Chương trình Lý luận phê hình văn học, nghệ thuật TPHCM: Thiết thực và lan tỏa

Chương trình Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TPHCM (*) là một diễn đàn do Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TPHCM thực hiện, nhằm góp phần định hướng cảm quan thẩm mỹ, cảm thụ văn học, nghệ thuật cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Nhiều nhà sáng tác, nghệ sĩ và nhà phê bình đã góp mặt trong chương trình như người trong cuộc, đánh giá các vấn đề, những biểu hiện tích cực trong đời sống văn học, nghệ thuật TP và phân tích những hạn chế bằng sự khách quan mang tính học thuật…

Còn đó nhiều băn khoăn

Tháng 8 là tròn một năm chương trình ra mắt, những người thực hiện, chịu trách nhiệm về chương trình, cùng lãnh đạo các hội văn học, nghệ thuật TP; Ban Lý luận phê bình (LLPB) văn học nghệ thuật (VHNT) của Liên hiệp các Hội VHNT TP đã cùng nhìn lại những tác động tích cực của chương trình đến đời sống VHNT TP và những hạn chế cần khắc phục để nâng cao chất lượng chương trình từ nội dung đến hình thức. Chủ trì cuộc họp là đồng chí Dương Thế Trung, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng LLPB VHNT TP và đồng chí Lê Tú Lệ, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng LLPB VHNT TP.

Theo đánh giá của PGS-TS Trần Luân Kim, Nhà văn Vũ Hạnh, PGS-TS Văn Thị Minh Hương, PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, TS - họa sĩ Trang Phượng, Nhà LLPB văn học Lê Quang Trang, NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc, họa sĩ Huỳnh Văn Mười… trong năm qua, các chương trình như: Nỗi buồn ca từ, Thị trường sân khấu kịch nói đi về đâu? Tự hào ký ức điện ảnh, Thực trạng tượng đài TPHCM, Văn học Trẻ: Diện mạo và khát vọng, Đạo đức trong Nhiếp ảnh, Múa minh họa trong biểu diễn nghệ thuật, Văn học về đề tài chiến tranh cách mạng, Sân khấu kịch xã hội hóa và cuộc sống hôm nay, Kiến trúc và vẻ đẹp TP… đều đạt yêu cầu về lý luận và sát với thực tiễn, thể hiện tâm huyết và lương tri của văn nghệ sĩ (VNS); đặt được nhiều vấn đề cả người làm nghề và công chúng quan tâm, cách lý giải cùng những giải pháp đề xuất ít nhiều tạo được hiệu ứng tốt trong đời sống VHNT. Chương trình tạo được sự lan tỏa và chú ý của những đồng nghiệp ở Hà Nội và các tỉnh thành. Tất nhiên, nếu có thể gọi là thành công thì chỉ là bước đầu, phần nào đó gợi mở một số vấn đề bất cập. Vẫn còn đó rất nhiều băn khoăn, khi đời sống VHNT TP nhiều năm qua gần như chững lại.

Có dịp ngồi lại với nhau, mới càng thấy trọng trách của những nhà quản lý ở lĩnh vực VHNT và văn nghệ sĩ TP quá nặng nề. Họa sĩ Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP và Nhiếp ảnh gia Hoàng Thạch Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhiếp ảnh TP đồng suy nghĩ khi nêu một vấn đề: quan điểm về thẩm mỹ của chủ thể quản lý và chủ thể sáng tạo đôi khi không thống nhất, chính điều này ít nhiều làm giảm nhiệt huyết sáng tạo của VNS, thậm chí có thể gây ra nhiều bức bối khi sản phẩm sáng tạo không được đánh giá đúng và không được sử dụng như mong muốn của VNS. Một vấn đề khác, các cơ chế, điều kiện để phát triển tài năng trẻ ở các lĩnh vực, đặc biệt là mỹ thuật còn hạn chế, không kích thích sáng tạo khi thiếu sự định hướng, gợi mở để VNS trẻ phấn đấu sáng tạo, dẫn đến tình trạng các công ty, tổ chức nước ngoài dễ dàng thu hút và khai thác nhân tài của TP. Ngoài ra, vấn đề quy hoạch tượng đài là một bức xúc thực sự đối với nhiều VNS, bởi hơn 40 năm xây dựng TP mang tên Bác, hệ thống tượng đài TPHCM còn lắm ngổn ngang và bất cập…

Cơ chế phù hợp để kích thích sáng tạo

Có nhiều ý kiến vừa đặt vấn đề, vừa gợi mở để Hội đồng LLPB VHNT TP có thể đưa vào “ngân hàng” đề tài, như : cần lưu ý các cơ chế phù hợp, kích thích sáng tạo của VNS; cần đặt ra vấn đề không gian VHNT. Các ngành VHNT đều cần không gian, nó chính là hơi thở cuộc sống, động viên người nghệ sĩ sáng tạo. Mặc dù hơn 40 năm qua TP có quan tâm, đầu tư, nhưng hiệu quả không cao, chưa hướng đến việc hưởng thụ của công chúng và tận dụng sáng tạo của VNS. Điển hình là Nhà hát Nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang, niềm hy vọng của cả giới văn nghệ sĩ cải lương nhưng khi hoàn thành thì không gian sáng tạo, biểu diễn bị bó hẹp hơn, nhiều công năng phục vụ cho bộ môn cải lương không tương thích…

Nhà LLPB văn học Lê Quang Trang rất sâu sắc khi đưa ra ý kiến, chương trình nêu được nhiều vấn đề rất cần thiết trong đời sống VHNT và có tác động tích cực đến người xem, thế nhưng hầu hết chưa đi tới tận cùng của các vấn đề, ví dụ: chương trình về tượng đài, một số phát biểu hơi khó nghe, nên có đề xuất gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, thậm chí Ban Bí thư xem để hiểu hơn những vấn đề của TP chúng ta.

Chỉ mới gần một năm thực hiện với hơn 10 chương trình phát sóng, qua nhận định và góp ý của các nhà chuyên môn, lãnh đạo các hội chuyên ngành, có thể thấy những việc cần sửa đổi, cần nâng cao và tập trung đẩy mạnh để chương trình trở thành một kênh thông tin hấp dẫn, bổ ích và hiệu quả, có tác động tích cực đến đời sống VHNT của TP. Việc quảng bá chương trình trên sóng HTV cũng được đặt ra như một tiêu chí phấn đấu đối với những người thực hiện, cần phát sóng vào thời gian thích hợp để nhiều người có thể theo dõi và phát lại nhiều lần.

Với nhiều vấn đề được đặt ra một cách tâm huyết, hoàn toàn có thể hy vọng chương trình LLPB VHNT TPHCM sẽ tiếp tục được chăm chút và nâng cao, có những tác động tích cực, hiệu quả, góp phần tạo thêm cơ chế, điều kiện thuận lợi cho VHNT TP phát triển n

(*) Chương trình phát sóng trên HTV 9 vào 13 giờ 15 ngày chủ nhật của tuần lễ thứ tư trong tháng.

LIÊN CHI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chuong-trinh-ly-luan-phe-hinh-van-hoc-nghe-thuat-tphcm-thiet-thuc-va-lan-toa-457330.html