Chuyển biến trong bảo đảm an toàn thực phẩm

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) bắt đầu từ ngày 15-4 đến ngày 15-5 với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu” đã kết thúc. Theo đánh giá của Cục ATTP (Bộ Y tế), Hà Nội là một trong những đơn vị thực hiện rất tốt các nội dung của Tháng hành động vì ATTP.

Có được kết quả nêu trên là nhờ sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của hệ thống chính quyền từ thành phố đến cơ sở. UBND các quận, huyện, thị xã và 584 phường, xã đã triển khai nghiêm túc các nội dung của Tháng hành động đúng với chủ đề. Đồng thời, huy động các ngành, đoàn thể tích cực tham gia, điển hình như các quận Cầu Giấy, Đống Đa, huyện Thanh Trì... Công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm được tiến hành đồng loạt từ thành phố đến xã, phường. Toàn thành phố có 657 đoàn thanh tra, kiểm tra. Kết quả, có 23.323 cơ sở được kiểm tra, trong đó, có 18.416 cơ sở đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 82,4%. Tổng số cơ sở vi phạm là 3.587 cơ sở, trong đó có 1.236 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính, bị phạt hơn 5,3 tỷ đồng; tiêu hủy hơn 3.000 lít rượu không rõ nguồn gốc; 34 cơ sở buộc phải đóng cửa. Trong Tháng hành động vì ATTP, tại Hà Nội không xảy ra sự cố ngộ độc thực phẩm nào.

Mặc dù đã có chuyển biến, nhưng trên thực tế, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn thành phố còn nhiều hạn chế, đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân. Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ quả, kinh doanh tại các chợ, các điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt, việc xử lý vi phạm ở cấp xã chưa mạnh mẽ, chủ yếu mới dừng ở việc nhắc nhở. Cán bộ chuyên trách ATTP còn thiếu ở tất cả các tuyến, trong khi số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động.

Để khắc phục tình trạng này, tại hội nghị đánh giá công tác Tháng hành động vì ATTP năm 2017, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị thời gian tới, các quận, huyện, thị xã tiếp tục duy trì công tác kiểm tra ATTP, triển khai các biện pháp quản lý chặt các cơ sở sản xuất rượu thủ công, rượu pha chế. Đẩy nhanh tiến độ rà soát, hướng dẫn tổ chức cấp giấy phép cho các cơ sở sản xuất rượu thủ công, quy định việc bán rượu tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Giám sát chặt chẽ và giảm đến mức thấp nhất số vụ ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn nói chung và rượu nói riêng. Ngoài ra, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm và chú trọng vấn đề ATTP trong mùa hè. Lãnh đạo thành phố yêu cầu người đứng đầu địa phương, từ xã, phường, thị trấn đến quận, huyện phải vào cuộc quyết liệt hơn.

Hy vọng rằng, những dư âm từ kết quả Tháng hành động vì ATTP sẽ tiếp tục được phát huy, tạo những chuyển biến rõ nét, bền vững hơn trong lĩnh vực nhạy cảm này.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/32972302-chuyen-bien-trong-bao-dam-an-toan-thuc-pham.html