Chụp ảnh chân dung chủ SIM: Khách hàng phản ứng, nhà mạng 'méo mặt'

Việc nhà mạng phải cập nhật ảnh chân dung của tất cả thuê bao di động đang sử dụng dịch vụ và thuê bao hòa mạng mới theo Nghị định số 49/2017 không hề dễ dàng.

Theo Nghị định số 49/2017 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông, với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, nhà mạng phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu.

Một trong những điểm bổ sung được chú ý nhất của Nghị định 49 là ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân, thuê bao cần phải bổ sung cả ảnh chụp chân dung chính chủ. Nhà mạng sẽ phải thực hiện lấy những thông tin này đối với các thuê bao đăng ký mới sau ngày 24/4/2017. Với các thuê bao đã kích hoạt trước ngày 24/4/2017 thì nhà mạng có 12 tháng để bổ sung thông tin theo quy định mới.

Các nhà mạng hiện đều đã có thông báo và đang triển khai việc chụp ảnh người trực tiếp đến giao dịch và ký kết hợp đồng. Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, quy định nêu rõ sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày và tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.

Nghị định cũng quy định rõ, doanh nghiệp viễn thông có 12 tháng để chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu thuê bao, trước khi phải chịu phạt tiền nếu bị phát hiện thông tin thuê bao sai lệch.

Chụp ảnh chân dung chủ SIM: Khách hàng phản ứng, nhà mạng 'méo mặt'. Ảnh minh họa

Chụp ảnh chân dung chủ SIM: Khách hàng phản ứng, nhà mạng 'méo mặt'. Ảnh minh họa

Người dùng phản ứng

Chia sẻ trên Zing.vn, VNPT cho biết nhà mạng này đã sớm triển khai nghị định 49 nhưng rất khó để hoàn tất. Tất cả các thuê bao mới đều phải đến điểm giao dịch để chụp ảnh chân dung. Đối với các thuê bao cũ, việc gọi điện, giải thích quy định mới rất mất thời gian. Khách hàng phản ứng và không phải ai cũng đồng ý đến cửa hàng để chụp ảnh mới.

"Chúng tôi đang có kế hoạch triển khai ở các doanh nghiệp, nơi có nhiều thuê bao VinaPhone, sẽ có người đến tận nơi để chụp ảnh chân dung khách hàng", đại diện nhà mạng này chia sẻ. Cách này giúp các thuê bao không tốn công di chuyển, dễ dàng hơn cho nhà mạng khi có những khách hàng phản ứng mạnh, không hợp tác khi được yêu cầu đến chi nhánh gần nhất để chụp ảnh chân dung.

Trong khi đó, bộ phận chăm sóc khách hàng của MobiFone cũng cho biết nhà mạng này cũng đang triển khai nghị định 49 bằng cách nhắn tin yêu cầu chủ thuê bao đến chi nhánh gần nhất để chụp ảnh chân dung. "Việc nhắn tin đến thuê bao cũ sẽ diễn ra từng đợt, làm dần dần", nhà mạng này cho biết.

"Quy định này làm tốn thời gian, nhà mạng đã chụp CMND tức đã có chân dung và vân tay lẫn thông tin cá nhân, nay lại gọi mời lên chụp ảnh là không cần thiết", Nguyễn Thanh Hùng, một người dùng ở Quận 5, TP.HCM nói. Tương tự, Phan Thái Hà, thuê bao ở Quận 1, TP.HCM cũng cho rằng biện pháp mới không khả thi. "Tôi ủng hộ việc xác thực nhưng nhà mạng cần có cách bổ sung thông tin, hình ảnh từ xa hoặc theo cách thuận lợi hơn cho khách hàng", người dùng này chia sẻ.

Khác với VinaPhone và MobiFone, Bộ phận chăm sóc khách hành của Viettel khẳng định thuê bao mới chỉ cần mang chứng minh nhân dân đến điểm giao dịch. Thuê bao cũ muốn bổ sung thông tin cũng chỉ cần mang CMND bản gốc và bản sao đến cửa hàng để làm thủ tục.

Tuy nhiên, Viettel cũng cho biết sẽ chấp hành nghị định này tại các cửa hàng theo đúng với chỉ đạo của Bộ TT&TT. Đối với khách hàng cũ, Viettel thì sẽ triển khai theo từng giai đoạn để hoàn thiện đúng thời gian bổ sung ảnh đến năm 2018.

Nhà mạng “méo mặt”

Ngoài việc vấp phải phản ứng của khách hàng, chi phí phát sinh không nhỏ cũng là vấn đề khiến các nhà mạng phải tính toán.

Theo khoản C, sửa đổi, bổ sung Điều 15 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông (các cửa hàng của nhà mạng) phải có đủ trang thiết bị để nhập thông tin trên giấy tờ của các cá nhân, tổ chức; số hóa giấy tờ của cá nhân, tổ chức; chụp ảnh người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động) và chuyển thông tin, bản số hóa giấy tờ, ảnh chụp về cơ sở dữ liệu tập trung của doanh nghiệp viễn thông.

Bên cạnh đó, thiết bị số hóa giấy tờ, chụp ảnh phải bảo đảm bản số hóa giấy tờ, ảnh chụp rõ ràng, sắc nét, có đầy đủ các thông tin so với các giấy tờ đã xuất trình của cá nhân, tổ chức khi giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Ảnh chụp phải có thông tin về thời gian (ngày, giờ) chụp.

Chia sẻ trên Báo Đầu Tư, một lãnh đạo MobiFone cho biết, hiện nhà mạng này có khoảng 1.000 điểm cung cấp dịch vụ chính thức. Nếu phải trang bị công cụ chụp ảnh hợp chuẩn cho cả 1.000 điểm này, thì số tiền đầu tư tối thiểu cũng phải hàng chục tỷ đồng.

Trong khi đó, với hơn 1.200 điểm cung cấp dịch vụ trên toàn quốc, đại diện VinaPhone ước tính, vốn đầu tư cho thiết bị chụp ảnh có thể lên tới cả trăm tỷ đồng. “Ngoài đầu tư máy móc chụp ảnh, bộ nhớ lưu ảnh, đường truyền, VinaPhone còn phải đầu tư, nâng cấp hệ thống nhập, lưu trữ ảnh hàng chục triệu khách hàng trên hệ thống. Việc này tốn rất nhiều chi phí, nhân lực và thời gian”, đại diện VinaPhone cho biết.

Còn theo MobiFone, các điểm đăng ký thông tin thuê bao nhỏ lẻ sẽ phải đóng cửa, khiến áp lực cập nhật ảnh, thông tin thuê bao đổ dồn về các điểm cung cấp dịch vụ chính hãng và được ủy quyền trong một thời gian ngắn.

"Chúng tôi sẽ phải nâng cấp hệ thống để có thể lưu được hàng chục triệu ảnh mới. Tuy nhiên, việc đau đầu nhất là đội ngũ làm nhiệm vụ kiểm tra, đối chiếu xem ảnh gửi về có khớp với ảnh trong chứng minh thư của thuê bao hay không”, lãnh đạo MobiFone nói.

PV (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/chup-anh-chan-dung-chu-sim-khach-hang-phan-ung-nha-mang-meo-mat-d123513.html