Chuyện 28 hộ dân dùng chung một giếng nước ở xóm Nổi sông Hồng

Chông chênh giữa sông Hồng đã gần 30 năm, 28 hộ dân xóm Nổi (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) luôn mong ước có nguồn nước sạch để sử dụng, cải thiện cuộc sống giữa bộn bề khó khăn.

Những căn nhà ở xóm Nổi được làm tạm bợ dưới chân cầu Long Biên. (Ảnh: Huyền Trang/Vietnam+)

Những căn nhà ở xóm Nổi được làm tạm bợ dưới chân cầu Long Biên. (Ảnh: Huyền Trang/Vietnam+)

Chông chênh giữa sông Hồng đã gần 30 năm, 28 hộ dân xóm Nổi (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) luôn mong ước có nguồn nước sạch để sử dụng, cải thiện cuộc sống giữa bộn bề khó khăn.

Mái nhà của người lao động tứ xứ

Sông Hồng luôn vận hành theo dòng chảy tự nhiên của nó, còn số phận những mái nhà ở xóm Nổi thì lững lờ, chậm rãi. Người ta gọi là xóm Nổi (hay xóm Phao, xóm Chài...) vì những con người ở đây sống trên sông bằng những mái nhà tạm bợ và làm nghề lao động chân tay.

Họ làm đủ thứ việc từ bốc vác, buôn đồng nát đến giúp việc gia đình, buôn bán hoa quả, hàng nước... Họ từ các tỉnh thành khác nhau tụ họp về đây, cùng lập nên xóm nổi giữa sông Hồng.

Rất ít trẻ em xóm Nổi được phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông. Số còn lại sẽ đi làm giúp gia đình kiếm sống. (Ảnh: Huyền Trang/Vietnam+)

Cả xóm có 28 hộ dân với hơn 100 con người, sống trong những mái nhà lợp bằng tôn, vách gỗ hoặc được vá chằng chịt bằng bìa cứng, bao nilon cũ. Nền nhà được gắn thùng phuy rỗng, giúp cho nhà của họ luôn nổi trên mặt nước. Ở đây, các hộ dân chỉ làm nhà cao chừng 2m, rộng 4-5m2, đề phòng mùa mưa lũ, tránh cho nhà không bị ảnh hưởng bởi sức gió. Mọi sinh hoạt của người dân chỉ gói gọn trong những căn nhà nhỏ đó và phụ thuộc vào dòng nước sông Hồng.

Chị Đào Văn (37 tuổi, Hưng Yên) sống ở xóm Nổi cho biết: “Tôi làm nghề bốc vác thuê ở chợ Long Biên đã gần 4 năm. Số tiền kiếm được chẳng nhiều, nên tôi đành chọn lợp nhà trên sông, đỡ tốn một khoản thuê nhà. Số tiền tiết kiệm được, tôi gửi về quê nuôi các cháu ăn học.”

Khác với chị Đào Văn, bác Nguyễn Được - Trưởng xóm Nổi, đã sống trong những mái nhà nổi này 10 năm chia sẻ: “Các hộ dân ở đây đa phần đều không có sổ hộ khẩu, giấy kết hôn, vì thế chẳng thể làm giấy khai sinh cho trẻ em. Chúng tôi thiếu thốn đủ thứ nên cái đặc cách được làm hộ nghèo cũng không có.”

28 hộ dân xóm Nổi sử dụng chung một cái giếng khoan. Tuy mới đưa vào sử dụng nhưng giếng rất ít cho nguồn nước sạch. (Ảnh: Huyền Trang/Vietnam+)

“Nước ăn còn không có nữa là nước tắm”

Trước kia, người dân xóm Nổi sử dụng nước sông Hồng là nguồn sinh hoạt chủ yếu. Họ chỉ cần lấy trực tiếp nước từ dưới sông và rắc phèn chua khử mùi là có thể trở thành nước sinh hoạt.

Từ 2 năm trở lại đây, xóm Nổi được hỗ trợ tiền xây dựng giếng khoan. Nhưng số tiền hỗ trợ ít ỏi đó chỉ đủ khoan một cái giếng, không đủ sử dụng cho hơn 100 con người. Mùa lũ cũng như mùa cạn, giếng khoan đều không cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân.

Mỗi hộ gia đình (5-6 nhân khẩu) đều tích nước vào thùng phuy nhỏ để dành sử dụng trong ngày. Nguồn nước này chỉ sử dụng để nấu ăn và ưu tiên cho phụ nữ, trẻ em.

“Nước ở đây khan hiếm lắm, nên chúng tôi không dám lãng phí. Nước dùng để rửa rau củ, các vật dụng khác đều lấy nước sông Hồng cho tiện. Còn nấu ăn mới dám dùng nước giếng khoan,” bà Tân (sinh năm 1961, quê Hưng Yên) nói.

Trung bình cứ 2 hộ dân tại xóm Nổi sử dụng chung một thùng phuy nước sạch. (Ảnh: Huyền Trang/Vietnam+)

Trẻ em ở đây thường xuyên mắc các bệnh ngoài da, đường ruột do nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh. Chị Ánh (Hà Nội) có con 1 tuổi cho biết: “Cứ 2 hộ dân mới được sử dụng một thùng phuy nước. Nước nấu ăn cho người lớn còn chẳng đủ thì lấy đâu ra nước cho bọn trẻ tắm giặt, sinh hoạt. Vì thế cháu nhà tôi thường mắc các bệnh ngoài da, quấy khóc thường xuyên.”

Vấn đề nước sạch không chỉ là mối quan tâm duy nhất ở xóm Nổi hiện nay. Các vấn đề khác như: phổ cập giáo dục cho trẻ em, an toàn nhà ở khi mưa lũ, việc làm... cũng đang là những câu hỏi chưa có lời đáp ở xóm nghèo này./.

Huyền Trang (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chuyen-28-ho-dan-dung-chung-mot-gieng-nuoc-o-xom-noi-song-hong/434903.vnp