Chuẩn bị lên sàn, Cáp treo Bà Nà có gì hấp dẫn?

Chưa rõ mức giá chào sàn, nhưng với những dự án đầu tư cỡ lớn cùng sự hậu thuẫn mạnh mẽ của tập đoàn Sungroup, Cáp treo Bà Nà được kỳ vọng sẽ là một nhân tố mới trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Ảnh minh họa.

Sau khi trở thành công ty đại chúng vào cuối năm 2015, CTCP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà (BNC - Banacab) mới đây đã nộp hồ sơ niêm yết toàn bộ 216,4 triệu cổ phiếu trên trên Sở GDCK TP.HCM.

Doanh nghiệp có vốn điều lệ 2.164 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu tính đến 30/6/2016 ở mức 2.547 tỷ đồng. Là một trong những “ông lớn” nhưng khá kín tiếng trong lĩnh vực vui chơi giải trí, Cáp treo Bà Nà gây tò mò cho không ít nhà đầu tư khi quyết định lên sàn.

Vốn điều lệ tăng chóng mặt

CTCP Cáp treo Bà Nà thành lập năm 2007, với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là kinh doanh vận chuyển hành khách bằng hệ thống cáp treo và máng trượt, kinh doanh các loại hình vui chơi giải trí, bất động sản, nhà hàng ăn uống.... Đây chính là doanh nghiệp sở hữu tổ hợp dự án với hệ thống cáp treo dài kỷ lục hơn 5.801m với tổng kinh phí đầu tư hơn 34 triệu USD, Làng Pháp với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD cùng Công viên Fantasy (Fantasy Park) thuộc top 5 Công viên trong nhà lớn nhất Châu Á.

Do đầu tư một loạt các hạng mục nên đòi hỏi quy mô vốn của Cáp treo Bà Nà khá lớn. Chỉ sau 9 năm đi vào hoạt động, vốn điều lệ của doanh nghiệp đã tăng tới 43,3 lần, từ mức 50 tỷ đồng năm 2007 lên 2.164 tỷ đồng.

Quy mô vốn lớn nhưng cơ cấu cổ đông của Cáp treo Bà Nà lại khá “cô đặc” khi chỉ hai cổ đông cá nhân đã nắm trong tay tới 72,57% vốn điều lệ, bao gồm ông Lê Viết Lam , Chủ tịch HĐQT của SunGroup (38,57%) và ông Mạnh Xuân Thuận (34%). Sungroup hiện cũng đang nắm giữ 7,15% vốn. Theo đó, tổng tỷ lệ sở hữu của Sungroup và vị chủ tịch của Tập đoàn này lên tới 45,57%.

Một điều đáng chú ý, mặc dù nắm trong tay phần lớn cổ phần Cáp treo Bà Nà, nhưng ông Lê Viết Lam lại không tham gia vào HĐQT hay Ban điều hành của doanh nghiệp.

Tuy vậy, Chủ tịch HĐQT Cáp treo Bà Nà, ông Đặng Minh Trường hiện cũng đang giữ ghế Tổng giám đốc tại Sungroup.

Doanh thu, lợi nhuận liên tục tăng

Mặc dù mới chỉ đi vào khai thác từ năm 2009, nhưng Quần thể du lịch Bà Nà – Suối mơ đã trở thành một địa điểm du lịch khá nổi tiếng trong nước. Số lượng khách tham quan du lịch đến đây vì vậy mà tăng trưởng mạnh qua các năm.

Theo số liệu của công ty, năm 2012 số lượt khách đến khu du lịch này là 761,6 nghìn lượt, sang năm 2013 tăng lên 906,5 nghìn lượt, năm 2014 la 1,05 triệu lượt và hết năm 2015, con số này tăng lên hơn 1,5 triệu lượt khách. Trung bình mỗi ngày có 5.000 lượt khách đến Bà Nà Hills, vào mùa cao điểm và lễ tết, con số này tăng lên tới 18.000 – 20.000 lượt khách. với giá vé vào dao động từ 450.000-550.000 đồng mỗi lượt (giá trẻ em và người lớn). Tuy nhiên, từ tháng 4 vừa qua, đơn vị này đã điều chỉnh giá vé thêm 50.000 đồng mỗi lượt.

