Chung tay xây dựng thiết chế cho người lao động

Sáng 29.12, Tổng LĐLĐVN chỉ đạo Báo Lao Động tổ chức tọa đàm “Vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng các thiết chế phục vụ người lao động”. Ủy viên T.Ư Đảng - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường cùng lãnh đạo các LĐLĐ tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp tham dự. Tại tọa đàm, các vấn đề nóng đã được đặt ra để tìm giải pháp làm sao doanh nghiệp có thể chung tay cùng tổ chức công đoàn xây dựng các thiết chế như nhà ở, siêu thị, trường mầm non, trạm y tế, nhà văn hóa thể thao… cho CNLĐ.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi tọa đàm.

Cần chính sách hợp lý đối với doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Khoái - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Nam - cho biết, đối với nguồn đầu tư để xây dựng thiết chế cho NLĐ, một số doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài sẵn sàng bỏ vốn cùng với chủ đầu tư để xây dựng các cửa hàng, khu nhà ở với điều kiện CN của họ sẽ được giảm giá khi mua nhà, mua hàng. Vì vậy, ông Khoái đề xuất, trước khi triển khai đầu tư xây dựng các thiết chế cần họp với tất cả các DN trong KCN và nêu ra ý nghĩa chương trình và có một giải pháp cụ thể về giảm giá cho CN trực tiếp của các DN tham gia, thì sẽ nhận được sự ủng hộ của DN.

Ông Đinh Việt Thanh (Ban pháp chế TCty May 10) nhấn mạnh về cơ chế để DN thuận lợi hơn trong xây dựng thiết chế cho CN. Theo ông Thanh, hiện Cty có 15 y-bác sĩ và 29 cô giáo mầm non đều hưởng lương DN. Tất cả diện tích trường mầm non mới được miễn thuế đất sau khi thành lập pháp nhân. Các công trình như nơi khám-chữa bệnh, nhà đa năng dành cho CN, siêu thị, phòng cưới… nằm trong diện tích Cty đang phải chịu thuế để kinh doanh, mặc dù những công trình này mang tính phúc lợi rõ nét. Ông Thanh đề nghị cần có chính sách hợp lý hơn để khuyến khích DN xây dựng những công trình mang tính phúc lợi cho CN trong DN mình.

Ông Trịnh Trường Sơn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) - đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư rà soát các quy hoạch đô thị, KCN để điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm bố trí đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho CN KCN. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, KCN mới, nhất thiết phải có quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở cho CN theo quy định của pháp luật; bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Trường học, nhà trẻ, cơ sở khám-chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao, đặc biệt là tại các khu vực có số lượng lớn CNLĐ; có các cơ chế, giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các DN tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các DN và người dân tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho CNLĐ tại các KCN.

Ông Vũ Đại Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam - đề xuất, việc xây dựng thiết chế và nhà ở CN cần sự tham gia của các cơ quan, DN gồm DN đầu tư hạ tầng khu CN và DN đầu tư thứ cấp trong KCN (sử dụng trực tiếp NLĐ). Với DN đầu tư hạ tầng KCN, ngay từ khi phát triển các quy hoạch KCN phải gắn liền với quy hoạch nhà ở CN, xây dựng các thiết chế… thay vì cố gắng tạo ra quỹ đất sạch xây dựng đường sá, đi lại để thu hút DN, sau đó mới để lại cho chính quyền địa phương chăm lo chỗ ở cho NLĐ. DN đầu tư thứ cấp trong KCN cũng là đối tượng cần được quan tâm, động viên để cùng nhà đầu tư hạ tầng KCN xây khu nhà ở CN. Nhà nước cũng cần có cơ chế bổ sung, bởi hiện nay, trong việc xây nhà ở CN, đối với DN đầu tư thứ cấp chưa được hạch toán lỗ lãi. Vì vậy, chủ DN khi xây nhà ở CN nên được tính vào tổng vốn đầu tư để hạch toán vào giá thành, khấu hao, tạo động lực cho DN có kinh phí tiếp tục đầu tư phục vụ cho CN.

