Chúng ta có gì để... bán?

Giải bóng đá Ngoại hạng “phủi” Hà Nội năm nay đã bán được bản quyền truyền hình, dù chỉ là mức giá khiêm tốn vài trăm triệu thì nó cũng khiến người ta phải nghĩ về câu chuyện bản quyền truyền hình tại V.League. Và nghĩ rồi thì phải trằn trọc với câu hỏi: Ở V.League bây giờ, chúng ta có gì để... bán?

Giải "phủi" bán được bản quyền truyền hình. Ảnh: Hải Anh

Thực tế ở những giai đoạn V.League đầu tiên, bản quyền truyền hình đã được bán bằng “tiền tươi thóc thật” cho các nhà đài hẳn hoi. Và dĩ nhiên, khoản tiền đó lớn hơn nhiều so với khoản tiền bản quyền mà giải bóng đá “phủi” có được. Đến trước mùa giải 2012 thì thậm chí thương quyền V.League, trong đó bản quyền truyền hình là trọng tâm, đã được bán trọn gói với giá 6 tỉ đồng/mùa có lũy tiến, kéo dài 20 năm cho AVG. Theo Phó Chủ tịch tài chính VFF lúc ấy - ông Lê Hùng Dũng - thì 6 tỉ đồng/mùa là cái giá rất được, vừa giúp V.League có một nguồn thu ổn định, vừa cho thấy một bước phát triển mới trong tư duy mua-bán, chứ không phải tư duy xin-cho trong câu chuyện này.

Tuy nhiên, bước phát triển đó chưa kịp chứng thực thì đã chết từ trong trứng nước. VPF ra đời, và theo quan điểm của Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên, cái giá 6 tỉ đồng/mùa kéo dài 20 năm là bất ổn. Sau đó, VPF với bầu Kiên đã “đấu” AVG đến cùng để kéo bản quyền về phía mình, vì theo các lãnh đạo VPF thì có sóng sẽ có nhiều thứ khác. Cũng cần nhấn mạnh rằng thời điểm ấy, dự thảo cá cược bóng đá hợp pháp đang được xem xét một cách nghiêm túc và nếu nó được thông qua thì VPF với bản quyền truyền hình V.League trong tay chắc chắn sẽ hời to. Thanh tra Bộ VHTTDL đã vào cuộc, đưa ra phán quyết cuối cùng: AVG thắng, VPF thua.

Tuy nhiên, với nhiều dích dắc hậu trường khác nhau nên AVG sau đó chủ động nhường lại vô điều kiện bản quyền truyền hình V.League cho VPF.

Có được cái mình muốn có, các quan chức VPF tin rằng một năm họ có thể đem về cho V.League không phải 6 tỉ đồng mà là ít nhất 50 tỉ đồng. Đấy không phải là khoản tiền lấy trực tiếp từ các nhà đài mà từ một Hội đồng bảo trợ, quy tụ khoảng 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Cụ thể, Hội đồng bảo trợ sẽ rót tiền cho VPF, đổi lại, VPF thông qua các nhà đài sẽ quảng cáo thương hiệu cho các doanh nghiệp của hội đồng. Đây rõ ràng là hướng đi mới mẻ và táo bạo, vừa khiến các nhà đài không phải trả tiền để lấy sóng (chỉ phải trả khoảng vài phút quảng cáo), lại vừa khiến VPF bội thu nhờ “cái cần câu” bản quyền.

Tuy nhiên, khi bầu Kiên rơi vào vòng lao lý thì ý tưởng thành lập Hội đồng bảo trợ cũng gãy đổ. Và bây giờ, ai cũng hiểu câu chuyện bản quyền đang diễn ra theo dạng nào. Nó diễn ra theo kiểu các nhà đài bỏ vài phút quảng cáo cho các doanh nghiệp của các ông bầu trong Hội đồng quản trị VPF, đổi lại các doanh nghiệp này tài trợ cho VPF theo đúng... trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

Đến lúc này, chưa ai nói xem cái phần “trách nhiệm và nghĩa vụ” ấy quy ra tiền là bao nhiêu, có đạt con số 6 tỉ đồng/năm như nó lẽ ra đã có hay không? Cũng không ai trả lời xem đến bao giờ thì V.League mới có thể bán được bản quyền giải đấu một cách sòng phẳng, chứ không phải là những sự đổi chác thông qua quan hệ và trách nhiệm của một số ông bầu?

Thế nhưng khi mà một giải bóng đá phong trào còn bán được bản quyền thì chắc chắn những nhà tổ chức V.League buộc phải suy nghĩ, và trằn trọc với những câu hỏi này một cách nghiêm túc.

Hẳn nhiên, V.League năm nay đang có một đoạn cuối gay cấn kích thích người xem và kích thích các nhà đài vào cuộc, nhưng nếu nhìn vào số lượng khán giả bình quân cả mùa, hay việc một ông chủ liên quan tới 3-4 đội bóng, những nhà làm giải rồi sẽ phải đau khổ với câu hỏi: Rốt cuộc, chúng ta đang thực sự có gì để... bán?

V.League có gì để bán, bên cạnh khái niệm lâu nay tồn tại như một ám ảnh với một nền bóng đá?

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/chung-ta-co-gi-de-ban-590458.bld