Chuyển bến, tuyến tại bến xe Mỹ Đình: Khó cho doanh nghiệp, khổ cho người dân?

Văn bản “điều chuyển bến, tuyến” tại bến xe Mỹ Đình mà Sở GTVT Hà Nội phát đi được cho là “đột ngột” khiến các doanh nghiệp vận tải và người dân khó khăn trong việc“loay hoay tìm đường đi”.

Sáng 30/12 tại bến xe Mỹ Đình có hàng trăm xe khách của nhiều doanh nghiệp vận tải ở các tỉnh như Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… kiên quyết không chở khách nhằm lý do phản đối việc điều chuyển bến, tuyến từ bến Mỹ Đình về các bến khách trên địa bàn TP.Hà Nội. Nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng việc điều chuyển như vậy là chưa hợp lý, có thể đẩy một số doanh nghiệp đi đến bờ vực bị phá sản.

Năm 2008, để giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1A, Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa, Sở GTVT Hà Nội đã động viên, khuyến khích một số doanh nghiệp vận tải ở Thanh Hóa, Nghệ An khai thác tuyến Thanh Hóa – Hà Nội đang hoạt động theo Quốc lộ 1A để lên đường mòn Hồ Chí Minh xây dựng tuyến mới, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đi các tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Nội.

Nhiều doanh nghiệp khi đó còn khó khăn nhưng ủng hộ chủ trương của Cục đường bộ, sở GTVT tỉnh nhà và Sở GTVT Hà Nội, một số doanh nghiệp vận tải đã mạnh dạn đầu tư khai thông tuyến mới và đến nay đã dần hoạt động ổn định, doanh nghiệp không phải bù lỗ.

Tuy nhiên, mới đây ngày 22/12/2016, đồng loạt nhiều doanh nghiệp vận tải ở Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định… nhận được Thông báo số 635/TB – SGTVT và Phương án số 1246/BC – SGTVT của Sở GTVT Hà Nội về việc sắp xếp điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô trên địa bàn TP Hà Nội nhằm mục đích giảm tải ùn tắc giao thông .

Người dân và nhiều doanh nghiệp vận tải không đồng tình với việc chuyển bến, tuyến

Ông Trần Đình Quảng, chủ công ty vận tải Hà Sơn Hải tại Thanh Hóa cho biết: Doanh nghiệp vận tải của chúng tôi không nhận được văn bản nào của Sở GTVT về việc điều chuyển bến, tuyến. Chúng tôi xem qua mạng mới biết được Sở GTVT Hà Nội vừa ban hành văn bản số 635/TB – SGTVT và Phương án số 1246/BC – SGTVT”

Ông Quảng không đồng tình với việc Sở GTVT Hà Nội ra thông báo kiểu “ép buộc” chuyển bến, tuyến không hợp lý gây khó khăn cho doanh nghiệp này. “Vận tải hành khách phải xuất phát từ nhu cầu đi lại của dân, ở đâu có dân thì ở đó ngành vận tải hành khách mới tồn tại được. Doanh nghiệp chúng tôi nằm trong diện buộc phải chuyển đến bến xe Nước Ngầm, bến này là bến tạm thời, không đủ tiêu chuẩn, ít người dân đi lại. Gây khó khăn tổn thất kinh tế cho người dân, cho doanh nghiệp” – ông Quảng nói.

Ông Quảng phân tích thêm: Người dân ở bến xe Mỹ Đình muốn đi về các tỉnh phía Nam thì họ phải đi thêm các chặng xe buýt, xe ôm, xe taxi , điều này đồng nghĩa với việc tốn thêm kinh phí đi lại. Hoặc ngược lại, nếu người dân muốn đi từ bến Nước Ngầm, Giáp Bát.. về các tỉnh phía Bắc thì cũng chịu tình cảnh tương tự. Riêng một số tuyến vận tải tỉnh Thanh Hóa hoạt động tại bến Mỹ Đình hiện nay có 64 tuyến vận tải, trung bình mỗi ngày vận tải 5120 hành khách. Lấy số hành khách này nhân với số tiền phát sinh đi xe ôm, taxi để đến được điểm cần đến bắt xe khách về quê ước tính khoảng 260 triệu đồng/ngày. Như vậy, người dân lại tốn kém thêm về kinh tế. Mỗi dịp lễ tết, về quê mỗi người dân phải “cõng” thêm tiền và thêm xe để di chuyển từ bến này qua bến khách, vô tình lại tăng thêm áp lực cho giao thông nội đô Hà Nội.

