Chuyện cổ tích mới của hai “chú lùn”

Đương nhiên, họ không phải là 2 trong số 7 chú lùn đi ra từ truyện cổ tích nàng Bạch Tuyết. Một người suốt 20 năm mò mẫm nhặt rác nuôi cha, một người thì cần mẫn "cõng" tri thức đến cho cả một vùng quê. Hình dáng bên ngoài của họ có thể gọi là "tí hon" nhưng những gì họ làm lại có thể xem là kỳ tích.

"Chú lùn" nhặt rác nuôi cha Mất trọn cả một ngày ngồi chờ đợi, đến tận khi trời tối mịt chúng tôi mới gặp được hai cha con anh Phùng Gia Đinh (tên thường gọi là Cường). Trong chút ánh điện le lói từ nhà hàng xóm hắt sang, một ông lão lớn tuổi gầy gò đang còng lưng dắt chiếc xe đạp cà tàng, phía sau chở một đống các túi và bao tải rách. Như lọt thỏm giữa đám bao tải đó là một "cậu bé con" mặt mũi nhăn nheo, nhem nhuốc. Đỡ "cậu bé" xuống đất, ông lão nặng nhọc gỡ bao tải mang vào góc nhà để, tiếng vỏ lon bia và giấy vụn va vào nhau sột soạt. Vào buổi tối ngôi nhà của cha con anh Cường ở thôn 3, làng Lạc Ý, phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc càng trở nên buồn bã. Thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người phụ nữ đã lâu, căn nhà của cha con anh chỉ như một chỗ trọ qua đêm. Ngoài sân là đủ các loại bao tải, rác rưởi chất đống, trở thành chỗ cho mấy con gà hàng xóm ngày ngày sang đào bới kiếm ăn. Vừa mở cửa mời chúng tôi vào nhà, đưa tay với lên bật công tắc điện, ông lão mới như sực nhớ ra, phân bua: "Chết thật, cô chú thông cảm nhé, điện hỏng đã cả tuần nay. Khổ lắm, tôi thì già cả mắt kém, thằng Cường thì thấp quá, không làm gì được nên đành phải chịu cảnh tối tăm thế này". Nói rồi ông rút chiếc bật lửa trong túi, loay hoay đi tìm đèn dầu. Khi ánh sáng dần tỏa sáng căn nhà, ông mới thong thả mời chúng tôi ngồi và hai cha con bắt đầu kể về câu chuyện của mình. Anh Cường, sinh năm 1977, khi mới sinh anh được một năm thì mẹ mất, anh Cường không có ký ức về mẹ. Quá vất vả với cảnh gà trống nuôi con, hai năm sau cha anh là ông Phùng Gia Cúc đã tục huyền mong có thêm người lo cho gia đình. Người mà lo lắng và chăm sóc cho anh trong suốt bao nhiêu năm qua đến tận khi bà qua đời lại chính là mẹ kế. Người cha già chở chú lùn hiếu thảo đi nhặt rác về. Năm nay 33 tuổi, Cường chỉ cao có 95cm, vẻ bề ngoài kỳ dị, ăn nói chậm chạp. Khi mới sinh ra Cường, thấy con mình có hình hài kỳ quặc, cha mẹ anh đã từng có ý nghĩ đem con đi cho những cặp vợ chồng hiếm muộn nhưng nghĩ đi nghĩ lại: dù sao nó cũng là con mình nên để lại nuôi. "Thật không ngờ rằng đứa con năm xưa tôi đã định dứt ruột đem cho lại chính là đứa hiếu thảo nhất, đến giờ tôi cũng chỉ còn thằng lùn này để nương nhờ, dựa vào nó lúc tuổi già" - ông Cúc cười chua xót . Vào năm 1995, có một đoàn xiếc từ miền Nam ra biểu diễn, Cường trốn cha đi xem, ai ngờ ông chủ đoàn xiếc trông thấy, theo Cường về tận nhà, nằng nặc xin ông Cúc cho anh gia nhập đoàn xiếc của ông ta và hứa sẽ dạy cho Cường những chiêu kiếm tiền để Cường có được một cuộc sống đầy đủ hơn. Nghĩ tới cuộc sống của con sẽ được sung sướng, ông Cúc đã gật đầu đồng ý nhưng đến phút cuối cùng thì người từ chối