Chương trình sách giáo khoa phổ thông: Bất cập từ khâu biên soạn

Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình sách giáo khoa (SGK) phổ thông do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) công bố, cho ý kiến ngày 15-8 cho thấy, do thiếu tổng chỉ huy, chương trình SGK đã bộc lộ bất cập ngay từ khâu biên soạn, nội dung chưa bảo đảm tính liên thông, thống nhất giữa các cấp học, môn học. Cần đầu tư nhân vật lực, nghiên cứu xây dựng bộ sách giáo khoa chuẩn mới hy vọng nâng cao chất lượng giáo dục.

Thực hiện theo quy trình ngược

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH, GS Đào Trọng Thi - Trưởng đoàn giám sát nhận định, mặc dù Bộ GD-ĐT đã đưa ra giải pháp tình thế nhằm giảm tải chương trình học thông qua việc bỏ bớt một số mục, bài trong SGK nhưng cách thực hiện chưa khoa học.

Chương trình sách giáo khoa hiện còn bộc lộ nhiều bất cập. Ảnh: Thanh Hải

Điều này đã gây ảnh hưởng tới tính thống nhất, chặt chẽ, lô gích, khiến cả giáo viên và học sinh đều lúng túng. Kết quả kiểm tra cho thấy, hiện khối lượng kiến thức thể hiện trong SGK còn nặng so với khả năng tiếp thu của học sinh, có sự trùng lặp, nặng về truyền thụ kiến thức mà chưa quan tâm nhiều đến rèn luyện kỹ năng, nhân cách cho các em... Việc lồng ghép các nội dung giáo dục về môi trường, an toàn giao thông, dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên, giới tính, kỹ năng sống, phòng chống tệ nạn xã hội ma túy… vào các môn học chưa nhuần nhuyễn và linh hoạt, dẫn đến quá tải. Chưa kể, các bài giảng còn nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn và sáng tạo nên không thu hút được học sinh. GS Đào Trọng Thi cho rằng, chương trình SGK phải được thiết kế lại. Đặt quá cao như hiện nay khiến học sinh không tiếp thu được, thầy giáo không dạy được.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý, để không giẫm lên vết xe đổ của những lần biên soạn sách giáo khoa tốn không biết bao nhiêu tiền của, công sức vừa qua, cần mạnh dạn xóa bỏ quy trình biên soạn chương trình SGK hiện nay. Đó là Hội đồng chỉ đạo quốc gia được thành lập muộn so với các ban chỉ đạo cấp học. Không có tổng chỉ huy, thiếu lực lượng chuyên trách và thiếu cơ chế điều hành, phối hợp để bảo đảm vận hành thống nhất toàn bộ quá trình biên soạn. Cách làm ngược này khiến thay vì xây dựng một chương trình chuẩn, đồng bộ, thống nhất giữa các cấp học, lớp học, môn học với những tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu năng lực, kiến thức cụ thể cần đạt được trước khi tiến hành viết sách giáo khoa thì mới chỉ xây dựng được chương trình khung để các tác giả căn cứ vào đó viết sách. Sau khi có SGK đưa vào dạy thử nghiệm mới xác định chuẩn chương trình và phê duyệt, ban hành chương trình chuẩn quốc gia. Quy trình này cũng góp phần tạo ra thất bại của chương trình phân ban THPT, khi SGK phân ban đã biên soạn xong, dù phát hiện những bất cập nhưng vẫn phải đưa vào thực hiện. Nhiều trường phổ thông chuyên do áp lực của cơ chế thị trường cũng như của phụ huynh và học sinh nên đã chú trọng luyện thi đại học theo khối A, B, C nhiều hơn nhiệm vụ bồi dưỡng, phát triển tài năng, chưa phát hiện được chính xác những học sinh có năng khiếu, khiến mục tiêu đào tạo nhân tài trở nên mờ nhạt.

Do thiếu kinh phí?

Trước những nhận xét, đánh giá của Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tuy thừa nhận bất cập nhưng cho rằng phần lớn tồn tại nêu trên là do… thiếu kinh phí. Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thời gian qua, tiền đầu tư cho chương trình giáo dục phổ thông tăng đều qua mỗi năm, nhưng nếu chia đều cho số trường đã có và 250 trường xây thêm hàng năm trên toàn quốc thì quá nhỏ giọt. Chính vì vậy, chưa có một chương trình xuyên suốt từ tiểu học đến THPT. Nhiều thiết bị thí nghiệm môn hóa học phải bỏ không vì không có tiền mua hóa chất, nguyên vật liệu để dạy và học thực nghiệm cũng rất thiếu thốn…

