Chuẩn bị giống cho vụ đông xuân

Hạt giống cho vụ lúa đông xuân được sản xuất từ vụ lúa hè thu và thu đông. Chất lượng hạt giống lúc gieo sạ có tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào quá trình thu hoạch, phơi sấy và bảo quản từ vụ lúa trước. Để có hạt giống tốt cho vụ lúa đông xuân, bà con cần chuẩn bị càng sớm càng tốt, và những việc cần quan tâm là:

- Chọn giống: Bà con nên sử dụng hạt giống cấp xác nhận do các Viện hay Trung tâm giống sản xuất. Chọn những giống đã được công nhận là giống cấp Quốc gia hay Khu vực hóa, có chất lượng tốt, năng suất cao và chống chịu được với rầy nâu và bệnh đạo ôn như OM4900, OM2395, OM4498… - Khử lẫn: Ruộng dùng để làm giống cần khử lẫn triệt để, khử lẫn vào lúc sau khi trổ thoát và trước lúc thu hoạch. Hạt giống thuần sẽ giúp lúa trổ chín đều, hạn chế được sâu bệnh giúp giảm giá thành và tăng năng suất. Bà con cần loại bỏ hết những bụi lúa khác với quần thể như cao hơn, thấp hơn, dạng bông và dạng hạt khác thường, màu sắc hạt khác (đen, vàng sậm), hạt có đuôi và lúa cỏ. Các phương tiện như máy nhai, sân phơi, lò sấy và bao đựng lúa cần vệ sinh kỹ. - Thu hoạch: Nên thu hoạch vào ngày nắng ráo. Cắt xong cần gom lúa và nhai ngay trong ngày. Nếu gặp trời mưa không nhai ngay được thì bà con nên bó lúa thành từng bó và dựng đứng bó lúa lên tại ruộng. Không nên chất lúa thành đống và để đến ngày hôm sau mới nhai vì trong mùa mưa thường có độ ẩm không khí cao làm đống lúa tăng nhiệt độ dẫn đến hạt có thể nảy mầm làm giảm chất lượng hạt giống. - Phơi sấy hạt giống: Lúa cần được làm khô càng nhanh càng tốt, không nên để lúa ẩm trong bao nhiều giờ. Thời gian từ khi nhai lúa đến lúc phơi không nên quá 5-10 giờ. Do điều kiện nào đó mà không làm khô được hạt giống quá thời hạn trên thì dù hạt giống có được làm khô cũng sẽ bị giảm chất lượng. Hạt giống có thể phơi trên sân xi măng, nếu thời tiết quá nắng nóng thì cần trải một lớp lưới cước trên mặt sân. Phơi trên sân đất cũng cần phơi trên lưới cước để lúa nhanh khô, không bị dính đất và chạy mưa dễ dàng. Cũng có thể dùng biện pháp sấy làm khô hạt giống, cần lưu ý chỉnh lửa lò sấy để nhiệt độ lò sấy không quá 42oC, vì quá nhiệt độ này có thể làm chết phôi. Vì thời gian bảo quản tương đối dài và trong điều kiện thời tiết ẩm ướt nên lúa cần làm khô. Dùng máy đo ẩm độ thấy ẩm độ dưới 13% là được. Sau khi phơi sấy khô cần để cho hạt giống nguội hẳn mới đóng vào bao. - Làm sạch và bảo quản: Lúa giống cần được giê sạch để loại bỏ hết những hạt lửng lép vì những hạt lúa này hay mang mầm bệnh là các nấm ký sinh, sức nảy mầm của những hạt lửng lép cũng rất kém sẽ làm cây lúa yếu ớt. Có thể làm sạch hạt giống bằng quạt gió hoặc máy phân loại hạt giống (thường chỉ có ở các Viện, Trung tâm giống cấp tỉnh). Bà con nên bảo quản hạt giống bằng túi yếm khí. Chi phí cho túi yếm khí chỉ là 18.000 đ/ha (lượng hạt giống là 120 kg/ha, dùng 3 bao, mỗi bao 40 kg). Tác dụng tốt của túi yếm khí đối với việc bảo vệ hạt giống đã được nghiên cứu và áp dụng vào thực tế. Lúa giống sau khi làm sạch được tồn trữ trong bao yếm khí sẽ giúp hạt giống giảm đến mức tối thiểu quá trình trao đổi chất, không khí bên ngoài không xâm nhập vào bên trong làm cho hạt lúa không hút ẩm nên vẫn giữ được độ khô cần thiết. Các loài côn trùng, nấm bệnh cũng không xâm nhập được vào trong bao nên không làm tổn hại đến hạt giống. Các yếu tố trên giúp cho sức khỏe hạt giống không bị giảm sút. Bao đựng giống cần để ở nơi thoáng mát, sạch sẽ. Bà con cũng có thể trữ lúa giống trong thùng nhựa có nắp đậy kín và quấn băng keo (lúa cần đổ đầy thùng để đẩy hết không khí ra ngoài) để tránh các tác nhân gây hại và chuột cắn phá. Thực hiện tốt các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình thu hoạch, phơi sấy và bảo quản nêu trên thì sau thời gian từ 4-6 tháng bà con vẫn có hạt giống chất lượng cao để sử dụng.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/45/45/45/41654/default.aspx