Chuyện chưa biết về chiến sỹ cảm tử quân năm xưa

(VOV) - Hai lần truy điệu sống, 13 năm làm “bà đỡ” cho 400 em bé, có hàng trăm bài thơ đã in ở nhiều báo, tạp chí… Đó là những chuyện chưa mấy ai biết về cựu chiến binh Lại Đăng Thiện!

Ký ức không quên Từ cột mốc số 0 (km 0) Lạt (Tân Kỳ - Nghệ An), dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh chừng 19 km về hướng bắc chúng tôi tìm đến nhà ông Lại Đăng Thiện ở xóm 6, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, Nghệ An cũng khá dễ. Dễ không phải ông làm chức cao vọng trọng hay nhà cao cửa rộng gì, mà vì quá khứ nổi tiếng của ông trong thời gian là bộ đội Trường Sơn năm xưa. “Có phải các chú hỏi nhà ông Thiện từng truy điệu sống hai lần đó hả?”. Một người dân trả lời khi chúng tôi hỏi đường. Gặp Lại Đăng Thiện tại ngôi nhà nhỏ khang trang, ban đầu ông đã một mực bảo rằng không kể về quá khứ vì đó là chiến công của tất cả đồng đội, của cả mọi người, chứ không riêng gì của ông. Nhưng rồi, người thương binh đó đã dốc bầu tâm sự về cuộc đời mình cho chúng tôi. Như bao chàng trai khác ở mảnh đất nổi tiếng với truyền thống yêu nước, khi đất nước kêu gọi ông đã bỏ lại ruộng vườn, cha mẹ, anh em… tham gia chiến trường. Lại Đăng Thiện nhập ngũ tháng 3/1965 khi vừa tròn 18 tuổi, được phân vào Tiểu đoàn 27 – Công binh Quân khu 4. Cũng chính từ đó đời quân ngũ của ông gắn liền với những con phà và những tọa độ bom lửa. Trong chiến tranh việc gì cũng vất vả nhưng thử hỏi còn việc gì vất vả nguy hiểm hơn việc lái ca nô đưa phà qua song? Thế mà trong 8 năm (1965- 1973), khi giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, Lại Đăng Thiện đã hàng trăm lần lái ca nô kéo phà, lái ca nô kích bom từ trường Mỹ; tham gia rà phá bom từ trường trên các bến phà cho xe chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tướng Đồng Sỹ Nguyên đi thị sát chiến trường miền Trung; và cũng đã tham gia vào rà phá bom từ trường cho xe chở Thủ Tướng Phạm Văn Đồng vào thăm Vĩnh Linh dịp Tết 1972. Với ông, trong cuộc đời chiến đấu, những năm lái ca- nô dưới làn mưa bom bão đạn của Mỹ, ký ức khó quên nhất, xúc động nhất là hai lần được Tiểu đoàn 27 tổ chức lễ truy điệu sống. Ngồi tại căn nhà khang trang mà vợ chồng ông đã chắt chiu xây dựng, nhấp một ngụm nước chè, ông kể trong xúc động:Lần thứ nhất, vào tháng 11/1967, tại bến phà Long Đại (Hiền Ninh - Quảng Bình), đã hơn 3 ngày đêm, phà Long Đại bị bom từ trường Mỹ thả xuống đây dày đặc, xe pháo của ta ứ lại ở phái bờ Bắc không thể tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Không còn cách nào khác lãnh đạo quân khu ra chỉ thị cho Tiểu đoàn 27 (D27) bằng mọi cách phải nổi bến, thông phà. Tiểu đoàn trưởng quyết định dùng ca – nô kích bom từ trường nổ. Với cách này đòi hỏi các chiến sỹ lái ca – nô nhanh – khéo mẹo và quan trọng hơn là tinh thần cảm tử. Thế là tổ lái ca nô gồm: Lại Đăng Thiện, Hà Huy Ty, Nguyễn Văn Thương, Đậu Anh Côi - khi đó tuổi đời mới ở độ 20 - đã được đơn vị làm lễ truy điệu sống. Lời điếu văn của đồng chí tiểu đoàn trưởng vừa dứt lời thì 4 cánh tay giơ lên cùng lời thề hô vang “Quyết tử cho Tổ quốc”. Giọng hô vang dội thế, những con người đó thừa biết