Chuẩn yêu cầu nguồn thu về NCKH, số bài báo quốc tế, lãnh đạo trường ĐH nói gì?

Theo Tiến sĩ Lê Anh Đức nghiên cứu khoa học đem lại nguồn thu phải là nghiên cứu khoa học ứng dụng, tức là giải quyết được bài toán của doanh nghiệp.

Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học gồm 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/3/2024. Trong đó, tiêu chuẩn số 6 liên quan tới “Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo” quy định:

Tỷ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%.

Số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 0,3 bài/năm; riêng đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ không phải trường đào tạo ngành đặc thù không thấp hơn 0,6 bài/năm trong đó số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus (có tính trọng số theo lĩnh vực) không thấp hơn 0,3 bài/năm.

Điểm b, khoản 1, Điều 3 Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT cũng nêu rõ: "Công bố kết quả thực hiện Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của các cơ sở giáo dục đại học trước ngày 30 tháng 6 hằng năm, bắt đầu từ năm 2025 cho năm báo cáo trước liền kề".

Như vậy, chỉ còn 1 năm nữa các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải tiến hành báo cáo. Đây là một thách thức lớn với các trường đại học, nhất là các trường địa phương vì số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học còn hạn chế.

Nhiều trường đại học gặp khó với tiêu chí về tỷ trọng nguồn thu từ khoa học công nghệ

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Xuân Lãm - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tài chính - Kế toán (Quảng Ngãi) cho rằng: Tiêu chí về tỷ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5% rất khó để đạt được.

"Đây là vấn đề chung của rất nhiều trường hiện nay. Đặc biệt với những trường liên quan đến tài chính - kế toán thì lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu là các đề tài liên quan đến nghiên cứu về học thuật chứ không phải những đề tài mang tính ứng dụng. Chính vì vậy, khi chuyển giao các đề tài nghiên cứu này chủ yếu dùng để phục vụ cho công tác giảng dạy trong trường nên không mang lại nguồn thu. Còn các đề tài có thể chuyển giao được ra bên ngoài làm cho tỉnh, cho trung ương theo đơn đặt hàng rất ít. Do đó, nếu yêu cầu nguồn thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ phải đạt 5% là rất khó", thầy Lãm trăn trở.

Tiến sĩ Lê Xuân Lãm - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tài chính - Kế toán. (Ảnh: website nhà trường)

Với tiêu chí 6.2 số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian, theo thầy Lãm chỉ số này nếu xét 0,3 bài/năm tính cả các công bố trong nước thì không phải quá cao. Bởi đã là giảng viên có trình độ thạc sĩ, đặc biệt là tiến sĩ thì một năm phải có một bài báo khoa học. Tuy nhiên, nếu xét cả trường hợp phải thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus thì không phải đơn giản.

Theo thầy Lãm, đối với các trường có đào tạo tiến sĩ, yêu cầu phải có 0,3 bài/ năm thuộc danh mục tạp chí quốc tế uy tín mặc dù khó nhưng cũng nên hướng tới. Vì hiện nay, đã là tiến sĩ thì rõ ràng những chuẩn về ngoại ngữ, để trở thành một tiến sĩ cũng phải có ít nhất 2 bài báo quốc tế. Do đó, tiêu chí này các trường có thể đạt được trong khả năng.

“Nhưng với tiêu chí 6.1 yêu cầu kết quả chuyển giao khoa học công nghệ phải chiếm 5% nguồn thu của trường thì theo tôi rất khó cho các trường. Nhưng các trường hiện nay cũng phải hướng tới tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Rõ ràng đối với mỗi trường đều có 2 nhiệm vụ là nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nếu tỷ lệ nghiên cứu khoa học của trường chiếm tỷ trọng lớn sẽ càng nâng cao vị thế và uy tín cho trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh của các trường trong giai đoạn đầu này thì tiêu chí nguồn thu phải đạt 5% theo tôi rất nhiều trường sẽ không đạt được.

