Chuyện chưa biết về "dây đờn độc nhất" dành riêng cho NSƯT Mỹ Châu

Ít có cô đào nào của làng cải lương Việt Nam lại có vẻ ngoài và giọng ca mang chút gì đó u ẩn và huyền bí như NSƯT Mỹ Châu.

Ngay cả giọng ca của chị cũng trở thành độc nhất khi rơi đúng vào nốt Đô của tân nhạc, và vào chữ Oan của cổ nhạc. Giọng hát “lỡ ba lỡ tư” của Mỹ Châu đã có thời làm khó các thầy đờn, và rồi từ đó “dây Mỹ Châu” nức tiếng đã ra đời…

Thành danh nhờ mẹ

Mỹ Châu sinh năm 1950, trong một gia đình nghèo ở Thủ Thừa, Long An. Cha Mỹ Châu mất sớm, một mình mẹ chị còng lưng nặng gánh nuôi con. Bởi vậy, Mỹ Châu không bao giờ làm điều gì khiến mẹ phải phật ý. Ngay cả việc Mỹ Châu trở thành đào hát, cũng là ý thích của mẹ.

NSƯT Mỹ Châu cùng chồng là nghệ sĩ Đức Minh.

Mỹ Châu còn nhớ, mẹ chị mê cải lương vô cùng. Có khi đang bán hàng, nghe đoàn hát ở đâu về là bà cũng tất tả quang gánh chạy theo coi. Bởi thế, trong những trưa gió đồng về mát rượi, mẹ chị ngồi gội tóc bên nhà, thả lời ca ướt rượt, mênh mang trên ruộng lúa bao la. Vì thế, Mỹ Châu mới 8 tuổi đầu đã được mẹ cho đi học ca vọng cổ. Mẹ gửi chị cho nhạc sĩ Bảy Vân, hiện là lão nghệ nhân đờn tài tử ở TP.Tân An, Long An. Học với thầy Bảy Vân được mấy năm, Mỹ Châu đã vững vàng gần hết 20 bài cổ nhạc tài tử và nhiều thể điệu cải lương.

Mỹ Châu kể lại: “Đó là một ngày rất lạ lùng, năm ấy tôi vừa tròn 11 tuổi. Khi đang ngồi trong lớp học thì má từ ngoài cửa bước vào thưa cùng cô giáo: “Thưa cô, tôi xin cho cháu Châu nghỉ học để theo đoàn hát”. Cả lớp ngỡ ngàng, tôi cũng ngỡ ngàng. Vì từ khi rất nhỏ tôi đã ước ao được ăn học thành tài để trở thành bác sĩ”. Nhưng Mỹ Châu vẫn nghe lời mẹ nghỉ học, bởi hơn ai hết chị không muốn mẹ phải buồn, phải khổ vì có đứa con cãi lời.

Chị vẫn nhớ như in cái cảm giác lủi thủi cất sách vở vào cặp rồi bước ra khỏi lớp học. Lúc đó, trong ý nghĩ non nớt của chị chỉ là nỗi xót xa, luyến tiếc vì sẽ chẳng bao giờ được gặp lại thầy cô, bạn bè, được nắn nót những con chữ thân thương nữa. Mỹ Châu khóc, mà không cho mẹ hay, vì chị biết rằng, mẹ vạn bất đắc dĩ mới làm như thế. Nhà Mỹ Châu, cơm còn chưa đủ no, gạo mỗi ngày phải vét đáy khạp thì làm sao đủ tiền để cho chị ăn học tới nơi tới chốn. Nhưng mẹ chị đã không lầm, nhờ sự kiên quyết ấy mà làng cải lương Việt Nam đã có một cô đào thương với “dây Mỹ Châu” thuộc hàng độc nhất.