rằng chỉ vài phút nữa sự sống sót chỉ còn trong gang tấc, mình có thể bị nổ tan xác, sự sống sót được đặt vào 0,01 % nữa mà thôi! Họ nhìn nhau nhìn đồng đội và nén nước mắt… Trong giây lát, tổ lái ca - nô rú máy tăng ga lao nhanh về phía bờ Nam… Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về trong niềm vui kèm nỗi xúc động của đồng đội. Lần thứ hai còn nguy hiểm, ác liệt hơn. Hôm đó là ngày 18/02/1968, tại phà Linh Cảm (Hà Tĩnh), tổ lái ca nô gồm: Lại Đăng Thiện, Đậu Anh Côi, Nguyễn Xuân Tình của C1 (đại đội 1) D27 được điều về Linh Cảm cùng với Vũ Ngọc Chương của C2 (đại đội 2) được lênh lái ca – nô thông phà. Phà Linh Cảm nằm giữa ngã 3 Ngàn sâu – Ngàn phố, con đường vào Nam hoặc sang Lào đều phải qua đây, đã hơn 2 ngày đêm bị bom từ trương Mỹ khống chế… Tổ cũng được phòng công binh quân khu 4 tổ chức lễ truy điệu sống, cũng có đầy đủ thủ tục đọc điếu văn, tuyên thệ… Đau đớn nhất là lần này đồng chí Vũ Ngọc Chương đã hi sinh dũng khi lái tàu qua 4 vòng. Còn đồng chí Đậu Anh Côi bị thương nặng. Nén đau thương vào lòng, Lại Đăng Thiện đã cùng với Nguyễn Xuân Tình đã lái ca –nô tới 19 vòng (trong khi quy định mỗi chiến sỹ chỉ được lái 3 vòng), làm nổ 12 quả bom từ trường…, góp công lớn vào việc để các phương tiện xe của ta vượt qua phà để vào Nam. Sau năm 1968, Lại Đăng Thiện đã được tặng thưởng “Huân chương chiến công hạng 3”, “Bằng khen dũng sỹ phá bom ưu tú, “Chiến sỹ thi đua”. Lúc đó cũng có nhiều bài báo viết về ông năm đó như: “Trọn thề với biển” (đăng 1/9/1968 trên Báo Quân đội Nhân dân); “Đánh phà qua biển” (đăng trên Báo Quân đội Nhân dân 5/12/1968). “Bà đỡ” cho 400 em bé Hoàn thành nhiệm vụ của đời lính, ông Thiện xuất ngũ tháng 10/1975 về quê chăm sóc bố mẹ già yếu. Thấm thía nỗi vất vả của bà con ở vùng quê nghèo khó mỗi khi ốm đau bệnh tật, sau hai năm làm kế toán ở xã, tháng 2/1978 ông quyết định đi học 2 năm ở trường Trung cấp y tế Nghệ Tĩnh, chuyên khoa sản. Học xong 2 năm, thấy điều kiện y tế xã nhà còn nhiều khó khăn thiếu thốn, năm 1980 ông xung phong về trạm y tế xã nhà làm công tác. “Thời đó khó khăn lắm, cơ sở vật chất thiếu thốn phải tiếp khách tại nhà riêng. Đối với khoa sản lúc bấy giờ chưa có máy móc, thiết bị phục vụ khám chữa bệnh nên việc chuẩn đoán ngôi, thế của trẻ trong bụng mẹ là cực kỳ phức tạp”, ông Thiện tâm sự. Khó khăn là vậy nhưng với chữ tâm của người thầy thuốc ông luôn hoàn thành trách nhiệm và chưa để xảy ra một sai sót nào trong mấy chục năm công tác. Trong thời gian 13 năm làm nghề ông đã là “bà đỡ” cho hơn 400 em bé của huyện Tân Kỳ. Giờ đây nhiều người trong số đó đã thành đạt là tiến sĩ, giám đốc, cán bộ … Ở khắp mọi miền tổ quốc, hàng năm họ vẫn về thăm ông như thăm một người thân thiết ruột thịt. Với ông, mỗi lần giúp đỡ một người mẹ vượt cạn thành công để đón một công dân tí hon chào đời là một niềm vui, niềm hạnh phúc không gì sánh bằng. Vẫn còn đó những tình yêu bình dị Nếu ai có dịp gặp Lại Đăng Thiện dù chỉ một lần, người đó nhận xét ngay một câu “đúng là nhà thơ”. Lần này với tôi là một minh chứng. Đang lúc tâm sự về những ký ức xúc động thời chiến tranh ông liền quay sang hỏi tôi: “Các chú đi về đây xong rồi có đi