Chuẩn bị hàng hóa cho Tết Đinh Dậu: Đưa hàng Việt tới tay công nhân

Để đáp ứng nhu cầu mua hàng hóa dịp Tết Nguyên đán của bà con khu vực nông thôn và công nhân các KCN - KCX, các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị nguồn hàng để bình ổn thị trường dịp cuối năm. Các doanh nghiệp sẽ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như nước mắm, bột canh, mì chính... đặc biệt một số doanh nghiệp khẳng định bán hàng không lợi nhuận cho NLĐ vào dịp cuối năm.

Đưa hàng Việt chất lượng cao, bình ổn giá tới các khu công nghiệp giúp công nhân giảm bớt khó khăn khi mua sắm chuẩn bị tết.

Đưa hàng tới khu công nghiệp và vùng nông thôn

Tại buổi làm việc của Bộ Công Thương với UBND TP.Hà Nội và các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường dịp cuối năm 2016 và Tết Đinh Dậu, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sở sẽ phối hợp với các doanh nghiệp (DN) tổ chức 5 điểm bán hàng Việt phục vụ tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) và 22 phiên chợ Việt cùng 100 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn.

Năm nay, TP.Hà Nội sẽ tổ chức bán hàng phục vụ tết tại 20 trung tâm thương mại, 119 siêu thị, 700 cửa hàng tiện ích, các hộ kinh doanh và 454 chợ trên địa bàn. Cty Vinmart dự trữ hàng hóa khoảng trên 1.000 tỉ đồng, với trên 400 cửa hàng tiện ích và gần 20 TTTM và siêu thị; phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp sản xuất hàng Việt đầu tư trên 100 tỉ đồng hỗ trợ các DN này bán hàng không lợi nhuận trong hệ thống Vinmart.

Tiếp tục tham gia vào kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa Tết Đinh Dậu năm 2017, TCty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã chuẩn bị và dự trữ các mặt hàng thịt bò, lợn, trứng, thủy sản… với tổng trị giá 1.200 tỉ đồng, phục vụ tại 70 điểm bán lẻ của hệ thống Hapro. Hapro còn tổ chức 22 phiên chợ hàng Việt và 100 chuyến bán hàng lưu động vào dịp trước tết phục vụ nhu cầu của công nhân tại các KCN, KCX.

Đại diện chuỗi siêu thị Fivimart, bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Nhất Nam - cho biết: Cty đã lên kế hoạch dự trữ 250 tỉ đồng chuẩn bị hàng hóa phục vụ người tiêu dùng. Dự kiến, lượng hàng hóa dự trữ trong hệ thống siêu thị của Nhất Nam tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Chuỗi siêu thị Fivimart của Nhất Nam vẫn tập trung vào các mặt hàng nông sản an toàn, hàng Việt Nam chất lượng cao. Đồng thời, đảm bảo lượng hàng hóa thiết yếu không để xảy ra tình trạng khan hàng, khiến giá bị đẩy lên cao.

Cùng đó, từ ngày 21-26.11, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn" (ngày 21-22.11 bán hàng tại KCN Đông Xuyên, phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu). Phiên chợ có quy mô 32 gian hàng/30 DN đoạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN mời tham dự.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đồng ý phân bổ kinh phí 12 tỉ đồng để thực hiện chương trình bình ổn thị trường, giá cả đối với một số mặt hàng thiết yếu, kết hợp đưa hàng Việt về nông thôn trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 với tổng số điểm bán hàng bình ổn giá là 12 điểm/9 huyện, TP trong tỉnh.

Ông Lê Thanh Hải - đại diện TCty May 10 cho biết: Hiện May 10 đã xây dựng được chuỗi cửa hàng ở các vùng nông thôn để giới thiệu các mặt hàng dệt may, phát triển thương hiệu trên địa bàn cả nước chất lượng sản phẩm luôn đảm bảo như ở thành phố nhưng giá cả phù hợp với vùng nông thôn, khách hàng có thu nhập thấp.

Không để tái diễn trà trộn hàng tồn

Tuy nhiên, sức lan tỏa của những chuyến hàng Việt về nông thôn dường như vẫn chưa được như mong muốn. Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Hapro - chia sẻ, có việc đưa hàng Việt về nông thôn diễn ra trong thời gian ngắn, tổ chức rời rạc, thiếu sự liên kết, thậm chí còn một số DN chưa có ý thức coi trọng khách hàng đã trà trộn hàng lỗi mốt, hàng tồn bán tại các hội chợ…

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đánh giá, dịp Tết Nguyên đán 2017, thị trường nông thôn tiếp tục là thị trường giàu tiềm năng vì chiếm tới hơn 65% dân số, sức mua lớn. Thực tế cho thấy một số phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn ghi nhận sức mua tốt và bán được hàng vì điều tra đúng nhu cầu tiêu dùng và bán sản phẩm với giá cả hợp lý. Người dân ở nông thôn vẫn thích hàng Việt và đa phần là các mặt hàng thông dụng như muối, mắm, mì chính, quần áo trẻ em, sách vở…

Những chuyến hàng Việt về nông thôn hiện nay vẫn mang tính chất mùa vụ, NTD muốn mua thêm sản phẩm cũng không biết mua hàng ở đâu, kết nối với DN bằng cách nào trong khi hàng giả, hàng rởm vẫn tràn lan. Các DN phân phối cần có sự phân công phối hợp, bày bán các mặt hàng thế mạnh khác nhau thay vì một mặt hàng mà tất cả các đơn vị đều cung cấp. Ngoài ra, DN cần điều tra nhu cầu người tiêu dùng. Quan trọng nhất là cái tâm làm thương mại, đưa hàng về nông thôn đừng nghĩ quan trọng nhất lợi nhuận - ông Vũ Vinh Phú khẳng định.

KHÁNH VŨ - KHÁNH LINH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/chuan-bi-hang-hoa-cho-tet-dinh-dau-dua-hang-viet-toi-tay-cong-nhan-613298.bld