Chung tay chăm lo hậu phương quân đội

QĐND - Nhờ chất lượng đào tạo và sự tư vấn, giới thiệu việc làm chu đáo, hơn 80% học viên của Trường Trung cấp nghề số 12 (Bộ Quốc phòng) tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay với thu nhập ổn định. Với phương châm: “Cạnh tranh bằng chất lượng đào tạo”, nhà trường đang từng bước khẳng định thương hiệu, góp phần chăm lo tốt chính sách hậu phương quân đội.

Gắn đào tạo với thị trường lao động

Gần một năm nay, tháng nào anh Nguyễn Văn Hưng (xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Ninh) cũng đều đặn gửi tiền lương giúp bố mẹ ở quê lo toan cuộc sống và sắm sửa đồ dùng sinh hoạt. Bố mẹ ở quê, thu nhập chỉ trông vào vài sào ruộng, từ khi anh có việc làm ổn định, cuộc sống gia đình bớt khó khăn, ngôi nhà cũ được sửa sang, có thêm một số đồ dùng sinh hoạt đắt tiền. Gặp tôi, Nguyễn Văn Hưng khoe: “Em vừa mua chiếc xe gắn máy với giá hơn 40 triệu đồng”.

Giờ học thực hành ở Khoa Điện, Trường Trung cấp nghề số 12.

Anh Hưng từng là chiến sĩ Tiểu đoàn 25, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2). Xuất ngũ năm 2010, anh quyết định “gửi” tương lai của mình vào Trường Trung cấp nghề số 12, học nghề sửa chữa ô tô. Ba năm miệt mài học tập, khi tốt nghiệp, anh được nhà trường giới thiệu việc làm ở Tổng công ty Toyota Mỹ Đình, chi nhánh Bắc Ninh; mức lương khởi điểm là 5 triệu đồng, cùng với thu nhập theo sản phẩm, thu nhập bình quân hằng tháng của anh khoảng hơn 10 triệu đồng. Chia sẻ với tôi, anh Hưng không nói nhiều về thu nhập mà lại rất tâm đắc với môi trường đang công tác: “Đây là môi trường làm việc khoa học, hiện đại, với nhiều công nghệ máy móc tiên tiến, nên trình độ tay nghề của tôi ngày càng vững. Cũng nhờ có kiến thức học tập ở trường sát với thực tiễn nên tôi mới trúng tuyển và có cơ hội nâng cao trình độ tay nghề”.

Mang câu chuyện của anh Hưng chia vui với cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp nghề số 12, tôi khá ngạc nhiên với con số mà Đại tá Nguyễn Đức Tráng, Hiệu trưởng nhà trường, đưa ra. Theo đó, 100% học viên học nghề tại nhà trường sau khi tốt nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm, trong đó hơn 80% được tiếp nhận làm việc, có thu nhập ban đầu ổn định từ 3-5 triệu đồng/tháng. Đại tá Nguyễn Đức Tráng cho biết: “Chủ trương của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường là tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho các đối tượng. Quá trình tư vấn học nghề, nhà trường đã định hướng việc làm cho các đối tượng sau khi tốt nghiệp ra trường; gắn đào tạo nghề với doanh nghiệp, công ty thông qua ký kết hợp đồng cung cấp nhân lực lao động có tay nghề cao. Vì vậy, hầu hết học viên tốt nghiệp ra trường đều có việc làm ổn định theo đúng ngành nghề đào tạo”.

Ông G.R.Kri-xnan, Tổng giám đốc Công ty liên doanh TNHH Flexcom (xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang), cho rằng: “Công ty tin tưởng và thường xuyên tuyển dụng học viên của Trường Trung cấp nghề số 12 vào làm việc, bởi ngoài trình độ chuyên môn, tay nghề vững, học viên đào tạo ở đây có kỷ luật lao động cao”.

Nhờ hợp đồng ký kết cung cấp nhân lực với các công ty, doanh nghiệp, nên trong quá trình thực tập, nhà trường phối hợp với các công ty, doanh nghiệp để học viên làm quen với môi trường và đưa ra lựa chọn việc làm phù hợp trong tương lai, do vậy khi tốt nghiệp ra trường, nhiều học viên có được môi trường làm việc ưng ý.

Cạnh tranh bằng thương hiệu

Đến Trường Trung cấp nghề số 12, tôi nhớ mãi câu nói của cựu học viên Nguyễn Văn Hưng: “Nội dung đào tạo của nhà trường sát với thực tế, nên khi bắt tay vào công việc ở môi trường có nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến, tôi rất tự tin”. Thực mục sở thị cơ sở vật chất, phương pháp dạy và học ở nhà trường, tôi thêm hiểu niềm tin mà học viên và gia đình gửi gắm nơi đây. Trung tá Hà Văn Thái, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết: “Trên địa bàn đơn vị đóng quân có 20 trường dạy nghề nên nhà trường xác định phương châm: Cạnh tranh bằng thương hiệu, lấy chất lượng đào tạo là ưu tiên số 1. Thời gian qua, nhà trường đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học; khuyến khích, hỗ trợ 100% kinh phí cho giáo viên đi học tập, nâng cao trình độ và tham gia các lớp đào tạo cao học. Đến nay, nhà trường có hơn 60% giáo viên có trình độ đại học và sau đại học”.

Chứng kiến buổi học ở Khoa Điện, chúng tôi thấy rõ sự đổi mới tích cực trong việc dạy và học của thầy và trò. Bài giảng được xây dựng bằng hệ thống mô-đun và giáo án tích hợp. Quá trình đào tạo, giáo viên luôn chú trọng gắn lý thuyết với thực hành, thực tập gắn với sản xuất tại các công ty, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. Học viên Bùi Hữu Hiếu, lớp điện K7B, quê ở huyện Lạng Giang, Bắc Giang, cho biết: “Học viên được học lý thuyết ngay trên các trang thiết bị, máy móc, nên chúng tôi tiếp thu nhanh, dễ hiểu, dễ nhớ. Các thiết bị phục vụ cho việc học tập và thực hành đều là những công nghệ mới, sát với thực tiễn”.

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhà trường đã tự đầu tư, sản xuất, từng bước nâng cấp, mở rộng xây dựng cơ sở vật chất, phòng học thực hành chuyên dùng, xưởng thực hành... ưu tiên nơi ăn ở miễn phí cho đối tượng bộ đội xuất ngũ, con đối tượng chính sách. Hiện nhà trường có hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc dạy và học khang trang, hiện đại.

Học viên ra trường làm việc tốt là kênh tuyên truyền hiệu quả về chất lượng đào tạo. Đại tá Nguyễn Đức Tráng cho biết thêm: “20 năm qua, nhà trường đã đào tạo nghề cho hơn 40.000 người, trong đó hơn một nửa là bộ đội xuất ngũ và hơn 1000 người là con đối tượng chính sách. Mỗi học viên ra trường có việc làm và thu nhập ổn định thực sự là niềm vui của cán bộ, giáo viên, bởi chúng tôi đã và đang góp phần thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội”.

Bài và ảnh: TUẤN MINH

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/hau-phuong-nguoi-linh/chung-tay-cham-lo-hau-phuong-quan-doi/325205.html