Chung thuyền

Hôm thứ Năm tuần trước hàng trăm người xếp hàng dài trước cửa hàng 7-Eleven đầu tiên ở Việt Nam vừa khai trương tại TPHCM. Cửa hàng này chỉ rộng 164 mét vuông nhưng tin tức về nó đã xuất hiện ngay trên tờ Nikkei, một trong những tờ báo hàng đầu Nhật Bản. “Chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật nhắm đến thị trường lớn cuối cùng ở Đông Nam Á”, tờ Nikkei viết.

Xếp hàng dài trước cửa hàng 7-Eleven đầu tiên ở Việt Nam vừa khai trương tại TPHCM. Ảnh: internet

Đồng thời với sự hăm hở của những khách hàng Việt Nam đầu tiên “xông đất” 7-Eleven trên quê hương mình, có người không khỏi lo âu thêm cho tương lai của doanh nghiệp nội trong ngành bán lẻ. Theo tính toán của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, một loạt thương vụ mua bán sáp nhập trong mấy năm gần đây đã giúp người Thái nắm khoảng 50% thị phần bán lẻ hiện đại tại Việt Nam. Người Nhật nào chịu kém. Sự xuất hiện của 7-Eleven, chuỗi cửa hàng tiện lợi thành công nhất thế giới, chỉ là bước tiếp theo trong một kế hoạch dài hơi đã được khởi động từ lâu tại Việt Nam.

Người lạc quan cho rằng doanh nghiệp nội không sợ cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài hùng mạnh vì mình biết cách khai thác thị trường ngách. Nhưng nếu doanh nghiệp Việt không có ngay những đối sách hữu hiệu và kịp thời thì e rằng nhận định này cũng chỉ là một liệu pháp tinh thần, nói ra cốt chỉ để an ủi nhau trong khi chờ điều xấu nhất sắp đến.

Cho đến nay, những biện pháp nhằm giữ được thị phần bán lẻ trên sân nhà - như kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, kêu gọi liên kết, chiến dịch chống hàng giả... - chưa mang lại kết quả mong muốn. Và dù muốn dù không, dưới con mắt của đa số người tiêu dùng, các yếu tố để chọn mua một món hàng vẫn là chất lượng, giá cả, sự thuận tiện, sẵn có. Thứ tự các yếu tố này có thể thay đổi tùy hoàn cảnh, nhưng tựu trung vẫn là chúng chứ không phải điều gì khác. Người tiêu dùng Việt có thể ưu tiên dùng hàng Việt một số lần, nhưng hàng Việt phải đáp ứng được sự mong mỏi của họ thì mới mong được họ ủng hộ lâu dài. Tương tự như phong trào “giải cứu nông sản” gần đây, người tiêu dùng sẵn lòng giải cứu thịt heo hay dưa hấu, nhưng không thể mong họ sẵn sàng giải cứu bất kỳ mặt hàng nào gặp khó trên thị trường.

Không ai hiểu người Việt hơn người Việt thường được nêu là một trong những thế mạnh của doanh nghiệp nội trong cạnh tranh với đối thủ ngoại. Nhưng trước hết, các doanh nghiệp Việt cần học cách hiểu nhau để có tiếng nói chung trong cuộc chiến sinh tồn đang diễn ra. Gần đây, báo chí có đề cập đến một số liên kết giữa các doanh nghiệp Việt với nhau - như giữa FPT và Vinamilk nhằm giúp bán sữa trong các cửa hàng điện thoại di động - xem đó như hình mẫu cho sự liên kết. Nhưng liên kết này có vẻ là chuyện nội bộ giữa hai ông khổng lồ. Để tạo được sức mạnh thực sự, xu hướng liên kết phải trở thành phổ biến trong khắp cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Nói đâu xa, các nhà bán lẻ trong nước và các siêu thị nội cần mở rộng cửa đón hàng hóa từ doanh nghiệp Việt. Để có thể cạnh tranh, sản phẩm tốt nhất của các nhà nông, các nhà sản xuất Việt phải xuất hiện ngay trên các kệ có vị trí tốt nhất trong các siêu thị nội mà không phải tốn chi phí cửa sau nào. Mọi doanh nghiệp Việt Nam cần ý thức rằng mình đang ở trên cùng một con thuyền. Nếu sản phẩm của đồng hương không trụ được trong cơn bão có tên bán lẻ thì chiếc thuyền cuối cùng sẽ chìm. Chiến lược “kiềng ba chân” của doanh nghiệp ngoại - trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi - đã hiện rõ dần. Sản phẩm ngoại đã bắt đầu tràn vào thị trường nội địa qua chiếc “kiềng ba chân” này. Chúng ta thoát đường nào nếu vẫn không chịu liên kết với nhau?

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/161633/chung-thuyen.html/