Độc đáo lễ hội cầu mưa của người Mường ở Hòa Bình

Lễ hội cầu mưa - một trong những nghi lễ quan trọng của đồng bào người Mường Hòa Bình được tái hiện lại tại Làng VH–DL các dân tộc Việt Nam.

Lễ cầu mưa là một nghi lễ nông nghiệp quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mường.

Lễ hội được tổ chức sau khi gieo hạt, trồng cây ngô, lúa, khoai sắn.... để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho sự che chở của thần linh, qua đó phản ánh ước muốn của đồng bào về cuộc sống no đủ hạnh phúc.Theo quan niệm của đồng bào từ xa xưa, tháng tư âm lịch sau khi gieo trồng các loại hoa màu xong, đây chính là “mùa sấm mọc” dân làng đợi nước làm ruộng nhưng trời vẫn không cho mưa, các già làng giục con cháu làm lễ cầu mưa.

Đầu tiên thầy cúng gọi thần đất (thổ công) dậy và gọi thần gió, thần mưa... về để kêu than cho dân chúng bản: “ Hỡi trời đất, con người dưới gầm trời này đã chịu đói ,chịu khát đã mấy tháng nay ruộng đồng khô hạn nứt nẻ vạn vật chạy ngược không nước, chạy xuôi hạn hán cạn khô, cây cối đang chết dần chết mòn...

Khấn mong đất trời phù hộ độ trì cho mưa thuận gió hòa cho nước đầy đồng, cho sông đầy nước cho dân chúng được uống được ăn, cho trâu bò đẻ đầy nhà cho gà lợn đẻ đầy chuồng, cho thóc lúa đầy kho. cho trâu bò no đủ... Hỡi trời hỡi đất, Mo Mường cất tiếng van xin!”.

Lúc này mọi người dân ngồi xung quanh chắp tay cầu khấn mưa.

Qua đây cũng là dịp để đồng bào gặp gỡ, trao đổi học hỏi kinh nghiệm sản xuất và tham gia vào các điệu múa, lời ca, các trò chơi dân gian...truyền thống của các dân tộc.

Sau khi cầu khấn, tế lễ xong và được sự đồng ý của thần linh, thầy Mo múc nước té lên trời. Tiếp theo, đồng bào hô hoán nhau lấy gậy chọc lên trời để đánh thức ma nước dậy, cùng nhau đánh trống chiêng vang dội và cùng nhau hô to:“Trời đã cho nước rồi, cho mưa rồi, bà con gọi nhau dậy đi ra đồng ra nương để làm đất, cày cấy làm mùa màng...”.

Lễ hội của các dân tộc ở Hòa Bình gắn liền với những đặc điểm cụ thể về địa lý, tự nhiên và đời sống xã hội của các cộng đồng dân cư tồn tại ở đây từ lâu đời. không có những lễ hội quy mô, đồ sộ có sự tham gia của đông người với những trang phục, lễ vật, đồ tế khí.

Kết thúc nghi thức cúng, du khách tham dự được mời thụ lộc để mừng trời mưa để mong mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu.

Hoàng Đông

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/chum-anh-le-hoi-cau-mua-cua-nguoi-muong-o-hoa-binh-d43624.html