Chúng ta đã hiểu sai về máy lạnh

Dù nhiều phụ huynh cho rằng máy lạnh khiến con dễ bệnh hơn, các bác sĩ vẫn ủng hộ việc tạo không gian ngủ mát mẻ cho trẻ với thiết bị này, kể cả khi trẻ không khỏe.

Những ngày qua, TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ liên tục nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ cao nhất lên đến 38-39 độ C vào giữa trưa. Nhiệt độ thực tế cảm nhận được có khi cao hơn rất nhiều do phản xạ từ mặt đường, nhà cửa, bê tông…

Môi trường này là điều kiện khiến trẻ dễ mắc bệnh nếu ra ngoài trời. Còn sinh hoạt trong nhà, bật máy lạnh thường xuyên, nhiều trẻ cũng sụt sịt, ho, chảy nước mũi vì nhiệt độ quá thấp.

Bật máy lạnh cả ngày lẫn đêm

Hàng năm, cứ vào những tháng trời TP.HCM bắt đầu mùa nóng, tiền điện nhà chị Lê Hằng (37 tuổi) lại tăng lên gần gấp đôi do phải bật máy lạnh cho con sinh hoạt. Những tháng trước Tết, hóa đơn tiền tiện nhà chị rơi vào khoảng 800.000 đồng, nay đã tăng lên tới 1,5 triệu đồng.

 Phòng ngủ hai con trai chị Hằng chứa rất ít đồ đạc, được dọn thường xuyên để tránh bám bụi. Ảnh: NVCC.

Phòng ngủ hai con trai chị Hằng chứa rất ít đồ đạc, được dọn thường xuyên để tránh bám bụi. Ảnh: NVCC.

Từ nhỏ đến lớn, hai con trai của chị gần như đã ăn ngủ với máy lạnh. Khi mua nhà, chị cũng lắp thêm máy lạnh từ phòng ngủ đến phòng khách để đáp ứng nhu cầu của các con.

"Nhiều người nói tôi chi tiêu hoang phí, làm hư con. Nhưng các bé từ nhỏ đã dùng máy lạnh, sức khỏe vẫn ổn, không mắc quá nhiều bệnh hô hấp. Kể cả khi mắc bệnh, sốt cao, tôi vẫn cho con nằm phòng máy lạnh bình thường", chị Hằng chia sẻ.

Ban ngày, bà mẹ hai con bật máy lạnh khoảng 24-25 độ C. Đến giờ đi ngủ, chị tăng nhiệt độ lên 26 độ C và sử dụng thêm máy tạo ẩm đặt ở góc phòng trong vài giờ để không khí không quá khô. Bên cạnh đó, chị Hằng cũng bật thêm quạt công suất thấp để tạo gió, giúp thoáng phòng.

Theo chị, bằng cách này, hai con trai ngủ rất ngon hàng đêm, chưa từng có tình trạng rôm sảy hay bệnh da liễu vì đổ mồ hôi ngày nắng nóng.

Càng nóng bức, càng dễ bệnh hơn

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), thân nhiệt của trẻ em vốn đã cao hơn người lớn. Trong thời tiết nóng bức như hiện nay, trẻ rất dễ gặp tình trạng khó ngủ vào ban đêm vì khó chịu, đổ mồ hôi.

Việc nằm ngủ trong phòng có máy lạnh có thể giúp các bé ngủ ngon hơn, ngủ sâu hơn. Chất lượng giấc ngủ tốt cũng giúp nâng cao chất lượng sức khỏe trẻ.

"Với tôi, trẻ em nằm điều hòa là tốt. Kể cả trẻ sơ sinh vẫn ngủ phòng máy lạnh bình thường. Càng không ngủ điều hòa, không gian ngột ngạt, nóng bức, trẻ càng dễ bệnh", bác sĩ Khanh nhấn mạnh với Tri thức - Znews.

Theo chuyên gia, khi cho con ngủ máy lạnh, các phụ huynh nên điều chỉnh nhiệt độ không quá chênh lệch với môi trường bên ngoài, khoảng 26-27 độ C và tránh để con nằm ở những vị trí có luồng gió thổi trực tiếp vào người.

 Trẻ em vẫn có thể nằm ngủ trong phòng máy lạnh nếu bật nhiệt độ vừa phải. Ảnh: Việt Linh.

Trẻ em vẫn có thể nằm ngủ trong phòng máy lạnh nếu bật nhiệt độ vừa phải. Ảnh: Việt Linh.

Ngoài ra, trẻ em thường có xu hướng tìm đến các vị trí lạnh trong lúc ngủ. Cha mẹ nên để ý kỹ điều này để đắp chăn, đưa bé về ngủ đúng vị trí, tránh nguy cơ nhiễm lạnh gây bệnh cho trẻ, nhất là ở các vùng dễ nhiễm lạnh như bàn tay, bàn chân, ngực, thóp.

Đồng quan điểm, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cũng cho rằng phụ huynh nên cho con ngủ phòng máy lạnh nếu có điều kiện.

Tuy nhiên, bên cạnh đảm bảo ổn định nhiệt độ và luồng gió trực tiếp, bác sĩ Nam khuyến cáo thêm phụ huynh nên làm vệ sinh nhà cửa và máy lạnh thường xuyên, tránh bụi bẩn gây hại cho sức khỏe con.

"Ban ngày, nếu không bật điều hòa, cha mẹ nên mở cửa để không khí trong phòng được lưu thông. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần dọn vệ sinh thường xuyên, tránh để bụi trong phòng và máy lạnh gây bệnh hô hấp cho các bé", bác sĩ Nam nói.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên cho trẻ uống đủ nước, tránh để trẻ nằm ngủ phòng lạnh gây khô niêm mạc mũi, nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao hơn.

Theo bác sĩ, việc một số gia đình sử dụng thêm quạt gió và quạt hơi nước kết hợp với điều hòa để không gian thông thoáng là không cần thiết, đôi khi có thể gây hại cho sức khỏe hơn.

Quạt gió có khả năng phát hơi lạnh không đều. Nếu sử dụng không khéo, gió từ quạt có thể thổi hơi lạnh trực tiếp vào người các bé, tăng nguy cơ gây bệnh cho trẻ.

Trong khi đó, quạt hơi nước dễ khiến phòng đẫm nước, tạo môi trường thuận lợi để nấm mốc, vi trùng gây bệnh sinh sôi phát triển. Giọt bắn trong quạt hơi nước có khả năng gây bệnh hô hấp cho trẻ em lẫn người lớn khi hít vào.

Ngoài ra, nếu không vệ sinh ngăn chứa nước thường xuyên, khiến vị trí này mọc rong, rêu, quạt cũng có thể thổi thêm vi trùng gây bệnh vào phòng kín, gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chung-ta-da-hieu-sai-ve-may-lanh-post1469413.html