Chuỗi cung ứng chip châu Á bị gián đoạn sau trận động đất ở Đài Loan (Trung Quốc)

Trận động đất lớn nhất ở Đài Loan (Trung Quốc) kể từ năm 1999 có thể gây ra một số gián đoạn trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn của châu Á, sau khi các nhà sản xuất chip từ TSMC đến UMC tạm dừng một số hoạt động để kiểm tra cơ sở và di dời nhân viên.

Trận động đất mạnh 7,2 độ richter xảy ra ở bờ biển phía đông Đài Loan (Trung Quốc) gần huyện Hoa Liên vào sáng thứ Tư (3/4), khiến 9 người thiệt mạng và 800 người bị thương.

Hòn đảo này đóng một vai trò to lớn trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu vì đây là quê hương của TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới. Công ty này chuyên cung cấp chip cho những hãng như Apple và Nvidia, các nhà sản xuất chip nhỏ hơn bao gồm UMC, Vanguard International Semiconductor.

Ảnh: Văn phòng Tổng thống Đài Loan.

Trong khi hầu hết các cơ sở của họ không ở gần tâm chấn trận động đất, nhiều công ty trong số này cho biết họ đã sơ tán một số nhà máy sản xuất và đóng cửa một số cơ sở để kiểm tra.

“Để đảm bảo an toàn cho nhân viên, một số nhà máy đã được sơ tán theo quy trình của công ty”, TMSC cho biết trong một tuyên bố và sau đó cho biết thêm rằng các nhân viên đã bắt đầu trở lại làm việc.

Công ty tư vấn Isaiah Research cho biết trong một báo cáo rằng TSMC, có các cơ sở ở Hsinchu, Đài Nam và Đài Trung đã trải qua tình trạng gián đoạn ở các mức độ khác nhau, có thể phải trì hoãn một số lô hàng và tăng đầu vào để bù đắp cho điều này.

Ngoài ra, TSMC cũng cho biết các hoạt động sản xuất các nút quy trình tiên tiến như 4/5 nm và 3 nm tại Đài Nam đã tạm thời bị đình chỉ. Thậm chí, thiết bị in thạch bản cực tím (EUV) quan trọng đối với các nút tiên tiến này đã bị tạm dừng tại địa điểm này trong khoảng thời gian từ 8 đến 15 giờ.

Các nhà phân tích của Barclays cho biết một số nhà máy bán dẫn có độ phức tạp cao cần hoạt động liên tục 24/7 ở trạng thái chân không trong vài tuần và việc tạm dừng sẽ làm gián đoạn quá trình, đẩy áp lực giá cả trong lĩnh vực này lên cao.

Họ cho rằng điều này có thể lan tỏa gây ra “trục trặc ngắn hạn” đối với sản xuất điện tử ở các nền kinh tế tập trung vào sản phẩm thượng nguồn như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như các nền kinh tế tập trung vào sản phẩm hạ nguồn như Trung Quốc và Việt Nam.

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng mức tồn kho thấp hơn giữa các khách hàng có thể cho phép các nhà sản xuất chip Đài Loan và Hàn Quốc tăng giá.

Lê Na (Theo CNA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuoi-cung-ung-chip-chau-a-bi-gian-doan-sau-tran-dong-dat-o-dai-loan-trung-quoc-post290371.html