Chương trình VNEN lại 'nóng' tại kỳ họp HĐND nhiều tỉnh: 'Lỗ hổng' lớn về pháp lý

Tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, một số địa phương lại 'nóng' lên về VNEN, một chương trình 'thí điểm' được áp dụng từ 5 năm trước. Từ bất cập của VNEN, bộc lộ 'lỗ hổng' lớn về pháp lý trong việc triển khai thí điểm chương trình giáo dục.

Một tiết học theo chương trình VNEN. Ảnh: VHNA

Tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa VI, ông Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Sở GDĐT- đã xin lỗi về việc chủ trì tham mưu mô hình VNEN trên địa bàn tỉnh nhà.

Ông Giang đã nhận lỗi rằng, trong quá trình tham mưu cho tỉnh, sở đã quá nóng vội với mong muốn đổi mới một cách nhanh chóng mà không tính toán hết bài toán thực tế.

Trả lời chất vấn của cử tri tại kỳ họp HĐND tỉnh, Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng – ông Nguyễn Xuân Trường - cũng thừa nhận: Hạn chế của mô hình VNEN là các học sinh yếu sẽ không theo kịp chương trình, không tham gia thảo luận, dễ chán nản, cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu, sĩ số lớp quá đông…

“Ngay sau đây, sở sẽ có kiến nghị Bộ GDĐT xin ý kiến về việc sẽ chọn trường hoặc chọn theo khối để thực hiện tiếp chương trình VNEN, hoặc nếu không đủ điều kiện sẽ cho dừng chương trình” – ông Trường nói.

Trước đó, nhiều địa phương trong khi triển khai VNEN đã vấp phải phản ứng gay gắt từ phụ huynh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Giang, Đắk Lắk, Bắc Ninh…

Bất cập lớn nhất của VNEN là chương trình giáo dục “thí điểm” nhưng được tiến hành đồng loạt trên diện rộng, số lượng trường học và học sinh tham gia rất lớn.

Chương trình “thí điểm” nhưng lại được tiến hành liên tục nhiều năm, không quy định thời điểm tổng kết, để quyết định có triển khai nhân rộng hay không.

Bất cập nữa, là trước khi tiến hành “thí điểm”, ngành giáo dục không hề thông tin trước và hỏi ý kiến học sinh, phụ huynh có đồng ý tham gia hay không.

Hệ quả, sau khi vấp phải phản ứng gay gắt, một số nơi lại làm “quy trình ngược”, là phát phiếu thăm dò ý kiến phụ huynh học sinh, hoặc xin ý kiến giáo viên.

Từ hệ lụy của VNEN, nhiều chuyên gia giáo dục nhận ra rằng, đến nay, Bộ GDĐT chưa có văn bản pháp quy về quy trình thực hiện chương trình thí điểm. Luật Giáo dục hiện hành cũng không có quy định về thí điểm chương trình giáo dục. Vì không có quy định, nên muốn làm gì thì làm, cũng… không sai.

Từ trước đến nay, từ việc thực hiện chương trình phân ban, chương trình SGK mới, ngành giáo dục cứ “hồn nhiên” tiến hành thí điểm, mà không hề hỏi ý kiến học sinh, phụ huynh.

Thiết nghĩ, cách làm nói trên đã vi phạm nguyên tắc khoa học, dân chủ trong giáo dục. Việc tiến hành thực hiện chương trình thí điểm, mặc dù đã có sự chuẩn bị công phu từ phía cơ quan quản lý giáo dục, nhưng không khỏi có thể có những rủi ro nhất định.

Do đó, ngành giáo dục cần phải thông báo đầy đủ các thông tin về chương trình thí điểm, lấy ý kiến phụ huynh học sinh (vì các em chưa đủ tuổi thành niên). Trong trường hợp này, phụ huynh học sinh có quyền từ chối cho con em tham gia chương trình thí điểm.

Việc thí điểm phải được tiến hành thận trọng trong phạm vi hẹp, sau khi tổng kết đánh giá đạt hiệu quả mới quyết định triển khai nhân rộng.

Cho đến nay, chương trình VNEN vẫn được tiến hành trên toàn quốc (trừ Hà Giang đã dừng hẳn từ năm 2016), có nghĩa là quá trình “thí điểm” vẫn diễn ra, và không hiểu sẽ đi đến kết quả, mục tiêu gì.

NHÓM PV

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/giao-duc/chuong-trinh-vnen-lai-nong-tai-ky-hop-hdnd-nhieu-tinh-lo-hong-lon-ve-phap-ly-683706.bld