Cũng theo ông Quảng, năm 2004, khi doanh nghiệp vận tải hành khách của công ty Hà Sơn Hải do ông làm chủ đang hoạt động tại bến xe Giáp Bát đang hoạt động ổn định. Đúng lúc này bến xe Mỹ Đình được xây dựng chưa có nhiều doanh nghiệp vận tải hoạt động, doanh nghiệp vận tải ông Quảng cùng nhiều doanh nghiệp khác được Sở GTVT Thanh Hóa, Sở GTVT Hà Nội vận động, khuyến khích chuyển về bến Mỹ Đình để kinh doanh và bước đầu gặp nhiều khó khăn. Đến nay, nhiều doanh nghiệp hoạt động có thương hiệu, tên tuổi thì bỗng dưng bị điều chuyển khiến doanh nghiệp lao đao. Nhiều doanh nghiệp đang vay tiền ngân hàng để mua sắm thêm phương tiện.

Trao đổi với một giám đốc doanh nghiệp vận tải ở tỉnh Thanh Hóa có xe hoạt động lâu nay tại bến Mỹ Đình, vị này cho biết: “Chúng tôi ủng hộ chủ trương của TP Hà Nội cũng như Sở GTVT Hà Nội trong việc triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông nội đô. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, phương án điều chuyển bến, tuyến quá “đột ngột” khiến những doanh nghiệp như chúng tôi chưa kịp vạch ra kế hoạch cho doanh nghiệp hoạt động. Do đó, việc ra văn bản điều chuyển bến, tuyến là Sở GTVT Hà Nội đang làm khó các doanh nghiệp vận tải”.

Theo lý giải của vị giám đốc này, tuyến cố định từ Thanh Hóa đi bến xe Mỹ Đình và ngược lại, lộ trình theo đường mòn Hồ Chí Minh, cụ thể: Thanh Hóa – đường mòn Hồ Chí Minh – Xuân Mai – Quốc lộ 21 – Đại lộ Thăng Long – Vành đai 3 trên cao – Mỹ Đình. Lộ trình này không xuyên tâm, đều là các tuyến đường rộng lớn, thông thoáng, gần như không tác động nhiều đến giao thông nội đô Hà Nội. Đây là điểm khác biệt quan trọng nhất giữa chúng tôi và các doanh nghiệp vận tải khác có lộ trình xuyên tâm.

Các nhà xe đã phản đổi kịch liệt

Thực tế mà nói, để giảm thiểu ùn tắc giao thông nội đô, việc điều chuyển bến, tuyến cho các doanh nghiệp vận tải là điều cần thiết. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế một số hãng vận tải chạy xuyên tâm (chạy xuyên trung tâm thành phố) thì không bị điều chuyển.

Cụ thể, một số doanh nghiệp khác có xe chạy từ các huyện của tỉnh Nghệ An và huyện Lạc Thủy, Lạc Sơn, Yên Thủy của tỉnh Hòa Bình cũng đi theo đường Hồ Chính Minh tới Bến xe Mỹ Đình với lộ trình giống một số doanh nghiệp vận tải ở tỉnh Thanh Hóa nhưng lại không bị điều chuyển về Bến xe Yên Nghĩa.

Đáng chú ý, có doanh nghiệp có xe chạy từ huyện Lạc Thủy, Lạc Sơn, Yên Thủy của tỉnh Hòa Bình (đường mòn Hồ Chí Minh – Xuân Mai – Quốc lộ 6 – Bến xe Yên Nghĩa – Lê Trọng Tấn – Đại lộ Thăng Long – Vành đai 3 tới Bến xe Mỹ Đình) còn chạy xuyên tâm, thường xuyên gây ách tắc giao thông trên Quốc lộ 6 vào giờ cao điểm mà không bị điều chuyển.

Hay như nhà xe Anh Huy Hải Phòng không bị điều chuyển từ Bến xe Yên Nghĩa về Bến xe Gia Lâm, thường xuyên dừng, đỗ, đón trả khách trái quy định tại nút giao thông Khuất Duy Tiến – Big C đã hình thành bến cóc và thường xuyên gây ách tắc giao thông tại khu vực này.

Hà Long

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/chuyen-ben-o-bx-my-dinh-kho-cho-doanh-nghiep-kho-cho-nguoi-dan-d105795.html