Nhà trẻ cho con em công nhân được Tổng Cty May Hưng Yên xây dựng ngay cạnh nơi làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động yên tâm làm việc. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Tăng cường xã hội hóa

Ông Nguyễn Quang Lâm - Chủ tịch CĐ Cty Hapro (TCty thương mại Hà Nội) - cho rằng, Tổng LĐLĐVN nên kiến nghị với Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành dành quỹ đất, nhà tại khu nhà ở cho CNLĐ; giao miễn phí cho tổ chức CĐ để CĐ quản lý và tổ chức hệ thống siêu thị CĐ, cửa hàng tiện ích CĐ (được quy hoạch ngay từ khi thiết kế).

Ông Trần Quốc Trung - Vụ phó Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ KHĐT) - cho rằng, có thể lựa chọn 2-3 địa phương để thực hiện thí điểm xây dựng thiết chế cho NLĐ trước khi triển khai rộng rãi. “Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, phạm vi được phép sử dụng nguồn vốn của tổ chức CĐ chỉ được sử dụng trong một số mục đích nhất định, do đó, để thực hiện đề án cần đa dạng hóa nguồn vốn, tăng cường xã hội hóa, thu hút đầu tư tư nhân vào đầu tư xây dựng nhà ở, thiết chế văn hóa, cơ sở giáo dục mầm non cho CN trong KCN-KCX” - ông Trần Quốc Trung đề nghị.

Theo ông Lê Văn Lâm - GĐ Kinh doanh kiêm Chủ tịch CĐ Tập đoàn Đức Hạnh BMG: “Tập đoàn sẵn sàng kết hợp đầu tư với các nhà đầu tư và Tổng LĐLĐVN để đầu tư xây dựng các công trình thiết chế cho NLĐ”. Theo ông Lâm, muốn xây dựng và duy trì, phát triển các thiết chế phục vụ NLĐ thì tổ chức CĐ cần phối hợp chặt chẽ với các DN trên địa bàn để nghiên cứu mô hình các thiết chế có phù hợp với đối tượng phục vụ là NLĐ không; nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ DN và tổ chức CĐ triển khai xây dựng các thiết chế như cấp đất, hỗ trợ về thuế đất, thuế sản xuất kinh doanh… trong phục vụ việc xây dựng, duy trì và phát triển các thiết chế cho NLĐ.

Đại diện một Cty 100% vốn của Anh quốc tại Bắc Ninh cũng cho biết, nếu được triển khai, đề án này sẽ tốt cho DN và NLĐ. Với thiết chế này, DN sẽ có trách nhiệm hơn nữa, đối với NLĐ bởi NLĐ là tài sản của DN. Đại diện Cty này cũng cam kết sẽ hỗ trợ và phối hợp về kinh phí cũng như thủ tục trong quá trình triển khai đề án.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Ủy viên T.Ư Đảng - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường cho biết, thời gian vừa qua, Tổng LĐLĐVN đã có khảo sát nhu cầu về nhà ở, nơi gửi trẻ an toàn, nơi mua sắm nhu yếu phẩm cũng như nhu cầu về thể thao, giải trí… Theo đó, toàn quốc có 344 KCN, KCX, trong đó 200 khu đang hoạt động, một số khu đang trong quá trình xây dựng. Điều đó đặt ra vấn đề nhu cầu nhà ở, nơi gửi trẻ, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, chăm sóc y tế hỗ trợ pháp luật là hết sức bức xúc, cần thiết. Trong 344 KCN trên có 2,7 triệu LĐ, thì 1,2 triệu có nhu cầu về nhà ở, nhưng mới chỉ từ 5-10% nhu cầu trên được đáp ứng (do một số DN, địa phương xây nhà).