Nhưng, nhiều ý kiến cho rằng nhược điểm rất lớn trong việc cải cách chương trình SGK là thiếu sự chia sẻ thông tin với xã hội mà "đóng cửa làm với nhau". Ngành giáo dục cần tạo điều kiện nhiều hơn nữa để xã hội tham gia vào công việc xây dựng SGK. Chừng nào chưa tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo các nhà khoa học, nhà giáo, nhất là giảng viên dạy trung học cơ sở và trung học phổ thông cho dự thảo chương trình - sách giáo khoa, thì một bộ sách mới ra đời sẽ có nhiều nguy cơ bị cộng đồng đào thải.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhận định, đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông cần bắt đầu từ giảm lý thuyết, tăng thực hành. Đây là việc làm hệ trọng, vì vậy trong quá trình triển khai cần phải có đổi mới cách tiếp cận theo hướng khẩn trương nhưng cẩn trọng và không được thoát ly thực tiễn. Đồng tình với quan điểm này, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cũng cho rằng, thiết kế được một chương trình, một bộ SGK tốt là rất quan trọng bảo đảm thành công trong việc phát triển giáo dục phổ thông. Nhưng cũng cần phải chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và phù hợp khả năng của đội ngũ giáo viên. Vì vậy đợt đổi mới chương trình, SGK tới cần làm một cách toàn diện, hệ thống gồm tất cả các yếu tố để bảo đảm chất lượng. Phải coi đội ngũ giáo viên sư phạm là lực lượng chủ công cần được huy động, tham gia đóng góp ý kiến và đầu tư thỏa đáng. "Đoàn giám sát cũng cần chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đã để xảy ra những yếu kém trong xây dựng chương trình sách giáo khoa hiện nay và giải pháp khắc phục, để QH có cơ sở ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông từ năm 2015" - đó là ý kiến của Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc.

Cùng ngày, UBTVQH đã thảo luận về Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá, Luật Hải quan hiện hành chưa cho phép cơ quan hải quan thực hiện việc truy đuổi, bắt giữ hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới di chuyển từ trong địa bàn hoạt động của hải quan ra ngoài địa bàn. Vì thế, trong một số trường hợp đã dẫn đến mất cơ hội đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Xuất phát từ thực tế này, việc ban soạn thảo bổ sung quy định thẩm quyền của lực lượng kiểm soát hải quan được truy đuổi liên tục trong trường hợp có căn cứ xác định hàng hóa tẩu tán do đối tượng phạm tội buôn lậu mà có là hợp lý. Tuy nhiên, UBTVQH yêu cầu làm rõ mức độ của việc truy đuổi, nếu không nêu chi tiết, dễ dẫn đến chồng chéo hoạt động giữa các cơ quan chức năng.

Cô giáo Cao Khánh Ngân (Trường THPT Nhân Chính, quận Thanh Xuân):
Bớt giáo điều, đề cao ứng dụng

Đổi mới chương trình, SGK không ngoài mục tiêu đào tạo thế hệ công dân có đủ trí, đức. Yêu cầu đặt ra trong việc xây dựng chương trình, SGK mới nói chung, với môn giáo dục công dân (GDCD) nói riêng là bớt giáo điều, hàn lâm và đề cao việc ứng dụng kiến thức được học vào giải quyết các vấn đề trong thực tế.

Để cân đối giữa dạy chữ - dạy người, GDCD phải được coi là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông. Ý kiến các chuyên gia và thực tiễn đều khẳng định đây là môn học có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách HS, song so với các môn học khác, thời lượng học của môn GDCD lại khá khiêm tốn.

Chương trình, SGK điều chỉnh cũng cần bớt đi những nội dung không cần thiết với HS phổ thông như phần triết học (lớp 10), phần kinh tế (lớp 11). Phần giáo dục pháp luật (lớp 12) là cần thiết nhưng hiện nay lại thiên về lý thuyết khiến HS khó hiểu và dễ chán, cần có minh họa bằng các tình huống thực tế để HS thực hành.

Ông Nguyễn Thành Kỳ, nguyên Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD-ĐT Hà Nội):
Đổi mới từ các trường sư phạm

Với đề án đổi mới chương trình, SGK thì cần chuẩn bị điều kiện về trường lớp, trang thiết bị, đồ dùng học tập. Cần bồi dưỡng giáo viên về chương trình SGK mới, đổi mới công tác đánh giá HS... Ðây là những điều kiện cơ bản bảo đảm cho hiệu quả đổi mới chương trình, SGK.

Theo tôi, việc đổi mới phải lấy hệ thống trường sư phạm làm nòng cốt, vì đây là "cỗ máy cái" đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên - những người liên quan trực tiếp tới yêu cầu đổi mới chương trình, SGK. "Cỗ máy cái" có chuẩn thì mới cho ra nhiều giáo viên giỏi. Nội dung đào tạo cho sinh viên sư phạm cần sớm được điều chỉnh theo hướng kết hợp đồng bộ 3 yếu tố là kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm và đạo đức nghề nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội):
Cần tập trung đổi mới cách kiểm tra, đánh giá HS

Theo tôi, trong khi tiếp tục hoàn thiện nội dung chương trình, SGK, vấn đề cần tập trung triển khai ngay là đổi mới cách kiểm tra, đánh giá HS chứ không nhất thiết phải chờ đến khi thực hiện chương trình, SGK mới. Việc thực hiện kiểm tra, đánh giá ở nhiều nhà trường hiện nay còn hình thức và áp đặt, không tạo được động lực cho người học và người dạy một cách thực chất. Việc kiểm tra, đánh giá phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ ngay từ mỗi bài kiểm tra thường xuyên, hằng ngày trên lớp đến các bài kiểm tra cuối năm, cuối cấp.

Hồng Hạnh

Bách Sen

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/614761/chuong-trinh-sach-giao-khoa-pho-thong-bat-cap-tu-khau-bien-soan