Chuẩn bị xây nhà máy xử lý nước thải kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè

Công ty Tư vấn SCE (Pháp) vừa thực hiện xong việc nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè.

Theo SCE, nhà máy nên được xây dựng tại phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) vì có nhiều thuận lợi hơn so với vị trí tại xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè). Những thuận lợi mà SCE tính toán gồm: đường cống bao chuyển tải nước từ trạm bơm Đông Sài Gòn (gần cầu Thủ Thiêm, quận 2) về nhà máy để xử lý chỉ dài 7,8 km; lộ trình tuyến cống đi qua có mật độ dân cư thấp, ít đi qua kênh rạch; đầu ra của trạm bơm đã được xây dựng qua sông Sài Gòn (phía quận 2); không cần trạm bơm trung chuyển trước nhà máy. Bất lợi duy nhất khi xây dựng nhà máy ở đây là diện tích đất sẵn có hạn chế (dự kiến chỉ 36 ha).

Sơ đồ đường cống bao đi từ trạm bơm bờ Đông Sài Gòn về nhà máy ở phường Thạnh Mỹ Lợi. (Nguồn: Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP)

Sơ đồ đường cống bao đi từ trạm bơm bờ Đông Sài Gòn về nhà máy ở phường Thạnh Mỹ Lợi. (Nguồn: Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP)

Trong khi đó, nếu xây nhà máy tại xã Phước Lộc, quỹ đất cho dự án lớn hơn nhưng lại gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, tuyến cống bao về đến nhà máy sẽ dài đến 13,3 km làm tăng khoảng 50 triệu USD kinh phí so với vị trí Thạnh Mỹ Lợi; lộ trình tuyến cống bao đi qua những khu vực đông dân cư; đường về đến Nhà Bè phải băng qua ít nhất năm tuyến kênh, rạch (Thạnh Mỹ Lợi chỉ có hai). Ngoài ra, để đưa nước thải về tới nhà máy ở Phước Lộc, dự án phải xây thêm một trạm bơm thì mới vận hành được.

Ngày 27-5, tại buổi họp giữa Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (đơn vị được UBND TP giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà máy) với các sở, ngành, chủ đầu tư các dự án liên quan đến hệ thống tuyến cống bao đi qua và ở khu vực xây dựng nhà máy, nhiều ý kiến cho rằng SCE nên nghiên cứu kỹ hơn về vị trí Thạnh Mỹ Lợi. Về việc SCE cho rằng phải tăng diện tích 15 ha nằm sát ranh khu vực xây dựng nhà máy để giúp nhà máy hoạt động tốt hơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Thế Kỷ đề nghị: “Nếu cần thiết, có thể ngầm hóa các bể chứa nước tại khu vực 15 ha này để giữ nguyên mảng xanh bên trên”.

Việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải nằm trong giai đoạn hai của dự án cải tạo môi trường kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Công suất vận hành của nhà máy là 800.000 m3/ngày, xử lý nước thải cho lưu vực kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, khu đô thị mới Thủ Thiêm và quận 2.

Nhiều ý kiến khác yêu cầu SCE tính toán lại các hệ thống ngầm của khu đô thị Thủ Thiêm, cơ sở hạ tầng các dự án xung quanh và cả hệ thống thoát nước mà tuyến cống bao đi qua để sau này dễ kết nối vào tuyến cống đưa nước thải về nhà máy xử lý. Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, hứa: “Sắp tới, các đơn vị tham gia tư vấn cho dự án sẽ làm việc trực tiếp với chủ đầu tư và ban quản lý các dự án có liên quan để tránh những xung đột khi bắt tay thực hiện dự án”.

VĂN THUẬT

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20100527111031498p0c1085/chuan-bi-xay-nha-may-xu-ly-nuoc-thai-kenh-nhieu-locthi-nghe.htm