Chuyên đề 'Giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu của hệ thống văn bia tại Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước'

Sau phần khai mạc, Hội thảo 'Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước' đã tập trung trao đổi, thảo luận chuyên đề 'Giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu của hệ thống văn bia tại Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước'.

Quang cảnh Hội thảo.

Các đồng chí: Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm; GS.TS Đinh Khắc Thuân, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Hán Nôm (Viện Nghiên cứu Hán Nôm); Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đồng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo đã nghe các tham luận: "Núi Non Nước với dấu ấn lịch sử từ thời Đinh, tiền Lê đến triều Nguyễn" của PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học); "Núi sông Non Nước và một số sự kiện liên quan" của nhà nghiên cứu Đặng Công Nga (nguyên Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình); "Núi Dục Thúy và Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu" của TS.Trần Lâm Bình; "Núi thơ Non Nước Ninh Bình và những bài minh văn nổi tiếng" của PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm); "Giá trị lịch sử, văn học kho tàng di sản Hán Nôm núi Non Nước" của GS.TS Đinh Khắc Thuân, Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội; "Văn bia Trương Hán Siêu trên vách núi Dục Thúy" của TS Nguyễn Xuân Diệu (Viện Nghiên cứu Hán Nôm); "Du ký về non nước Dục Thúy nửa đầu thế kỷ XX" của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (Học viện Khoa học xã hội).

Các tham luận cho thấy các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã dành nhiều tâm huyết, phản ánh đậm nét giá trị đặc sắc của thơ văn núi Non Nước và di sản văn hóa núi Non Nước, Di tích quốc gia đặc biệt. Qua đó đã góp phần làm rõ vị trí lịch sử của núi Non Nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng đất Ninh Bình nói riêng, đất nước nói chung.

Các tham luận cũng làm rõ và khẳng định không gian lịch sử văn hóa Dục Thúy Sơn chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng của đất nước, là nơi lưu giữ dấu ấn vật chất và tinh thần của nhiều vị vua, nhiều vị công hầu khanh tướng, các danh nhân, thi sĩ nổi tiếng của nước ta từ hàng ngàn năm trước. Đây cũng là một trong những ngọn núi được nhiều danh sĩ lựa chọn làm đề tài để sáng tác thơ, ca bậc nhất ở Việt Nam cho đến nay.

Đồng thời, qua nội dung tham luận, các nhà nghiên cứu cũng xác định rõ kho tàng di sản Hán Nôm núi Non Nước, về số lượng, văn bản thơ văn núi Non Nước và làm rõ hơn giá trị sử liệu, văn liệu nổi bật của thơ văn núi Non Nước. Các tham luận cũng khẳng định hệ thống di sản văn hóa tại khu di tích núi Non Nước là tài sản tinh thần, nhân văn to lớn của địa phương, có vai trò to lớn đối với sự phát triển lành mạnh và bền vững của cuộc sống đương đại.

Bùi Diệu-Hồng Vân-Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chuyen-de-gia-tri-lich-su-van-hoa-tu-lieu-cua-he-thong-van/d2024050310409936.htm