Chụp ảnh chính chủ thuê bao di động: Liệu có cần thiết ?

Bên cạnh thông tin cá nhân, các thuê bao di động phải có ảnh chụp chân dung chính chủ mới được coi là hợp lệ.

Ngăn chặn triệt để sim rác

Theo Nghị định 49/2017 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông vừa mới được ban hành, bên cạnh thông tin về giấy tờ tùy thân, các thuê bao di động sẽ phải bổ sung thêm ảnh chụp chân dung chính chủ. Đây được xem là một trong những biện phát mạnh được cơ quan quản lý triển khai nhằm triệt tiêu nạn sim rác đã hoành hành nhiều năm nay.

Nghị định 49/2017 được kỳ vọng sẽ "triệt tiêu" vấn nạn tin nhắn rác

Với những thuê bao đăng ký mới sau ngày 24/4/2017 việc cung cấp ảnh chính chủ là bắt buộc. Còn đối với các thuê bao kích hoạt trước ngày 24/4/2017, nhà mạng sẽ có 12 tháng để bổ sung thông tin theo quy định mới. Nếu sau 12 tháng, doanh nghiệp viễn thông chưa chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu thuê bao theo Nghị định 49/2017 thì chính những nhà mạng sẽ bị phạt.

Trên thực tế, các nhà mạng đều đã có thông báo tới thuê bao cũng như triển khai chụp ảnh cho người đăng ký thuê bao mới tại các điểm giao dịch. Đối với những chủ thuê bao đã nhận được thông báo nhưng không bổ sung thông tin theo yêu cầu, nhà mạng sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ một chiều sau 15 ngày và dừng hẳn hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu vẫn không thực hiện.

Theo phía Bộ TT&TT, quy định như trên của Nghị định 49/2017 sẽ thắt chặt hơn nữa việc quản lý thuê bao di động và ngăn chặn tin nhắn rác. Việc cung cấp rõ thông tin chủ thuê bao, đặc biệt là ảnh chân dung chính chủ sẽ giúp loại bỏ triệt để các thuê bao có thông tin không chính xác. Việc ngăn chặn được những thuê bao dạng này không chỉ hạn chế vấn nạn tin nhắn rác mà còn giảm thiểu được nguy cơ sim điện thoại được sử dụng với mục đích lừa đảo, thậm chí là khủng bố.

Như vậy, với việc Nghị định trên chính thức có hiệu lực, mỗi chiếc sim được đưa vào sử dụng bắt buộc phải có ảnh của thuê bao chính chủ mới được xem là hợp lệ. Với các sim đăng ký trong quá khứ, nếu quá thời gian 2 tháng kể từ khi nhận được tin nhắn của nhà mạng mà không bổ sung ảnh cá nhân sẽ bị cắt dịch vụ.

Khách hàng phản ứng

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, đại diện nhà mạng MobiFone cho biết hiện hãng đang trong quá trình thực hiện các yêu cầu của Nghị định 49/2017. Theo đó nhà mạng này đã gửi tin nhắn tới các thuê bao để yêu cầu khách hàng tới các điểm giao dịch gần nhất để chụp và bổ sung ảnh chân dung. Tuy nhiên phía MobiFone cũng khẳng định, việc này khá mất thời gian và phải làm theo từng đợt chứ không thể triển khai cùng lúc với tất cả thuê bao của mình.

Với những quy định mới, các cửa hàng buôn bán sim nhỏ lẻ sẽ hết "cửa sống"

Đối với Vinaphone, nhà mạng này cũng cho rằng việc thu thập thông tin thuê bao đủ theo các yêu cầu của Nghị định 49/2017 là rất khó khăn. Nếu như việc chụp ảnh với các thuê bao mới có thể thực hiện được dễ dàng thì với các thuê bao cũ không phải ai cũng chấp nhận đến điểm giao dịch để thực hiện việc này.

Còn Viettel, mặc dù chưa gửi tin nhắn nhắc nhở khách hàng bổ sung ảnh cá nhân nhưng hãng cũng đã có kế hoạch thực hiện việc này trong thời gian tới. Nhà mạng này cho biết cũng sẽ triển khai theo từng giai đoạn nhằm đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành việc chuẩn hóa dữ liệu khách hàng vào năm 2018 đúng với quy định.

Về phía người dùng, cũng có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc bổ sung ảnh cá nhân vào thông tin thuê bao di động. Theo anh Lê Nam (Cầu Giấy, Hà Nội), việc chụp ảnh thuê bao chính chủ là cần thiết vì điều này không chỉ giúp hạn chế tin nhắn rác mà qua đó cũng sẽ có manh mối rõ ràng hơn để đối phó với nạn lừa đảo trên di động đang diễn ra khá phổ biến trong thời gian gần đây. Các điểm giao dịch của nhà mạng hiện tại đã rất phổ biến, có mặt ở khắp nơi vì vậy việc ra chụp ảnh cũng rất dễ dàng và không tốn nhiều thời gian.

Trái ngược với anh Nam, anh Nguyễn Phong (Đống Đa, Hà Nội) lại cho rằng quy định trên là bất cập và gây bất tiện cho người dùng di động. Theo anh này, khi mua sim, khách hàng đã phải đưa ra bản sao CMND để làm thủ tục, trong đó đã có đủ thông tin người dùng và cả ảnh cá nhân rồi, vậy giờ phải chụp thêm ảnh liệu có cần thiết không ? Có 1 sim còn đỡ nhưng nếu tôi có 3 sim của 3 nhà mạng khác nhau thì việc đến chụp ảnh tại 3 nơi là rất mất thời gian, anh Phong nói tiếp.

Cũng có ý kiến tương tự, chị Phạm Hà (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đặt ra câu hỏi: Nếu khách hàng đáp ứng được những quy định trên nhưng tình trạng tin nhắn rác vẫn còn tiếp diễn lúc đó ai sẽ phải chịu trách nhiệm ? Thay vì nghĩ ra nhiều quy định cho người dùng, có lẽ nhà mạng cần tập trung vào giải quyết các vấn đề nội tại nhằm "khai tử" hẳn vấn nạn tin nhắn rác.

Để giải quyết triệt để vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác, cuối tháng 10/2016, Viettel, VNPT, MobiFone, GTel Mobile và Vietnamobile đã ký cam kết với Bộ TT&TT về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối. Với nhiều biện pháp ngăn chặn được triển khai sau đó đã có gần 20 triệu SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối bị thu hồi.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chup-anh-chinh-chu-thue-bao-di-dong-lieu-co-can-thiet-290904.html