Theo đề án xây dựng thiết chế phục vụ NLĐ của CĐ gồm: Nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, siêu thị CĐ, nơi tổ chức các hoạt động VHTT cũng như tư vấn pháp luật; nơi khám, bán thuốc, phục vụ chăm lo sức khỏe cho CNLĐ; có trụ sở của CĐ KCN, KCX tổ chức các hoạt động ngoài giờ của CNLĐ. Qua khảo sát, qua nắm bắt nhu cầu, trao đổi với cán bộ CĐ các cấp thì nhận được sự đồng tình ủng hộ cao, vì thiết chế hoàn chỉnh như vậy sẽ phục vụ rất thiết thực, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của các địa phương, giảm tình trạng nhảy việc trong CN cũng như góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc của địa phương. Khi xây dựng các thiết chế cho NLĐ, các dự án sẽ được hưởng những ưu đãi chính sách về đất đai, thuế; tiết giảm tối đa các chi phí xây dựng nên nhà ở cho CN sẽ rất rẻ; có thể có căn hộ 30m2, 2 phòng ngủ, phòng khách, bếp, công trình phụ với giá khoảng 100 triệu đồng. Hơn nữa, nơi ở CN sẽ có khuôn viên, cây xanh, sân chơi bãi tập để phục vụ đời sống CNLĐ. Việc xây dựng các thiết chế phục vụ NLĐ sẽ được tiến hành khách quan, minh bạch, công khai với sự chỉ đạo của Tổng LĐ, LĐLĐ các TP, CĐ các KCN, KCX đảm bảo chất lượng, mỹ quan, tiến độ.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường cho biết, việc xây dựng thiết chế sẽ theo đúng nhu cầu thực tế của CN, được thực hiện qua khảo sát: Phát tờ giới thiệu, đăng ký tới CNLĐ (mua hay thuê) để xác định chính xác nhu cầu thực để xây dựng, tránh lãng phí; kèm với đó là xây dựng chính sách để hỗ trợ đó đến đúng với NLĐ. Việc xây dựng các thiết chế cho NLĐ, cũng nằm trong việc đổi mới hoạt động, tổ chức của tổ chức CĐ trong tình hình mới.

Ông Phạm Anh Vũ - Phó Chủ tịch CĐ VietinBank: Thời gian tới, VietinBank cam kết tiếp tục chung tay cùng Đảng, Chính phủ, Tổng LĐLĐVN và cộng đồng DN thực hiện hỗ trợ tài chính, xây dựng các thiết chế cho NLĐ. Đặc biệt, VietinBank cam kết sẽ dành nguồn vốn ưu đãi để đáp ứng nhu cầu tài chính của các DN trong việc xây dựng nhà ở, trường học, trạm y tế, công trình công cộng… phục vụ lợi ích của NLĐ tại các KCN. Với NLĐ, VietinBank tiếp tục có chính sách ưu đãi trong việc vay vốn mua nhà, sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích và tích hợp các ưu đãi nhằm tiết kiệm thời gian và nguồn tài chính.

Ông Hà Đông - Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ TP.Hà Nội: Vấn đề khó nhất là sau khi xây dựng các thiết chế thì làm sao để vận hành, duy trì, phát huy hiệu quả các hoạt động của nó. CNLĐ là chủ thể nhưng thu nhập thấp làm sao đóng góp cho các thiết chế vận hành? Tôi nghĩ rằng, giải pháp cho vấn đề này là phải xã hội hóa, phải có hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho DN tham gia; các cấp CĐ phải thể hiện được vai trò của mình trong tổ chức các hoạt động trong các thiết chế này. Thực trạng 28 điểm sinh hoạt văn hóa phục vụ CNLĐ ở TP.Hà Nội cho thấy, điểm sinh hoạt văn hóa nào đặt trong DN, được DN đầu tư, quan tâm thì những điểm đó hoạt động tốt.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc: Các nhà văn hóa CN gắn với trụ sở CĐ KCN và trung tâm tư vấn pháp luật CĐ, đảm bảo hiệu quả; không tăng biên chế và bộ máy CĐ; có thể lấy thu bù chi để hoạt động. Không cần làm nhà văn hóa CN quá lớn, chỉ cần khoảng 15 - 20 tỉ đồng, ở đó có sân bóng đá mini, nhà thể hình, nhà đa năng… là phù hợp. XUÂN TRƯỜNG (ghi)

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/chung-tay-xay-dung-thiet-che-cho-nguoi-lao-dong-625575.bld