Chứng chỉ quỹ ETF - “canh bạc” cho dòng vốn ngại rủi ro

BizLIVE - Thị trường niêm yết có thêm lựa chọn mới cho những nhà đầu tư ít năng động, khi cơ hội lợi nhuận chấp nhận được trong dài hạn và rủi ro tương đối thấp.

Ảnh minh họa.

Ngày 6/10, chứng chỉ quỹ ETF nội địa đầu tiên sẽ được giao dịch trên sàn HSX. Thị trường niêm yết có thêm lựa chọn mới cho những nhà đầu tư ít năng động, khi cơ hội lợi nhuận chấp nhận được trong dài hạn và rủi ro tương đối thấp.

Thời điểm tốt cho E1VFVN30?

Nhà đầu tư cá nhân thường không quan tâm đến giao dịch hoán đổi của quỹ ETF mà chỉ quan tâm đến giao dịch thứ cấp trên sàn. E1VFVN30 sẽ được niêm yết như một chứng chỉ quỹ bình thường và tuân thủ các quy định giao dịch khớp lệnh, thỏa thuận bình thường như các cổ phiếu, từ bước giá cho tới lô giao dịch, áp dụng các lệnh đang được triển khai.

Quỹ ETF đầu tiên này niêm yết với khối lượng 20,2 triệu chứng chỉ, một quy mô khá nhỏ nếu so sánh với lượng lưu hành phổ thông của các cổ phiếu khác. Thông thường giá của chứng chỉ quỹ ETF luôn bám sát giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ và rất ít đột biến do giá trung bình của một rổ cổ phiếu luôn tăng chậm hơn từng cổ phiếu cụ thể.

Tuy nhiên giá chứng chỉ quỹ ETF vẫn có thể bị tác động bởi cung cầu trong từng thời điểm. Chẳng hạn hiện tại, thị trường đang có triển vọng tạo đáy và phục hồi đón nhận kết quả kinh doanh quý 3. Xu hướng giá của cổ phiếu có thể là tăng, dẫn đến NAV của quỹ tăng và giá chứng chỉ tăng. Nhu cầu mua của nhà đầu tư có thể cao hơn bình thường.

Ngoài ra, mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài cũng là một ẩn số. Quỹ ETF không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư nước ngoài có thể gián tiếp thông qua quỹ để sở hữu các cổ phiếu đã hết room. Nếu nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh chứng chỉ quỹ ETF một thời điểm, giá có thể vượt ra khỏi giới hạn NAV của quỹ.

Công cụ đầu tư dài hạn

Xu hướng đầu tư trong dài hạn tính bằng nhiều năm luôn được xem là có rủi ro thấp. Về lý thuyết, nếu tính trong một chuỗi thời gian hàng chục năm, chỉ số chứng khoán luôn luôn tăng. Chẳng hạn với VN-Index, trong vòng 4 năm gần nhất, mức tăng trưởng khoảng 24%. Một số năm tăng trưởng tốt như năm 2012, tăng trưởng của chỉ số này là 17,7%, năm 2013 tăng trưởng 22%, 10 tháng đầu năm năm 2014 tăng trưởng 21,2%. Khi các quỹ ETF bám sát biến động của chỉ số thì về lý thuyết, mức tăng trưởng cũng tương đương.

Như vậy nếu bỏ qua các biến động ngắn hạn trong một năm, một nhà đầu tư dài hạn hoàn toàn có thể đạt được một mức lợi nhuận khá tốt nếu so sánh với gửi tiết kiệm. Về hình thức, gửi tiết kiệm tính theo năm cũng chỉ nhận được lợi nhuận vào cuối kỳ. Với mức độ rủi ro rất thấp thì đương nhiên lợi nhuận của kênh tiết kiệm cũng rất thấp.

Đầu tư dài hạn vào một chứng chỉ quỹ ETF có mức độ rủi ro cao hơn tiết kiệm vì đây thực sự là một kênh đầu tư chứ không phải là một kênh “giữ tiền”. Tuy vậy mức độ rủi ro của chứng chỉ quỹ thấp hơn rất nhiều so với đầu tư dài hạn vào các cổ phiếu cụ thể.

Rủi ro từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp luôn luôn tồn tại nếu khả năng phân tích của nhà đầu tư chưa đủ để nhận biết. Việc đầu tư vào một vài cổ phiếu cụ thể trên lý thuyết cũng là rủi ro hơn so với đầu tư vào một rổ hàng chục cổ phiếu khác nhau. Đa dạng hóa khoản đầu tư quá mức cũng dẫn đến giảm lợi nhuận, nhưng rõ ràng trên thị trường chứng khoán, luôn là bài toán rủi ro/lợi nhuận: Nhà đầu tư muốn lợi nhuận cao thì phải chấp nhận rủi ro cao và ngược lại.Hạn chế lớn nhất thường thấy lại là nhà đầu tư không hiểu việc chấp nhận đó, chỉ mong muốn có được lợi nhuận rất cao trong khi chưa sẵn sàng chấp nhận rủi ro tương đương.

Đầu tư dài hạn cũng có thể gặp rủi ro thị trường nói chung. Chẳng hạn nếu mua VN-Index tại thời điểm đỉnh năm 2007 thì đến nay vẫn chưa hoàn vốn. Tuy nhiên những biến động lớn như vậy thường chỉ xuất hiện ở cấp độ khủng hoảng và thường không lặp lại trong một thời gian dài. Các biến động nhỏ hơn có thể dễ dàng san bằng trong thời gian vài năm. Chẳng hạn đỉnh của chu kỳ nới lỏng tiền tệ năm 2009 được san phẳng vào tháng 3/2014.

Đầu tư vào chứng chỉ quỹ ETF không phải là lựa chọn tối ưu cho những nhà đầu tư năng động. Tuy nhiên nếu chỉ mong muốn có được một lợi suất tốt hơn tiết kiệm với mức độ rủi ro không cao, và đặc biệt với những người không chuyên hoặc nhà đầu tư thụ động, ETF là một lựa chọn tốt. ETF có thể là một bước đệm từ chiến thuật “giữ tiền” sang chiến thuật “đầu tư”, nhất là trong bối cảnh lãi suất đang ngày càng có xu hướng giảm.

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/chung-chi-quy-etf-canh-bac-cho-dong-von-ngai-rui-ro-476277.html