'Chung cư cao tầng là để người ở, không phải chỗ cho chó mèo!'

Bức xúc vì cảnh ầm ĩ tiếng chó sủa mèo kêu cùng mùi hôi luôn phảng phất ở các khu vực công cộng trong tòa nhà, nhiều người dân cho rằng cần cấm tuyệt đối việc nuôi chó, mèo trong chung cư.

Những ngày gần đây, thông tin vềNghị định 90/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y và một số lĩnh vực khác (Nghị định 90) đang gây xôn xao trong dư luận. Trong đó, đáng chú ý nhất là việcxử lý tình trạng chó thả rông, không có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân (rọ mõm) được người dân đặc biệt quan tâm và khiến dư luận chia làm hai luồng. Một phía ủng hộ việc xử phạt thật nghiêm những người không rọ mõm chó khi ra đường và cho rằng cần có biện pháp xử lý chó thả rông. Một số khác lại cho rằng việc này là không cần thiết.

Những tranh cãi này cũng gay gắt tương tự cuộc tranh luận chưa có hồi kết "nên hay không nên nuôi chó ở chung cư" mà Reatimes đã từng phản ánh. Bởi người nuôi chó thì cho rằng chó cảnh hiền lành, thân thiện không ảnh hưởng đến ai, trong khi nhiều khác lại kêu khổ sở vì phải sống chung với... chó nhà khác.

Người nói cấm tuyệt đối...

Khảo sát một lượt nhiều chung cư tại khu vực Cầu Giấy, Từ Liêm, Hoàng Mai (Hà Nội), có đến 80% cư dân cho rằng tuyệt đối “không, không và không đồng ý” cho nuôi chó mèo tại chung cư. Bởi hầu hết những người được hỏi đều cho rằng, quy định cấm nuôi chó mèo ở chung cư là để hướng đến nếp sống văn minh đô thị, xây dựng không gian sinh hoạt công cộng sạch đẹp. Và họ đều đã quá ngán ngẩm với cảnh ầm ĩ bởi tiếng chó sủa khắp hành lang, hoặc thỉnh thoảng lại bắt gặp mùi khai ở góc cầu thang, thang máy...

Theo chia sẻ của chị Hoàng Thị Ngân đang sinh sống tại chung cư Goldmark City (Từ Liêm), những ngày gần đây sáng nào gia đình chị cũng phải nghe tiếng chó thi nhau sủa từ rất sớm. "Tiếng kêu đánh thức cả nhà vào buổi sáng đã đành nhưng tối đến giờ nghỉ ngơi thì tiếng chó sủa cũng làm cả nhà tôi váng hết đầu óc.

Có lần cả hành lang của tầng bốc mùi của phân và nước tiểu chó, không thể thở nổi. Mình không phải là người ghét chó hay kì thị những hộ nuôi chó. Nhưng nếu nuôi chó mà có ý thức vệ sinh chung thì cũng đỡ vì đó thú vui của mỗi người. Có lần bức xúc quá mình phải đăng lên group kín của tòa nhà để chủ nhà nào nuôi chó thì biết ý tứ chứ cả tòa nhà rộng như thế ai biết được chó nào nào đi ị bừa bậy mà bắt họ dọn”.

Chó to thả rông nếu không có rọ mõm sẽ gây nguy hiểm cho người, đặc biệt là trẻ nhỏ

Cùng quan điểm này, chị Lê Thùy Liên - cư dân sống tại chung cư Yên Hòa Condominium - cho rằng, cấm nuôi chó ở chung cư là hoàn toàn đúng, thậm chí theo chị cần ủng hộ việc phạt thật nặng những gia đình thả chó chạy rông ở nơi công cộng.

“Gia đình mình chọn mua chung cư ngoài sự tiện lợi còn là mua không gian sống sạch, sống thoải mái. Thế nên sợ nhất cứ gặp cảnh hàng xóm nuôi chó mà nó chạy qua chạy lại chẳng may cắn phải mình. Ai cũng nói chó cảnh hiền, chó cảnh không cắn đâu, cứ đi đi nhưng mà vẫn thấy sợ chứ.

Có hôm đi làm về muốn cho bé xuống sân hít khí trời, con vừa tập tễnh được vài bước đã khóc ré lên vì có con chó to hơn cả người con chạy vụt qua.Con còn bé, chân đi không vững lại không biết tránh, chỉ lơ đễnh một tí có khi hối hận cả đời. Cũng có nhiều chủ hộ dắt xích chó đi thì không nói làm gì nhưng để chạy rông thì mình không chấp nhận được”, chị Liên bức xúc.

Một số hộ nuôi chó trong chung cư gây ô nhiễm môi trường (Nguồn: NVCC)

Bày tỏ quan điểm gay gắt hơn cả, chị Bùi Thị Thúy sinh sống tại một chung cư cao cấp ở quận Hai Bà Trưng cho rằng: "Hàng trăm căn hộ với hàng nghìn con người sống trong một tòa chung cư kín mít nên không thể có chuyện 9 người 10 ý ai muốn làm gì thì làm. Đã có quy định cấm thì mọi người cùng nên tuân thủ, bởi vì chó mèo có thể là thú cưng của gia đình này nhưng cũng có thể là nỗi rắc rối của những gia đình khác. Ai cũng hy vọng có thể sống trong một môi trường yên tĩnh trong lành, không ai muốn sáng sớm người chưa dậy đã nghe tiếng chó sủa, dắt con vào thang máy đã ngửi thấy mùi khai. Chung cư cao tầng là đểngười ở, không phải chỗ cho chó mèo".