Tiêu chí này có thể đạt được với những trường thuộc khối kỹ thuật hay khối ứng dụng. Còn với các trường liên quan đến kinh tế thì rõ ràng nếu trường nghiên cứu cho đơn đặt hàng bên ngoài sẽ rất khó. Ví dụ như Trường Đại học Tài chính - Kế toán thiên về nghiên cứu chính sách nên không dễ gì mà thay đổi được. Còn nếu trường nghiên cứu vấn đề này để thay đổi cho một doanh nghiệp đặt hàng mà liên quan đến huy động vốn, giải pháp nâng cao nguồn lực thì hiện nay các dạng đề tài này không dễ để chuyển giao”, thầy Lãm nhấn mạnh.

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược, Đại học Huế khẳng định: “6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT hướng tới hội nhập quốc tế, cần có lộ trình để tất cả các bên cùng nỗ lực phấn đấu. Có thể hiện nay thì khó đạt được nhưng nếu các trường cùng nỗ lực phấn đấu thì có thể hướng tới được.

Hiện nay, tại Trường Đại học Y dược - Đại học Huế tiêu chí 6.2 về số lượng công bố quốc tế bình quân trên một giảng viên nhà trường đã đạt. Còn tiêu chí yêu cầu tỷ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5% thì chưa đạt".

Trong thời gian sắp tới, thầy Huy cho hay nhà trường sẽ nỗ lực, vận động mọi phương thức để phấn đấu tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Nhưng nếu để xét ngay thời điểm hiện tại thì trường chưa đạt được.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược, Đại học Huế. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Đề xuất phân bổ các tiêu chí theo từng cụm trường và phải có lộ trình cho từng trường hợp cụ thể

Tiến sĩ Lê Anh Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai nhận định: “Hiện nay các trường đại học có rất nhiều nguồn thu như: học phí, nguồn thu từ ngân sách nhà nước, nguồn thu từ hoạt động các doanh nghiệp đặt hàng… Nhưng hiện tại các doanh nghiệp đặt hàng cho nghiên cứu khoa học chưa nhiều.

Nghiên cứu khoa học đem lại nguồn thu phải là nghiên cứu khoa học ứng dụng, tức là phải sử dụng để giải quyết được bài toán của doanh nghiệp chứ không phải nghiên cứu khoa học ra để khuyến nghị doanh nghiệp nên làm như thế này, nên làm như thế kia. Điều đó doanh nghiệp không quan tâm. Chính vì như vậy, vấn đề là thông tư của Bộ đưa ra để các trường phấn đấu và các trường phải có chiến lược, chính sách để phấn đấu và phải hòa nhập với các trường lớn cũng như các trường trong khu vực ASEAN.

Do đó, để phấn đấu đạt được tiêu chí này, chúng ta cần phải có những chính sách thay đổi từ nội tại của các trường. Từ phía Nhà nước cũng phải có chính sách để hỗ trợ”.

Cũng theo thầy Đức, để tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học các trường cần tăng tính ứng dụng của các sản phẩm nghiên cứu ra. Sản phẩm của nhà khoa học làm ra phải đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ví dụ địa phương cần gì, trường đại học cần gì, doanh nghiệp cần gì thì các nghiên cứu khoa học phải nắm bắt được và làm theo như vậy. Điều này cũng giống như bán sản phẩm, mọi người có thể làm ra sản phẩm nhưng không bán được thì phá sản là điều đương nhiên.

Với tiêu chí về bài báo quốc tế, theo thầy Đức nếu xét chỉ là bài báo khoa học nói chung thì không khó với giảng viên. Vấn đề là hàm lượng ứng dụng của bài báo đó như thế nào.

“Ví dụ như chỉ số trích dẫn, có những bài báo chỉ đăng thôi chứ đâu có ai trích dẫn. Theo tôi vấn đề chính không phải số lượng bài báo quốc tế mà phải xác định chất lượng bài báo có những tiêu chí gì để ứng dụng, đưa vào cuộc cuộc sống chứ không phải chỉ viết ra là xong. Chính vì thế, tiêu chí về bài báo khoa học cần có thêm tiêu chí về chất lượng các bài báo. Ở nước ngoài đã có những tiêu chí này”, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai bày tỏ.

Cùng bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tài chính - Kế toán đề xuất nên phân bổ các tiêu chí này theo từng cụm trường khác nhau. Bởi không phải tất cả nghiên cứu nào cũng đều có thể chuyển giao và đem lại nguồn thu.

