hợp kim nhôm, vật liệu composite, ca-nô PPC chạy thử hiệu quả, an toàn và rất êm, nhưng Cục ĐKVN không cấp đăng kiểm cho tàu trong khi mùa du lịch đã tới”.

Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Việt Séc than thở: “Chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Cục ĐKVN đăng kiểm tàu thuyền đã đóng nhưng Cục ĐKVN im lặng, không trả lời bất cứ văn bản nào. Điều này còn khiến cho hợp đồng với một doanh nghiệp ở Quảng Ninh cũng đổ bể, chúng tôi có nguy cơ phá sản. Có lẽ, họ “im lặng” là chờ giờ G - ngày 28-7-2017 khi Thông tư 43/2016/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành thì doanh nghiệp sẽ bị “siết vòng kim cô”.

Cục ĐKVN đã cho đăng kiểm tàu khách chở đến 56 người, nay lại chỉ cho đăng kiểm tàu chở đến 12 người là hết sức vô lý. Tư duy quản lý của cơ quan đăng kiểm cần phải thay đổi để cởi trói cho sản xuất. Việc xác định tàu chở bao nhiêu khách cần phải dựa trên kết quả tính toán thiết kế và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp cũng như ý kiến của các nhà khoa học để quyết định. Nếu kết quả tính toán thiết kế và thực tế vận hành tàu chứng minh được tàu bảo đảm an toàn thì cơ quan đăng kiểm cần phải thực hiện nghĩa vụ đăng kiểm.

Đề nghị Bộ GTVT và các cơ quan chức năng cần sớm rà soát, kiểm tra lại việc đăng kiểm tàu thuyền PPC, bảo đảm quyền lợi chính đáng và hợp pháp của doanh nghiệp cũng như an toàn hàng hải.

MINH KHANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/chua-thuc-hien-dung-chi-dao-cua-cap-tren-506012