... người bảo phải cho nuôi

Trên thực tế, có người nói muốn cấm thì cũng có người bảo muốn nuôi. Trước thông tin một văn bản của Bộ Xây dựng có đề cập đến vấn đề cấm nuôi chó mèo trong chung cư, có ý kiến cho rằng, Bộ xây dựng không có trách nhiệm về cấm nuôi chó mèo ở chung cư mà nên để Ban quản lý chung cư cùng với cư dân tự thỏa thuận với nhau. Nếu thỏa thuận được thì những chủ hộ có nhu cầu có quyền nuôi chó mèo.

Chia sẻ với PV Reatimes, chị Nguyễn Thị Hạnh ở chung cư Linh Đàm cho hay, đã có lần Ban quản lý tòa nhà gọi toàn bộ cư dân đến họp biểu quyết cho hai ý kiến. Trong đó, một là làm nghiêm với người nuôi chó mèo vi phạm và hai là cấm nuôi chó mèo luôn. Kết quả biểu quyết xong đại đa số là cấm nuôi. Trong khi đó, chị Hạnh chỉ nằm trong nhóm nhỏ biểu quyết có cho nuôi.

“Việc cấm nuôi chó mèo ở chung cư là điều vô lý. Câu chuyện này chủ yếu thuộc về ý thức một số người nuôi chứ sao lại cấm nguyên cả một nhóm. Nhiều người còn nói với mình rằng, chó mèo chỉ là vật giải trí, không giải trí cách này thì kiếm cách khác giải trí. Họ không hiểu rằng chó là người bạn duy nhất bầu bạn cùng mình đã lâu rồi, sao gọi là cách giải trí được. Mình cũng cho rằng, Bộ Xây dựng chỉ đóng vai trò xây dựng công trình thôi, họ không có trách nhiệm quản lý vật nuôi”.

Ngoài ra, theo chị Hạnh, luật cũng chỉ quy định cấm nuôi chó mèo, gia súc gia cầm theo hình thức kinh doanh. Còn chị và nhiều hộ nuôi chỉ một con chó nhỏ thì không nằm trong diện cấm của chung cư.

Gia đình bà Vân nuôi chó cảnh nhiều năm và chưa thấy chó cắn người bao giờ

Cùng quan điểm với chị Hạnh, bà Nguyễn Thanh Vân ở quận Từ Liêm đang nuôi chó cảnh cho biết: "Những nhà có chó to thì mới phải xích lại để tránh cắn người, hoặc khi cho ra công viên thì phải rọ mõm. Còn tôi chỉ nuôi chó cảnh nhỏ, chó này quấn người, sống hòa bình với người. Bao nhiêu năm nuôi chó cảnh trong nhà, tôi chưa thấy chó nhà mình cắn ai bao giờ”.

Cũng theo bà Vân, chung cư bà đang ở cũng có nhiều nhà nuôi chó cảnh nhỏ. Chiều chiều mọi người rủ nhau đi tập thể dục, cùng đưa chó đi dạo, chia sẻ về chú chó nhà mình nên tình nghĩa hàng xóm cũng gắn kết hơn.

Chia sẻ với Reatimes, ông Nguyễn Văn Hùng, thành viên Ban quản lý tòa chung cư Thăng Long (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) cho hay: “Khu chung cư chúng tôi nghiêm cấm nuôi chó mèo vì đã có quy định rõ ràng theo Bộ Xây dựng. Những năm trước, khi phát hiện chủ hộ có nuôi mèo chúng tôi đã lập biên bản và nói rõ nếu hộ đó không cho mèo đi nơi khác thì chúng tôi buộc chấm dứt hợp đồng với họ. Đối với hộ nuôi chó cảnh yêu cầu họ nhốt lại trong nhà không cho thả rông. Đến nay thực hiện quy định nghiêm ngặt nên không phát hiện thấy hộ nào nuôi chó mèo. Nếu hộ nuôi chui thì sau khi phát hiện ra chúng tôi cũng yêu cầu họ chuyển đi. Mục đích để giữ gìn vệ sinh chung cũng như không gian nghỉ ngơi yên tĩnh của các hộ trong tòa nhà”.

Rõ ràng, để khẳng định có hay không cho phép nuôi thú cưng tại các khu chung cư không phải là điều dễ dàng bởi dù là phía nào của luồng tranh luận cũng có lý do chính đáng của mình. Tuy nhiên, thiết nghĩ nên chăng việc các cư dân cần ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháptrunghòa, để đảm bảo lợi ích và an toàn cho cả cộng đồng.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2014 (có hiệu lực từ ngày 10/12/2015), cấm hành vi chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm e, điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư; để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng với mỗi hành vi. Ngoài ra, theo quy định tại điểm e, điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư; để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng với mỗi hành vi.

Ngoài ra, nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y và một số lĩnh vực khác (Nghị định 90) có hiệu lực thi hành. Theo đó, sẽ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật. Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.

"Những quy định tại phụ lục 1 của Thông tư 02/2016/TT-BXD, trong đó có quy định cấm nuôi chó, mèo trong nhà chung cư, chỉ mang tính chất để các hội nghị nhà chung cư tham khảo đưa vào nội quy nhà chung cư. Khi đưa vào nội quy nhà chung cư, chế tài xử lý thế nào sẽ do Hội nghị nhà chung cư thống nhất trên cơ sở đồng thuận" -ÔngNguyễn Trọng Ninh,Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản

Báo Thanh niên

Theo reatimes.vn

Nguồn Tiêu Dùng Plus: http://tieudungplus.vn/chung-cu-cao-tang-la-de-nguoi-o-khong-phai-cho-cho-cho-meo-19712.html