Chứng khoán ngày 1/3: Khối ngân hàng khẳng định

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có phiên khởi sắc khi có tin hỗ trợ. Một lần nữa khối ngoại lại đi trước trong diễn biến này.

Ngày 26/2, Ngân hàng Nhà nước chính thức có quyết định cho phép các tổ chức tín dụng cho vay trung và dài hạn theo lãi suất thỏa thuận. Đường rộng hơn cho các ngân hàng trong hoạt động cho vay, quyết định này là một tin tốt, dù không bất ngờ. Sau kỳ nghỉ Tết, một số chuyển động trong chính sách lãi suất huy động cũng bước đầu cho thấy thanh khoản của hệ thống đang dần được cải thiện. Một tham khảo khác đang chờ Ngân hàng Nhà nước tổng hợp và công bố là tình hình lãi suất liên ngân hàng tuần qua như thế nào. Trên sàn, suốt một thời gian dài, nhóm cổ phiếu ngân hàng “ngủ quên” với các đợt hồi phục mạnh của thị trường, thậm chí sụt giảm so với diễn biến của chỉ số. Nay, nhóm này đang trở lại để đóng vai trò dẫn dắt. Không phải hôm nay, mà từ tuần trước diễn biến giao dịch của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Ngoài diễn biến về giá, hướng mua ròng nổi bật của khối đầu tư nước ngoài tại đây là một sự khác biệt. Trên sàn niêm yết, ACB, STB và EIB hiện đã đầy “room”, điểm ngắm còn lại của khối đầu tư nước ngoài tập trung ở hai cổ phiếu ngân hàng lớn khác là VCB và CTG. Từ đầu tháng 2 đến nay, khối ngoại liên tiếp mua ròng VCB, đặc biệt là sự gia tăng rất mạnh từ sau kỳ nghỉ Tết với liên tiếp 5 phiên mua vào khối lượng lớn; riêng trong ngày 26/2, lượng mua đạt lớn nhất với 763.530 đơn vị. Tại CTG, giao dịch của khối này đặc biệt sôi động trong 3 phiên liền trước, đẩy khối lượng giao dịch chung lên đột biến; thứ Sáu tuần trước cũng là phiên họ mua vào kỷ lục với 860.130 đơn vị. Hôm nay, lượng mua vào của nhà đầu tư nước ngoài tại VCB và CTG chùng xuống, không còn chiếm áp đảo. Giá của hai cổ phiếu này tăng mạnh, đặc biệt CTG tiến sát giá trần với mức tăng tới 4,63%, lên mức cao nhất trong hơn ba tháng qua. Bên cạnh động lực từ khối ngoại, thông tin chính sách và trạng thái thanh khoản cải thiện cũng là thực tế tốt cho cổ phiếu ngân hàng. Cùng với VCB, CTG, các cổ phiếu ngân hàng khác là ACB, STB, EIB cũng tăng giá khá mạnh so với quy mô biến động của nhóm này trước đó. Đáng chú ý, một cổ phiếu khác gần “họ” ngân hàng là PVF có một phiên tăng giá kịch trần và kiệt hàng từ khá sớm. Chính nhóm cổ phiếu này đã tạo động lực quan trọng cho chỉ số ở phiên tăng điểm đầu tuần này, nhất là khi nhiều cổ phiếu lớn khác hụt hơi, trụ ở tham chiếu hoặc giảm giá nhẹ. Ở một điểm nóng cục bộ khác, VSH tiếp tục thu hút sự chú ý của thị trường khi tiếp đà tăng trần, khối lượng bùng nổ. Phiên thứ hai liên tiếp cổ phiếu của Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh có khối lượng vọt trên 2 triệu đơn vị, hôm nay đạt tới gần 2,9 triệu đơn vị. Là cổ phiếu ngành điện hưởng lợi từ giá bán mới, VSH còn được kỳ vọng ở doanh thu và lợi nhuận lớn trong báo cáo tài chính sắp công bố… Về kết quả chung của phiên sáng nay, nếu loại trừ sự đột biến trong giao dịch thỏa thuận phiên liền trước, thì sáng nay giá trị giao dịch tiếp tục được duy trì. Chưa có sự chuyển biến mạnh nhưng 1.140 tỷ đồng trên HOSE và đặc biệt gần 630 tỷ đồng trên HNX là sự duy trì ở mức cao của nguồn tiền so với sự chùng xuống cuối tháng 2 vừa qua. Trong quy mô này, giao dịch của khối đầu tư nước ngoài thu hẹp; trên HOSE họ tiếp tục bán ròng với gần 68,4 tỷ đồng giá trị. Nếu VN-Index giữ được mức trên 500 điểm kết thúc phiên, sau khi hãm nhẹ giữa phiên, thì HNX-Index đóng cửa với mức cao nhất trong ngày (166,28 điểm, tương ứng mức tăng 3,85 điểm).

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/2010030103169320p0c7/chung-khoan-ngay-13-khoi-ngan-hang-khang-dinh.htm