Mỹ Châu vẫn không thể nào quên cái ngày của năm 1961, quê chị mịt mù gió dữ, mẹ một tay xách giỏ, một tay dắt Mỹ Châu liêu xiêu bước khỏi mái lá xác xơ, run rẩy. Mẹ và Mỹ Châu cùng theo gánh Tiếng Chuông của ông bầu Ba Can. Những năm đầu, cơ cực không tài nào tả xiết. Đến tận bây giờ, Mỹ Châu vẫn còn nhớ cái năm chị 13 tuổi, đã được đứng hát ở rạp Hưng Đạo, nhưng tiền vẫn không đủ để hai mẹ con no bữa. Lúc ấy, có một xe mì gõ đẩy ngang, mẹ sợ Mỹ Châu mất sức, nhưng lại không có tiền nên chỉ kêu đúng một tô. Mỹ Châu biết mẹ cũng đói lòng, nên nằng nặc đòi mỗi người chia một nửa. Mẹ cương quyết không chịu, Mỹ Châu nước mắt lưng tròng, từng giọt nóng hổi tròn lăn trên làn da còn non nhuốt lông măng.

Mỹ Châu kể, mẹ chính là chỗ dựa lớn nhất và duy nhất trong lòng chị. Khi Mỹ Châu nổi danh, có sự nghiệp, có tất cả thì mẹ chị vẫn vậy, không dám xài phung phí một đồng nào. Mỹ Châu bồi hồi tâm sự: “Tôi đi hát, có chút đỉnh tiền đưa má, má cất kỹ, không xài một đồng, bảo để dành sau này cho con đi lấy chồng. Tôi may đồ cho má, má không chịu mặc, còn rầy tôi sao lo cho má làm chi. Má lo cho tôi từ miếng ăn đến giấc ngủ. Mỗi suất diễn của tôi đều có má đi theo, má tự tay làm đầu, kết trâm cài, thay phục trang cho tôi”.

Cứ như thế, bên cạnh Mỹ Châu luôn có người mẹ thầm lặng dõi theo con, khóc cười cùng các vai diễn của con. Mỹ Châu có lần đã chia sẻ, sự nghiệp của chị chính là nhờ mẹ mà đạt thành, chứ nếu ngày ấy, Mỹ Châu không nghe lời mẹ và mẹ không cương quyết theo tới cùng thì đến giờ Mỹ Châu cũng không biết mình sẽ đi về đâu.

Nhưng ai rồi cũng phải về với đất, như chiếc lá vàng phải rơi về cội. Năm 1990, mẹ Mỹ Châu đột ngột mất, để lại trong lòng chị một khoảng trống rất lớn mà cho đến tận bây giờ, nỗi đau ấy vẫn chưa hề nguôi ngoai. Mỹ Châu nghẹn ngào trong nước mắt: “Tôi còn nhớ như in ngày cuối cùng má mất. Đêm ấy tôi đi quay vở Giai nhân và loạn tướng, má đi theo và còn khen nức nở. Sáng hôm sau má thức dậy tập thể dục, làm đồ ăn sáng xong thì đột nhiên ngã quỵ, căn bệnh tim tái phát và má đã vĩnh viễn ra đi. Tôi không thể tưởng tượng nổi mình lúc đó như thế nào nữa. Cứ như người mất hồn, cứ như tôi đang thương lượng với sự tuyệt vọng. Mà má thì thật sự đi rồi… Phải mất một thời gian rất lâu sau đó tôi mới lấy lại được sự thăng bằng trong cuộc sống”.

“Dây Mỹ Châu”

Đã kinh qua bao nhiêu gian khó, cơ cực không gì tả xiết, nhưng khi hỏi, Mỹ Châu luôn bảo rằng chị vô cùng may mắn khi được “tổ đãi, người thương”. Thật vậy, từ lúc bàn chân non nớt của cô bé 11 tuổi bước vào làng sân khấu cho đến lúc sang Mỹ định cư, giọng ca Mỹ Châu vẫn chưa bao giờ phai mờ trong lòng người mộ điệu. Vừa đến gánh Tiếng Chuông, vai đào con trong vở Giai nhân bên suối mộng đã khiến người ta nhớ mãi cái giọng ca lanh lảnh, trong vắt của cô bé Mỹ Châu.

NSƯT Mỹ Châu.