“Theo tôi, hiện nay nếu đề nghị là các trường phải dành bao nhiêu % kinh phí chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học thì tôi đồng tình. Còn nếu hiện nay buộc các trường phải đạt được nguồn thu này thì phải xem xét theo từng loại hình của các trường.

Những trường liên quan đến ứng dụng, liên quan đến kỹ thuật, liên quan đến khối nông lâm, y học… thì có thể dễ dàng chuyển giao được và đem lại nguồn thu. Ví dụ như khối ngành nông lâm hiện nay nghiên cứu về giống cây trồng, họ có thể chuyển giao được cho các doanh nghiệp. Hay nghiên cứu chế tạo về cơ khí có thể chuyển giao được. Ngược lại, nhà trường hiện chỉ chuyên nghiên cứu giảng dạy về kế toán, giảng dạy về tài chính thì rõ ràng rất khó để đạt được chuẩn.

Tôi nghĩ tiêu chuẩn này nếu áp dụng thì nên phân chia theo lĩnh vực của khối các trường đại học thì sẽ phù hợp hơn”, thầy Lãm nêu quan điểm

Trong khi đó, theo Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai, việc quan trọng nhất khi đưa ra chuẩn là cần có lộ trình cho từng đối tượng để làm sao tất cả các trường đều có thể cùng thực hiện được chứ không phải trường thực hiện được, trường không thực hiện được rồi bỏ trường không thực hiện được phía sau. Chính vì thế cần có sự hỗ trợ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để làm sao tất cả các cơ sở giáo dục đại học cùng tiến lên.

"Trước khi ban hành Thông tư 01 Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã lấy ý kiến rất nhiều trường, trong đó có các trường địa phương. Những tiêu chuẩn, tiêu chí cũng dựa trên khả năng của các trường và khả năng phấn đấu của từng trường. Tất nhiên không phải lúc nào đưa ra chính sách cũng có 100% trường đồng ý. Nhưng ít nhất nó phải phù hợp với xu hướng hợp tác quốc tế, buộc các trường phải phát triển tiến lên.

Vấn đề là khả năng của từng đơn vị, từng địa phương, mỗi trường cần phải khắc phục những khó khăn còn tồn tại để hướng tới phát triển. Theo tôi, các trường đại học địa phương vẫn có đủ khả năng để phấn đấu đạt chuẩn”, thầy Đức nêu quan điểm.

Tiến sĩ Lê Anh Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai. (Ảnh: Nhật Lệ)

Thầy Đức thông tin thêm, đối với Trường Đại học Đồng Nai hiện nay cũng gặp phải một số khó khăn. Theo đó, Đồng Nai là một địa phương phát triển và gần sát với Thành phố Hồ Chí Minh. Đội ngũ giảng viên của trường khi phát triển lên thường có xu hướng chuyển công tác về các trường lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh.

“Thực ra đây là một thực tế dễ hiểu vì ai cũng muốn phát huy được hết năng lực của mình. Tuy nhiên, đó lại là khó khăn với các trường đại học địa phương. Về chính sách giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay cũng có rất nhiều, nơi dùng chính sách về kinh tế, có nơi dùng chính sách khuyến khích đi học, phát triển tại chỗ. Nhưng theo tôi, những chính sách đó chỉ là tạm thời thôi không phải căn cơ. Vì nếu khuyến khích bằng kinh tế thì có nơi nào trả lương cao hơn một chút người ta sẽ lại đi. Còn chính sách phát triển tại chỗ thì đến một lúc nào đó người ta cũng sẽ đi.

Vừa rồi Đồng Nai cũng đề nghị một chính sách thiết thực hơn là cấp nhà ở cho đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Bởi vì nhà ở là một vấn đề cực kỳ quan trọng, gắn liền với an cư. Người ta sẽ ở đó, con cái cũng ở đó nên sẽ yên tâm ở lại công tác, lập nghiệp. Còn nhà khoa học muốn phát triển thì nhà trường vẫn tạo điều kiện cho họ đi làm thêm ở nơi khác, vẫn cùng với các trường đại học khác nghiên cứu", thầy Đức chia sẻ.

Nhật Lệ

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chuan-yeu-cau-nguon-thu-ve-nckh-so-bai-bao-quoc-te-lanh-dao-truong-dh-noi-gi-post242663.gd