lại chính là Cường. Nói đến đây ông Cúc quay sang nhìn con trìu mến: "Nó nhất định không đi mà nằng nặc đòi ở nhà cho bằng được. Nó lo tôi ở nhà một mình không có ai chăm sóc". Năm Cường 14 tuổi, người mẹ kế qua đời, gia cảnh suy sụp, ông Cúc ốm đau liên miên, cậu bé nhỏ thó lúc đó cao chưa đầy 50cm đã bắt đầu mò mẫm ra đường kiếm ăn. Lúc đầu anh cũng chịu khó tha thẩn khắp các hàng quán của thành phố Vĩnh Yên xin việc làm nhưng khi nhìn thấy tướng tá anh lùn tịt chẳng ai chịu nhận, một vài người ác ý lại còn trêu chọc anh. Chẳng còn gì có thể kiếm ra cơm nuôi cha, Cường tính đến nghề nhặt rác. Tính đến giờ, cũng đã được 20 năm. Hàng ngày, từ tờ mờ sáng, Cường đã dậy chuẩn bị đồ nghề lên phố kiếm ăn. Bất kể nắng mưa, trung bình một ngày anh phải đi bộ hơn 20 km, sục sạo mọi ngóc ngách của thành phố Vĩnh Yên. Chỉ đến chiều muộn anh mới lếch thếch tha những tùi đồ phế liệu nhặt nhạnh được trong một ngày ra cổng chợ Vĩnh Yên, chờ cha đến đón. Hai cha con một già cao, một trẻ lùn lại cùng nhau đạp xe trở về nhà. Tiền kiếm được từ việc nhặt rác của Cường cũng chẳng đáng là bao nhưng lại là nguồn thu nhập chính của hai cha con anh đã từ nhiều năm nay. Có ngày nhặt được nhiều lắm cũng chỉ được 20-30 ngàn, còn thường thì là 10 ngàn đồng. Những hôm trời mưa rét, chẳng nhặt được gì, phải về tay không thì ngày hôm đó hai cha con nhịn đói. Một kỷ lục mà bà con hàng xóm hay nói tới khi nhắc đến anh đó là kỷ lục nhịn ăn. Không biết có phải do thân hình bé nhỏ hay không nhưng Cường nhịn ăn rất giỏi: một ngày anh thường bỏ bữa trưa, chỉ ăn tối, mà bữa tối cũng chỉ ăn một bát cơm. Kể về kỷ lục này, anh nhắc tới một thói quen từ thuở nhỏ: "Ngày trước bố mẹ nghèo, mẹ thì đau ốm, suốt ngày ở trong bệnh viện, nhà có bao nhiêu tiền đều dồn vào thuốc thang cho mẹ cả. Em thường ăn ít để dành cho phần của bố mẹ, có lẽ lâu ngày thành quen!". Chăm chỉ, hiền lành nên Cường được bà con hàng xóm và nhiều người quý mến. Hàng ngày anh lân la đến các cửa hàng ở TP Vĩnh Yên kiếm những vỏ lon bia, giấy vụn ở những đống rác và đồ cũ mà người ta đã bỏ đi chứ không bao giờ táy máy vào đồ đạc của họ. Lấy xong anh lại thu dọn lại gọn gàng, ngăn nắp thậm chí còn giúp chủ hàng đổ rác vào thùng. Đặc biệt, Cường không bao giờ đi xin xỏ người khác, thỉnh thoảng có người thấy thương và quý tính thật thà của anh nên hay gọi vào cho, khi thì ít vỏ lon cũ, khi thì chiếc bánh mỳ... Cường ít khi nói chuyện với người ngoài, ngày ngày chỉ đi nhặt rác rồi đến tối trở về nhà. Có lẽ Cường cũng mặc cảm vì ý thức được vẻ bề ngoài không được hoàn chỉnh của mình. Cường kể: thỉnh thoảng đi nhặt rác qua những bến xe buýt có một vài anh xe ôm nhìn thấy anh thì chạy theo vừa cười cợt hỏi anh bao giờ thì định lấy vợ, lúc ấy anh chỉ cười: "Người lùn và xấu xí như em thì ai thèm lấy". Chúng tôi cảm nhận được trong câu chuyện của anh luôn có gì đó buồn phảng phất. Cường bảo, anh cũng muốn có vợ, muốn có con, cũng muốn có một gia đình như bao người bình thường khác.

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/phongsu/2010/3/71731.cand