Chung tay giúp các xã nghèo ở Nghệ An

Sau năm năm phát động, đã có hơn 100 tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giúp đỡ 110 xã khó khăn ở miền tây tỉnh Nghệ An từng bước thoát nghèo. Đó là những việc làm thiết thực, cụ thể trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Mỗi đơn vị giúp một xã nghèo

Xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu từng được biết đến là "xã nhiều không" (không: điện, đường, trường, trạm, thông tin liên lạc…), tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới hơn 50%. Năm 2012, xã Châu Hoàn được Công an Nghệ An nhận giúp đỡ. Qua xem xét thực tế, Công an tỉnh quyết định trích từ nguồn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ và trích từ tiền xử phạt vi phạm giao thông 900 triệu đồng, mua bò tặng hộ nghèo. Đến nay "ngân hàng bò" đã phát triển lên gần 200 con. Và nhiều hộ khó khăn nhờ chăn nuôi bò đã từng bước thoát nghèo.

Mô hình trồng rau sạch triển khai trên diện tích hai ha ở bản Phòng, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương là kết quả hỗ trợ của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phối hợp Khoa nông - lâm - ngư, Trường đại học Vinh thực hiện. Ban đầu có 40 trong tổng số 165 hộ ở bản Phòng tham gia, nay đã trở thành vùng chuyên canh rau sạch cho thu nhập cao được bà con nơi đây nhân rộng. Gia đình bà Vi Thị Loan là một trong những gia đình đặc biệt khó khăn ở bản Cạp Chạng, xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương được Sở Y tế Nghệ An tặng một con bò sinh sản, trị giá 10 triệu đồng để làm vốn sản xuất. Sau ba năm, gia đình bà Loan đã có vốn làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Cả chục hộ nghèo khác trong xã được ngành y tế tặng bò cũng đã thoát nghèo như thế. Sở Y tế Nghệ An còn hỗ trợ xã Yên Tĩnh tiền tiết kiệm, tặng sách vở cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trang thiết bị dạy học cho trường học và khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo…

Sở Giao thông vận tải tỉnh Nghệ An được phân công giúp đỡ xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, có cách hỗ trợ khác. Lãnh đạo Sở mời các chuyên gia chăn nuôi, trồng trọt xuống tận nơi tập huấn cho bà con để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Đồng thời tuyển chọn, tài trợ một số con em của xã đi học nghề; phối hợp các đơn vị liên quan đầu tư xây dựng hệ thống thông tin liên lạc, đẩy nhanh thi công đường điện vào xã, hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông vào bản...

Cuộc sống của người Đan Lai ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn (Con Cuông) nay đã có nhiều đổi thay. Không còn cảnh lội bộ ngược sông Giăng cả ngày đường do đã có đường vào tận bản. Điện lưới quốc gia về bản mang theo ánh sáng văn minh, thắp sáng niềm hy vọng vươn lên thoát nghèo. Điểm Trường tiểu học Cò Phạt và Khe Búng cũng được đầu tư xây dựng khang trang, tạo điều kiện cho con em đồng bào Đan Lai học chữ. Trạm Y tế quân - dân - y kết hợp góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tất cả những công trình ấy đều mang đậm dấu ấn của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tỉnh Nghệ An, đơn vị nhận giúp đỡ xã Môn Sơn…

Gần 5 năm qua, mỗi cơ quan, đơn vị ở Nghệ An đã có mô hình giúp đỡ thiết thực, hiệu quả đối với từng xã nghèo trong tỉnh. Những cách làm mới, phù hợp thực tế đã góp phần cải thiện đời sống người dân vùng khó khăn của tỉnh.

Thiết thực, đa dạng và lan tỏa

Nghệ An có diện tích tự nhiên gần 16.500 km², nhưng hơn hai phần ba diện tích là đồi núi cao. Địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, trình độ dân trí không đồng đều... là những yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chính vì thế, trong mấy nhiệm kỳ gần đây, Đảng bộ, chính quyền các cấp luôn đặt mục tiêu đưa Nghệ An thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành tỉnh khá của khu vực.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường, nhiệm vụ giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực miền núi, rút ngắn khoảng cách với đồng bằng, luôn là trăn trở của cấp ủy, chính quyền các cấp. Nhiều mô hình kinh tế, khuyến nông khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn, tư liệu sản xuất; hỗ trợ học nghề, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm đã mang lại hiệu quả bước đầu. Việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo vươn lên thoát nghèo cũng đa dạng cách thức thực hiện. Không chỉ cấp kinh phí đầu tư, giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình, mà đã cụ thể, sát thực bằng cách "cầm tay chỉ việc". Từ năm 2002, huyện Kỳ Sơn triển khai thực hiện chủ trương mỗi cán bộ, đảng viên, mà đi đầu là cán bộ, lãnh đạo chủ chốt của huyện phải nhận giúp đỡ một hộ thoát nghèo. Đây là cách làm có tính đột phá về tư duy lãnh đạo. Cũng từ Nghị quyết số 02 của Huyện ủy Kỳ Sơn, phát triển kinh tế hàng hóa mới được đồng bào các dân tộc quan tâm, bắt đầu từ những mô hình sản xuất như trồng đậu thiều, nuôi cánh kiến, trồng khoai sọ, bí xanh... Ý tưởng, tinh thần này sau đó được khá nhiều đảng bộ, chính quyền vận dụng linh hoạt, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương. Từ sự sâu sát, gương mẫu của cán bộ đảng viên, nhiều mô hình sản xuất được xây dựng và nhân rộng, nhiều hộ nghèo đã biết cách làm ăn nhờ sự hướng dẫn của cán bộ, đảng viên. Mô hình trồng chanh leo ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong là một điển hình. Không heo hút như trước đây, Tri Lễ giờ đã trù phú hơn, nhất là sau khi đường giao thông được đầu tư đồng bộ. Doanh nghiệp chế biến về tận địa bàn bao tiêu sản phẩm của bà con.

Điều đáng nói là thông qua hoạt động giúp đỡ xã nghèo, hộ nghèo, cán bộ có nhiều cơ hội gần dân hơn, bám sát cơ sở, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó có những ý tưởng, kịp thời tham mưu để cấp ủy, chính quyền điều chỉnh phù hợp.

Trong 5 năm (2011 - 2015), Nghệ An đã huy động được hơn 14.500 tỷ đồng thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Ngoài các cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đối với người nghèo như: hỗ trợ chăm sóc bảo vệ rừng, giao đất để trồng rừng và giao rừng để sản xuất, khai hoang, phục hóa, xuất khẩu lao động để hỗ trợ giảm nghèo đối với 42 xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên, ngoài các huyện 30a. Nhờ những nỗ lực, quyết tâm và giải pháp hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 22,89% (đầu năm 2011) xuống 7,5% (cuối năm 2015) theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31733802-chung-tay-giup-cac-xa-ngheo-o-nghe-an.html