Chung sống với vàng, USD

Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần phải đánh thức vai trò của vàng, đô la Mỹ (USD), có giải pháp huy động nguồn lực quan trọng này vào công cuộc phát triển kinh tế.

Nhìn về tương lai, vàng, USD sẽ còn tiếp tục chung sống lâu dài như là một phần tất yếu của đời sống kinh tế - xã hội. Ảnh: MAI LƯƠNG

Chính phủ cũng vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm nghiên cứu triển khai chính sách phù hợp. Như vậy, có thể hiểu dường như dự trữ vàng, USD hiện đang nằm yên hoặc luẩn quẩn ở đâu đó, chưa có cơ hội hoặc cơ chế phù hợp để kích hoạt bổ sung trực tiếp vào dòng tiền đầu tư sản xuất kinh doanh? Thậm chí, nếu không khéo léo, vàng, USD có nguy cơ bị đảo chiều, chuyển dịch từ trong nước ra ngoài nước, gây phương hại đến nội lực, làm thâm hụt cán cân dự trữ thanh toán đất nước?

Những thăng, trầm chính sách

Ngược dòng thời gian về quá khứ, từ khi đổi mới đến nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã bao lần nỗ lực với mong muốn quản lý, kiểm soát, tận dụng vị thế riêng có của nguồn lực vàng, USD, kể cả định hướng chính sách tiền tệ cũng xem đó như là một cấu phần tất yếu của công cụ điều hành vĩ mô. Đặc biệt trong giai đoạn lạm phát cao, tiền đồng của Việt Nam liên tục mất giá, lãi suất dâng lên 18-20%/năm, vàng, USD tự nhiên trở thành cứu cánh cho nền kinh tế. Vô hình trung, càng làm nặng nề hơn hiện tượng vàng hóa, đô la hóa. Quy luật đồng tiền tốt lấn lướt đồng tiền xấu thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh bức xúc, nhiều doanh nghiệp đổ xô đi vay vàng, USD vì sức hấp dẫn của lãi suất rẻ, bất chấp những rủi ro rình rập từ biến động giá cả thị trường. Tình thế nguy nan buộc các ngân hàng dựa hẳn vào vàng, USD để tìm kiếm nguồn bù đắp thanh khoản, kể cả áp dụng biện pháp cưỡng chế kết hối. Một loạt nghiệp vụ phái sinh ăn theo như huy động và cho vay vàng, sàn giao dịch, kinh doanh vàng tài khoản, đầu cơ... để lại nhiều hệ lụy to lớn, bi đát đến nay chưa thể khắc phục xong. Trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nghiệp vụ huy động và cho vay vàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) tồn dư lên đến hơn 100 tấn, mất vài năm sau mới tất toán được, kèm theo những khoản lỗ khủng buộc doanh nghiệp và ngân hàng, nền kinh tế nói chung phải trả giá đắt.

Trải nghiệm cơ chế quản lý nhà nước qua thời kỳ này cho thấy cặp đôi vàng, USD giống như đôi ngựa bất kham, thường song hành với nhau nhưng khó đồng hành cùng nhau, rủi ro bất ổn luôn thường trực. Không chỉ cơ quan quản lý mà ngay cả các doanh nghiệp lúc nào cũng canh cánh lo âu. Cách thức vận dụng chính sách trong giai đoạn này phản ánh sự lấn lướt của tư duy điều hành duy ý chí, thiếu tôn trọng quy luật thị trường, thành công thì ít nhưng thất bại thì nhiều.

Nếu những năm trước đây chính sách tiếp cận vàng, USD chủ yếu dựa trên các công cụ quản lý hành chính thì từ năm 2012 trở đi bắt đầu chuyển hướng sang tập trung xác lập các hành lang pháp lý, chặt chẽ hơn nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ tính thị trường. Với Nghị định 24, vàng chính thức bị loại ra khỏi “chính cung”, vốn dĩ một thời chi phối mạnh mẽ chính sách tiền tệ. Kể từ đây, chấm dứt nghiệp vụ huy động và cho vay vàng của các TCTD. Nhà nước trở lại vai trò độc quyền quản lý và đấu thầu cung ứng vàng miếng cho thị trường. Đối với USD, cửa vay ngoại tệ của doanh nghiệp cũng bị hạn chế dần, không dễ dàng tranh thủ chênh lệch lãi suất như trước, trừ các trường hợp kinh doanh xuất khẩu nhưng phải cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ để trả nợ.