Năm 15 tuổi, Mỹ Châu về gánh Út Bạch Lan - Thành Được. Lúc này chị đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, giọng ca đã đủ chuẩn để trở thành đào chánh. Giọng ca Mỹ Châu “làm mưa làm gió” trong làng cải lương thời bấy giờ. Chị cùng “ông hoàng đĩa nhựa” Tấn Tài đã làm nên những tuyệt phẩm không bao giờ phai dấu với thời gian. Và sau đó, chị về hát chung với “hoàng tử sân khấu” Minh Phụng, đã trở thành giọng ca khiến biết bao nhiêu người mê đắm. Mỹ Châu đã đoạt HCV giải Thanh Tâm khi chỉ mới 16 tuổi.

Có thể nói, NSƯT Mỹ Châu đã được tạo hóa ban tặng cho nhiều ưu thế để trở thành đào chánh. Trước tiên là vóc dáng quý phái, sang trọng, phảng phất chút u buồn, huyền bí mà không hề quá bi lụy. Mỹ Châu có năng khiếu từ nhỏ, lại được thầy Bảy Vân đào tạo vững chãi về bài bản. Đặc biệt, đôi mắt buồn và chất giọng đầy u uẩn, mượt mà nhưng có gì đó trúc trắc của Mỹ Châu khiến chị nhập vai nào là khán giả đồng cảm ngay số phận bi thương của vai ấy. Vì lẽ đó, Mỹ Châu đã chinh phục được hàng triệu người mến mộ cải lương qua biết bao nhiêu thập kỷ.

Đặc biệt, không thể không nói đến chất giọng cực lạ của Mỹ Châu và cả kỹ thuật ca ngâm lạ so với nhiều nghệ sĩ tài danh khác. Thông thường người có làn hơi mạnh, khỏe khoắn để hỗ trợ âm giọng tròn, tạo thẩm âm cao khi phát âm. NSƯT Mỹ Châu thì ngược lại, giọng chị tròn, rõ, thẩm âm cao nhưng làn hơi của chị thì không quá mạnh chỉ trung bình, nên ít khi chị ca chồng hoặc ca cấn như nhiều nghệ sĩ khác. Bên cạnh đó, giọng của Mỹ Châu nằm ở cao độ “lỡ ba lỡ tư”, nghĩa là cao độ không lên tới “dây hò tư” còn gọi là “dây chánh đào”.

Điều này, khiến các thầy đờn cảm thấy khó khăn khi hòa âm cùng giọng của Mỹ Châu, bởi thời ấy guitar chưa hiện đại, tính năng không rộng như bây giờ. Để chơi guitar ở “dây hò tư”, các nhạc công chỉ cần thêm một cây chặn là được, nhưng giọng của Mỹ Châu “lỡ ba, lỡ tư”, thật chẳng biết đờn thế nào cho phải. Và nhạc sĩ Hoàng Thành đã nghiền ngẫm và chế ra “dây Mỹ Châu” ở giọng hò tư nhưng lại nằm ở tông Đô.

Việc hạ dây xuống thấp đã giúp cho tiếng đờn của Hoàng Thành và giọng ca của NSƯT Mỹ Châu trở nên mùi mẫn, đồng điệu đến bất ngờ. “Dây Mỹ Châu” lúc ấy khi ngân lên đã khiến nhiều người mộ điệu phải thảng thốt vì độ truyền cảm và lay động lòng người của nó. Đến mức, những giọng ca chuẩn ở “dây hò tư” cũng phải học theo “dây Mỹ Châu” để làm hài lòng người hâm mộ.

NSƯT Mỹ Châu từ lâu đã định cư ở nước ngoài cùng chồng là nghệ sĩ Đức Minh. Những năm qua, thỉnh thoảng chị vẫn về nước tham gia nhiều chương trình từ thiện, xã hội, đặc biệt là những chương trình do quê hương Long An của chị tổ chức. Ở cái tuổi “cuối mùa nhan sắc”, Mỹ Châu vẫn đủ sức chinh phục khán giả bởi vẻ quý phái pha lẫn chút huyền bí, kiêu sa trong ánh mắt nụ cười. Và “dây Mỹ Châu” độc nhất khi vang lên vẫn khiến bao nhiêu con tim rụng rời tan chảy.

Hồng Ân (Dòng Đời)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/chuyen-chua-biet-ve-day-don-doc-nhat-danh-rieng-cho-nsut-my-chau/20131025043853353p1c30.htm