mô nữa không?” Tôi đáp: “Vâng, cháu còn ghé qua điểm Di tích lịch sử cột mốc số không (km0) nữa ạ!” Ông liền đọc mấy câu: “Cột mốc số không/ Trang nghiêm đón khách/ Lèn Rỏi vô tư / Ngóng bạn từng ngày…(Trích bài “ Cột mốc số không”, đăng trên Tạp chí Sông Lam năm 2009). Lại Đăng Thiện có năng khiếu văn chương và đặc biệt là tình yêu về thơ, dường như ông làm thơ không biết mệt mỏi: “Có những đêm trở trời động mưa động nắng vết thương lại nhức nhối thế là bác lại dậy bật đèn làm thơ”, ông kể. Thời đang là chiến sỹ lái ca – nô có lẽ là khoảng thời gian tâm hồn thơ của ông mạnh liệt nhất cứ hễ có thời gian rỗi là ông lại lấy sách bút ra cặm cụi viết, ghi chép. Trong khoảng thời gian đi lính (1965- 1975) ông đã viết tập “ Nhật ký thơ” với gần 100 bài, với nội dung ca ngợi Đảng, các đồng đội, và cả tình yêu thiên nhiên xen lẫn cả những bài thơ tình đã được đồng đội truyền tai nhau học thuộc: Mỹ oanh kích bến phà ác liệt/ Giữa thời khắc tôi nhận ra cái chết/ Khi Đảng cần không một phút nghĩ suy… Giữa tiền tuyến/ Có máu tim ta! (Trích: Nhật ký thơ Lại Đăng Thiện). Hay như bài “Góc ruộng đường cày”: Chiếc cày anh trao em / Mòn tay anh mưa nắng / …Xới lật cánh đồng hoang… (viết về phong trào ba đảm đang” tháng 10/1967). Không chỉ trong chiến tranh mà lúc trở về đời thường ông vẫn dành nhiều thời gian cho thơ văn. Những vất vả trong công việc, cuộc sống những nỗi niềm muốn chia sẻ với đồng đội đã hi sinh đã được ông làm thành những vần thơ: Núi giấu mình trong đá/ Triệu năm / Suối chảy nghiêng về biển/…Anh giấu anh nơi đâu..? Đơn côi/ Thao thức rừng chiều…(“Thao Thức” kính tặng hương hồn liệt sỹ Trường sơn. Đăng trên Tạp chí Sông Lam năm 2008). Hay cũng có lúc là những vần thơ nói về cuộc sống vất vả cực nhọc của người nông dân: Vôi tôi, vôi cục, vôi rời…/ Ai vôi?/ Tiếng rao bỏng rất tay người/ Bồi hồi rạo rực chào mời bán vôi. (“Tiếng Rao” Đăng trên tạp chí người làm báo Nghệ An năm 2009) Tiếng lành đồn xa, ngày 07/5/2009 Đài truyền hình Việt Nam có mời Lại Đăng Thiện ra trường quy giao lưu trong chuyên mục: “Thơ và nhân chứng đường Trường Sơn”. Lần đó tại trường quay Đài truyền hình ông đã đọc những bài thơ nói về những người binh: “Mảnh kim loại chìm vào máu thịt / Nhức nhối đau – Trái gió trở trời / Bốn mươi năm đã im trong tiếng bom rơi / Chiến tranh trong cơ thể còn chưa chấm dứt /…(“Vết thương thưở ấy - nỗi đau bây giờ”, đăng trên tạp chí Sông Hương 2007). Chúng tôi đến trong những ngày ông đang cặm cụi viết thơ để chuẩn bị cho cuộc dự thi thơ lục bát trên tạp chí Sông Hương tổ chức. Ông khoe đã có trong tay 8 bài thơ được chọn lọc kỹ để đem đi dự thi. Ông tâm sự: Viết đã nhiều, đăng cũng đã nhiều nơi, tổng cộng đã có hơn 300 bài thơ của ông đã được đăng ở nhiều nơi như: tạp chí Sông Hương, tạp chí Người Làm Báo Nghệ An, tạp chí Bà Rịa Vũng Tàu, các tờ báo quân đội nhân dân… Nhưng mong muốn và cũng là quyết tâm của ông là lần dự thi lần này sẽ đạt kết quả cao để có được kinh phí xuất bản tập thơ mang tên “ Nẻo Khuất”, với khoảng 100 bài./. Nguyễn Hải - Trần Huệ

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/chuyen-chua-biet-ve-chien-sy-cam-tu-quan-nam-xua/20104/141198.vov