Cuối năm 2015, lãi suất tiền gửi USD bất ngờ trở về 0%. Cơ chế tỷ giá trung tâm được ban hành. NHNN quyết kiên định với mục tiêu chuyển dịch dần từ quan hệ vay - gửi sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, lấy tín hiệu thị trường làm trung tâm, góp phần hóa giải phần lớn những mâu thuẫn tồn tại dai dẳng bấy lâu nay trong cung cách vận hành tỷ giá. Không thể chối cãi rằng NHNN không thể và không đủ năng lực dự trữ ngoại hối để chạy theo kiểm soát mọi biến động cung - cầu vàng, USD bởi vì quan hệ này hầu như bị chi phối bởi yếu tố tâm lý và biến động từ thị trường thế giới. Triết lý điều hành “phòng ngự trước hết” đã chứng tỏ tính hiệu quả trong ứng xử chính sách, từ đó góp phần kiềm chế các nhân tố bất ổn, gây phân tâm lòng người. Đồng tiền của Việt Nam bằng mọi giá phải vươn lên làm chủ cuộc chơi trong tổng thể chính sách tiền tệ quốc gia. Vàng, USD một mặt không thể rời bỏ cuộc chơi, nhưng mặt khác từng bước chấp nhận chịu chơi theo luật lệ hiện hành. Mặt được nhiều, mặt mất ít là điểm nhấn quan trọng nhất cho sự thành công bước đầu của các giải pháp điều hành chính sách liên quan đến vàng, USD trong những năm gần đây.

Nên hướng đến các giải pháp huy động gián tiếp

Cho đến nay, vẫn chưa có cuộc khảo sát chính thức nào khẳng định nguồn lực vàng, USD trong dân lớn đến cỡ nào, nhưng dường như ai cũng tin rằng nếu “huy động” được khối lượng tài sản này đưa ra lưu thông thì không lợi gì bằng. Trên thực tế, vàng, USD vẫn đang hàng ngày hàng giờ tự chuyển hóa sang tiền đồng, chảy vào thị trường thông qua nhiều kênh khác nhau như tiêu dùng, tiền gửi ngân hàng, đầu tư chứng khoán, bất động sản, sản xuất kinh doanh... theo nguyên lý nơi nào và thời điểm nào xuất hiện nhiều cơ hội, ít rủi ro thì dòng tiền sẽ tăng lên hoặc giảm xuống tương ứng. Động lực để người dân găm giữ hoặc chuyển hóa tài sản của chính mình hoàn toàn phụ thuộc vào sự đánh giá chủ quan về các tín hiệu cơ hội, rủi ro trong nền kinh tế, cũng như sự nhạy cảm trước biến động của thời cuộc. Đây là phản ứng tự nhiên, theo kiểu lời ăn lỗ chịu, đúng quy luật tâm lý truyền thống và quy luật thị trường, không nên và không cần thiết phải can thiệp.

Cách ứng xử chính sách khôn ngoan với vàng, USD trước hết đòi hỏi phải có tầm nhìn dài hạn. Không nên đặt nặng mục tiêu bằng mọi cách huy động trực tiếp nguồn lực này từ trong dân, mà cần hướng đến các giải pháp gián tiếp, lấy sức mạnh mềm để tạo thế và lực, trong ấm ngoài êm, kiến tạo lòng tin vững chắc vào đồng tiền Việt Nam và kỳ vọng phát triển của đất nước, qua đó kích hoạt quá trình tự giải phóng, tự chuyển hóa những tiềm năng vô tận của xã hội. Bên cạnh đó, cần có những động thái thay đổi chính sách linh hoạt hơn, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để tạo thêm động lực cho người dân và doanh nghiệp.

NHNN cần cho phép TCTD áp dụng lãi suất khuyến khích phù hợp đối với các khoản tiền gửi ngoại tệ dài hạn. Phát triển mạng lưới đại lý thu đổi ngoại tệ rộng khắp nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân và du khách (hiện nay, thủ tục mở một đại lý hợp pháp vừa rắc rối vừa mất thời gian khiến cho dịch vụ chợ đen càng có cơ hội tung hoành). Chính sách khuyến khích xuất khẩu không nên dựa dẫm vào việc đơn phương giảm giá trị đồng tiền của mình mà cần có một khung giải pháp lâu dài nhằm bảo vệ và duy trì năng lực cạnh tranh của nền sản xuất trong nước, xúc tiến kết nối mở rộng thị trường, có lộ trình hạ dần lãi suất huy động và cho vay... Nhìn về tương lai, vàng, USD sẽ còn tiếp tục chung sống lâu dài như là một phần tất yếu của đời sống kinh tế - xã hội. Nguồn lực này là cơ hội ngàn vàng hay là thử thách khắc nghiệt, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào tư duy điều hành và cách ứng xử chính sách trong thời gian đến.

Tâm Dân

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/162925/chung-song-voi-vang-usd.html