Chứng khoán thế giới hồi phục mạnh mẽ

* Phố Wall tăng trung bình 4%

Trước lo ngại khủng hoảng nợ công lan rộng tại châu Âu ngày một gia tăng, giới chức tại châu Âu đã quyết chi mạnh tay hơn, nhằm chặn đứng nguy cơ khủng hoảng này, bảo vệ khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Các nước trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu đã đạt được thống nhất với gói trợ giúp trị giá 440 tỉ euro nhằm ngăn chặn sự lan rộng khủng hoảng nợ sang các quốc gia khác trong khu vực. Cộng thêm vào đó là 60 tỉ từ ngân sách của Liên minh châu Âu (EU), và một khoản vay từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể lên tới con số 250 tỉ euro. Tổng kết lại, gói trợ giúp này có thể lên tới 750 tỉ euro (tương đương hơn 1 nghìn tỉ USD), một con số khổng lồ nhằm bình ổn và bảo vệ giá trị đồng euro. Với con số và mục đích như trên, các quốc gia nặng nợ như Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha cũng sẽ nằm trong vòng bảo vệ của châu Âu. Quyết tâm lần này của châu Âu đã được thế giới ghi nhận, thị trường chứng khoán từ Âu sang Mỹ hồi phục nhanh chóng. Tại Phố Wall, tất cả 10 nhóm ngành đóng góp vào chỉ số thị trường S&P 500 đều tăng tối thiểu 2,4%. Trong đó, các cổ phiếu tăng giá điển hình phiên này có thể kể tên là: cổ phiếu Caterpillar, nhà sản xuất máy xúc, máy ủi lớn nhất thế giới, tăng 7,4%; cổ phiếu Bank of America, ngân hàng có giá trị lớn nhất nước Mỹ, tăng 6,9%, trong khi cổ phiếu của General Electric (GE) cũng tăng 6,9%. Châu Âu được trợ giúp, các nhà đầu tư cũng lạc quan hơn về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ và các nguyên liệu thô khác trong thời gian tới, giá dầu thô tăng, cổ phiếu của các công ty năng lượng và sản xuất nguyên liệu tăng khá tốt trong phiên này. Cụ thể, cổ phiếu của ông lớn ngành dịch vụ dầu khí Schlumberger tăng mạnh 6,3% trong khi Chevron cũng tăng 3,6%. Cổ phiếu của Alcoa, hãng nhôm lớn nhất nước Mỹ, tăng 4,9%; Freeport-McMoRan Copper & Gold tăng 7,3%. Tổng kết phiên ngày 10.5, chỉ số S&P 500 tăng 4,4% lên mức 1.159,73 điểm, tuy vẫn còn cách xa mốc 1.200 điểm. Dow Jones Industrial giành thêm 404,71 điểm, tương đương tăng 3,9% so với phiên trước, chốt phiên ở mức 10.785,14 điểm. Đây được ghi nhận là phiên tăng điểm mạnh mẽ nhất kể từ ngày 23.3.2009 đối với cả hai chỉ số, tuy nhiên, vẫn chưa đủ mạnh để lấy lại những gì đã mất trong tuần trượt dốc vừa qua. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 4,8% lên mức 2.374,67 điểm. Phía bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường chứng khoán nhận được tín hiệu sớm hơn và mạnh hơn với sự trợ giúp châu Âu dành cho Hy Lạp và các quốc gia nặng nợ, nên cũng tăng điểm lạc quan hơn. Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực tăng tới 7,2%, mức tăng phiên lớn nhất kể từ tháng 11.2008 trở lại đây. Ghi nhận trên sàn chứng khoán một số quốc gia trong khu vực: chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 5,16%, lên mức 5.387,42 điểm; CAC 40 của Pháp tăng mạnh 327,7 điểm, tương đương tăng 9,66%, chốt phiên ở mức 3.720,29 điểm; DAX của Đức tăng 5,3%, lên thành 6.017,91 điểm. Với 3 quốc gia được chú ý nhất trong khủng hoảng nợ, thị trường chứng khoán phiên này cũng ghi nhận sự khởi sắc với tốc độ “chóng mặt”: chỉ số Athex Composite của Hy Lạp tăng 9,13% trong khi PSI General của Bồ Đào Nha và IBEX 35 của Tây Ban Nha lần lượt tăng 10,64% và 14,44%. Tại châu Á, giao dịch cùng ngày trên các sàn chứng khoán kết thúc sớm hơn (vào chiều qua, 10.5, giờ VN), cũng đã ghi nhận sự hồi phục nhất định. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 166,11 điểm, tương đương 1,6%, chốt phiên ở mức 10.530,7 điểm; HSI của Hồng Kông cũng giành lại 506,35 điểm, tương đương tăng 2,54%, lên mức 20.426,64 điểm. Ghi nhận trên một số thị trường khác: Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng nhẹ 0,39%; KOSPI (Hàn Quốc) tăng 1,83%; Straits Times (Singapore) tăng 2,1%. Duy Trần (Theo Bloomberg, Reuters)

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201020/20100511074959.aspx