Số lượng lượt khách đến tăng nhanh giúp cho doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng tăng tương ứng. Nếu như năm 2014, doanh thu, lợi nhuận của Cáp treo Bà Nà mới chỉ ở mức 609 tỷ đồng và 55 tỷ đồng thì sang 2015, con số này đã tăng lên 1.014 tỷ đồng và 129,5 tỷ đồng, tương đương mức tăng lần lượt 66,6% và 135,9%.

Ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2016, Cáp treo Bà Nà thu về 732 tỷ đồng doanh thu, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2015. Lợi nhuận sau thuế trên 167 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. So với kế hoạch 2016 với doanh thu thuần là 1.480 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 150 tỷ đồng thì dù doanh thu chưa hoàn thành nhưng công ty đã vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm. EPS nửa đầu năm 2016 đạt 773 đồng, cao gấp 6,4 lần cùng kỳ năm trước.

Tỷ suất lợi nhuận chưa cao

Mặc dù kết quả kinh doanh tăng mạnh qua các năm, nhưng nếu so với một doanh nghiệp cùng ngành đang niêm yết trên sàn là CTCP Cáp Treo Núi Bà Tây Ninh (mã TCT), thì tỷ suất lợi nhuận của Cáp treo Bà Nà vẫn còn ở mức khiêm tốn.

Trong năm 2015, TCT đạt doanh thu 176 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 58 tỷ đồng, tương đương với tỷ suất lợi nhuận 33%, cao hơn nhiều so với mức 12,8% của Cáp treo Bà Nà.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, TCT đạt doanh thu hơn 109 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 65,8 tỷ đồng. Với kết quả này, TCT đãn hoàn thành 82,9% kế hoạch doanh thu đồng thời vượt gần 6% kế hoạch lợi nhuận năm. Tỷ suất lợi nhuận 6 tháng lên tới 60,4%, so với mức 22,8% của Bà Nà.

Mặc dù so với TCT, tỷ suất lợi nhuận của Cáp treo Bà Nà vẫn còn khá khiêm tốn, nhưng cũng phải công bằng nhìn nhận, TCT đã đi trước Cáp treo Bà Nà tới hơn hơn 10 năm, hoạt động đã đi vào ổn định, khi chi phí khấu hao giảm trong khi Cáp treo Bà Nà vẫn còn đang tiếp tục triển khai nhiều hạng mục và doanh nghiệp vẫn phải đầu tư khá lớn.

Mới đây, Ban lãnh đạo Cáp treo Bà Nà lại quyết định tiếp tục đầu tư Dự án Tuyến cáp treo số 4, số 5 Bà Nà Hills và các công trình phụ trợ thuộc quần thể khu du lịch sinh thái Bà Nà – Suối Mơ. Theo đó, để phục vụ dự án, công ty sẽ huy động hơn 1.500 tỷ đồng bằng hình thức vay vốn và phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Cáp treo Bà Nà cũng đã đầu tư vào một doanh nghiệp kinh doanh cáp treo khác là Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Cáp treo Fansipan Sapa.

Được biết, từ khi hoạt động đến nay, Cáp treo Bà Nà liên tục đầu tư các công trình của khu du lịch Bà Nà Hills và ĐHCĐ của công ty đều nhất trí giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư, chưa chia cổ tức.

Chưa rõ mức giá chào sàn, nhưng với những dự án đầu tư cỡ lớn cùng sự hậu thuẫn mạnh mẽ của tập đoàn Sungroup, Cáp treo Bà Nà được kỳ vọng sẽ là một nhân tố mới trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

TRẦN THÚY

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/chan-dung-doanh-nghiep-chuan-bi-len-san-cap-treo-ba-na-co-gi-hap-dan-2011233.html