Chuyện chưa kể về Rộc Mạ - hang cách mạng bí mật

Nằm khuất sau những lùm cây rậm rạp, hang Rộc Mạ thoạt trông như một phế tích, nhưng ít ai biết đây từng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của vùng biên ải Lạng Sơn, trong những năm kháng chiến chống quân xâm lược.

Hang Rộc Mạ thuộc thôn Bản Dạ, xã Xuân Mai (Văn Quan, Lạng Sơn) được công nhận là di tích lịch sử khảo cổ cấp tỉnh vào năm 2002. Chỉ cách trục đường chính chưa đầy 200 mét, ít nhiều có bàn tay tôn tạo của con người, nhưng không gian trong và ngoài hang vẫn toát lên vẻ hoang sơ đến kỳ lạ.

Cửa hang nằm ngay mặt đất, được nhân dân dựng một bức tường bằng đá trát xi măng, có hai cổng đi vào, nhưng nay một cổng đã bị lấp. Vòm mái rộng, ánh sáng lọt vào có thể nhìn thấy gần như toàn bộ lòng hang. Cũng như nhiều hang động khác, hang Rộc Mạ được tô điểm bởi những khối thạch nhũ xếp thành tầng, nước đá vôi vẫn nhỏ xuống quanh năm, tạo nên những vệt óng ánh trên mặt đá.

Bức tường đá được trát bằng tay

Những giai thoại cổ xưa

Nhiều người già trong thôn kể lại rằng, hang Rộc Mạ xưa là chốn đi về của muông thú, con người ít khi qua lại. Vào một ngày đầu xuân, dân làng trông thấy cò gắp cỏ tranh từ đâu bay về, tựa vào một tảng đá lớn trong hang, bèn lập thành nơi thờ thần thánh, ngày rằm và ngày ba mươi mỗi tháng vẫn đều đặn đến thắp hương. Từ đó làng xóm bỗng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống người dân ấm no hơn trước.

Sau này do đi lại không thuận tiện, người dân đã rước thần trong hang về một nơi thờ mới. Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, dân làng lại tổ chức lễ hội Lồng tồng (hội xuân truyền thống của đồng bào dân tộc Tày - Nùng), vẫn giữ nghi thức rước thần từ trong hang ra nơi thờ mới, rồi đến nơi tổ chức hội. Như vậy, hang Rộc Mạ vẫn được coi là cội nguồn linh thiêng.

Căn cứ cách mạng an toàn tuyệt đối

Địa thế đặc biệt đã giúp hang Rộc Mạ trở thành căn cứ cách mạng “bất khả xâm phạm”, chưa từng dính vết đạn bom trong suốt mấy chục năm kháng chiến. Hầu hết các hang đá tại Lạng Sơn ở trên núi cao, trong khi hang Rộc Mạ lại nằm ngay trên mặt đất, cửa hang tuy rộng nhưng đã được ngụy trang bởi rừng cây um tùm, rậm rạp, từ ngoài nhìn vào rất khó phát hiện.

Cây cối um tùm che lấp cửa hang

Cụ Hà Gia (79 tuổi, trú tại Bản Dạ, Xuân Mai) là người đã có gần 40 năm sống trong chiến tranh, bồi hồi kể lại những ngày theo dân làng vào hang trốn giặc: “Pháp bắn phá, cả làng cùng chạy vào hang. Cuộc sống trong hang rất tạm bợ, mới đầu phải dùng đèn dầu để soi sáng, sau này mới kéo điện từ đập Bản Quyền”.

Cũng theo cụ kể, sau Cách mạng Tháng Tám, cả nước bước vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, dân làng tự nguyện di chuyển qua các vùng lân cận, nhường chỗ cho nhiều đoàn cán bộ, đơn vị bộ đội đến trú quân, huấn luyện. Trong hai năm 1946 và 1947, các lớp huấn luyện liên tục được mở tại hang, tiêu biểu là lớp huấn luyện của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn và Trung đoàn 11, bộ đội Cao - Bắc - Lạng. Sau khi các đơn vị này rời đi, hang được tỉnh chọn làm hậu cứ, tổ chức nhiều hội nghị quan trọng về kháng chiến và kiến quốc. Đây cũng là nơi diễn ra 2 lần Đại hội Đảng của Đảng bộ huyện Văn Quan trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Nơi làm việc bên trong hang, tuy có nhiều ánh sáng lọt vào, nhưng vẫn tối tăm, ẩm thấp

Năm 1952, hang Rộc Mạ trở thành trường cấp 2 đầu tiên của huyện Điềm He (Văn Quan ngày nay), đảm bảo an toàn về phòng không.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới, hang Rộc Mạ là nơi sơ tán, trú ngụ của Huyện ủy và Huyện đội Văn Quan, tổ chức Đại hội Đảng và tuyển tân binh, đảm bảo an toàn, bí mật tuyệt đối.

“Phế tích” trong thời bình

Hang Rộc Mạ từng được chọn để xây thành kho quân sự, nhưng đã bị bỏ dở. Vẻ hoang sơ cùng những câu chuyện ma quỷ được thêu dệt về hang khiến không nhiều người dám đặt chân đến nơi này. Hầu hết những người đến đều để lại rác thải và vết nứt vỡ trên các khối thạch nhũ, thậm chí phần tường bao bên ngoài cũng bị người dân phá hỏng.

Cửa vào hang bị đập phá, chỉ còn trơ lại bản lề

Thiết nghĩ, các cấp chính quyền cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp tôn tạo để trả lại những giá trị văn hóa - lịch sử cho một di tích từng đóng vai trò to lớn trong nhiều cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Kiều My (Lớp Báo in K33 A1)

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/chuyen-chua-ke-ve-roc-ma-hang-cach-mang-bi-mat.html