Chuyện đời bất hạnh của người mẹ và những đứa con điên

Xếp lại chồng sổ y bạ với những tấm giấy chứng nhận tâm thần của 10 người con, bà Nở chua chát, nói như khóc: 'Tài sản của cả gia đình tôi đấy. Nhờ nó mà tôi đã đỡ được phần nào nhọc nhằn, lo toan hơn'.

Bà Nở và cô con gái út là Bích - đang phải điều trị bệnh tâm thần tại nhà. Ảnh: Minh Lý

Bà Nở và cô con gái út là Bích - đang phải điều trị bệnh tâm thần tại nhà. Ảnh: Minh Lý

Cả đời chưa biết hạnh phúc là gì

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Nở (SN 1945, ở số 57, ngõ 239, đường Đà Nẵng, phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền, Hải Phòng), nơi có 10 người con điên dại đang bám víu vào bà mỗi ngày. Trong ngôi nhà cấp 4 chừng 50m2 lạc lõng giữa khu dân cư bởi sự cũ nát, hoang tàn, bà Nở dáng vẻ mệt mỏi, bơ phờ ra mở cửa mời vào. Bà Nở kéo nhẹ chiếc chiếu, chỉ xuống nền nhà mời chúng tôi ngồi. Chỉ vào người con gái thu lu trong góc chiếu, mái tóc xoăn rối bù, mặt trắng xanh, bà Nở giới thiệu: “Đứa út nhà tôi đấy. Nó tên là Bích, SN 1983. Nó cũng bị tâm thần nhưng dạng tâm thần phân liệt. Ngày nào cũng phải uống thuốc điều trị nên người nó cứ ngơ ngơ. Nhà giờ chỉ có hai mẹ con thôi, chẳng có gì cả. Đến cái chiếu anh chị đang ngồi cũng là chiếu của gia đình người chết họ bố thí cho đấy”. Nói rồi, bà Nở bảo Bích ngồi sát vào tường cho bà tiếp khách.

Sinh năm 1945 tại xã Cộng Hiền (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), bà Nở là con út trong gia đình 7 anh chị em nhưng duy nhất có bà là sống sót. Khi vừa chào đời, bố bà Nở mất. Tới khi bà Nở tròn 1 tuổi thì mẹ qua đời. Bà ngoại và cậu thương cháu côi cút đã bế về nuôi. Nhưng rồi gia cảnh quá khó khăn, túng thiếu nên bà đã được cậu ruột đem cho làm con nuôi một người phụ nữ ở Hải Phòng. Lớn lên, bà đã quen và lấy ông Phạm Văn Phong, một công nhân bốc vác trong nhà máy xi măng. Ông Phong quê gốc ở Hà Nội nhưng hoàn cảnh gia đình ly tán nên bỏ nhà xuống Hải Phòng kiếm sống. Sau khi lấy nhau, vợ chồng bà Nở sinh được 10 người con (3 trai, 7 gái), ai cũng đẹp như hoa và tướng mạo như tượng.

Theo lời bà Nở, gia đình bà đã chuyển về sống tại ngôi nhà này được 20 năm. Từ ngày chuyển về đây, liên tiếp các tai họa giáng xuống gia đình. Đầu tiên là 3 người con gái lớn của ông bà là: Phạm Thị Thái (SN 1965), Phạm Thị Dung (SN 1971) và Phạm Thị Cúc (SN 1973) đến tuổi 20 thì đều tự dưng lơ ngơ, hành động, trạng thái có biểu hiện không giống người bình thường. Rồi bỗng dưng, 3 người con gái lần lượt mất tích. Bao nhiêu năm gia đình tìm kiếm nhưng không thấy tin tức gì.

Còn lại 7 người con thì có hai người là chị Phạm Thị Lan (SN 1968) và chị Phạm Thị Tâm (SN 1969) lấy được chồng. Trước lúc xuất giá, các chị Lan và Tâm cũng bắt đầu có biểu hiện lơ ngơ, khác người. Và rồi, cuộc hôn nhân của hai chị đều không trọn vẹn. Cũng từ đây, bệnh tình của chị Lan và chị Tâm phát tác ngày càng nặng hơn. Gia đình đã đưa chị Lan vào Trại tâm thần Vĩnh Bảo chữa trị. Còn chị Tâm thì sau một thời gian chữa trị, may mắn đã dần bình phục trở lại.

Bà Nở cay đắng kể tiếp: “Trong 10 đứa con của tôi, có cậu con trai thứ hai tên Phạm Văn Thịnh (SN 1966) bị bệnh nặng nhất. Sau khi đưa Thịnh vào trại tâm thần, vợ chồng tôi mới đỡ vất vả hơn. Gia đình lúc này còn 4 người con gồm: 2 cậu con trai là Phạm Văn Đức (SN 1978), Phạm Văn Hậu (SN 1979) và 2 cô con gái là Phạm Thị Hoa (SN 1976) và Phạm Thị Bích (SN 1983). Cách đây hơn 10 năm, 4 đứa con này vẫn bình thường như bao thanh niên khác. Ngày ngày, cả gia đình cùng làm mướn kiếm sống”.

Cho dù đau buồn về 6 người con mất tích, điên dại, song bà Nở vẫn cố tự an ủi bản thân còn 4 người con lành lặn. Thế rồi tai họa ập đến khiến bà như mất phương hướng khi ông Phong đột ngột qua đời do nhồi máu cơ tim. Bà nhớ lại: “Trước đó, Hoa vẫn bình thường và hàng ngày bán hoa quả kiếm sống. Nhưng khi chứng kiến bố mất, con bé đã gào thét rồi mất trí hẳn. Lúc nào tỉnh, Hoa lại la hét. Ở nhà 3 năm chữa trị đủ các loại thuốc thấy không hiệu quả, tôi đành gửi Hoa vào trại tâm thần. Đến tận bây giờ, chưa có lúc nào con bé tỉnh táo”.

Theo lời bà Nở, trong số 10 người con của bà, có lẽ anh Phạm Văn Đức - người con thứ tám là khôn ngoan, bình thường nhất và cũng là niềm hy vọng trông cậy của bà lúc về già. Vậy mà, hồi học THPT, không rõ mâu thuẫn thế nào, Đức bị bạn đánh trọng thương vùng đầu đến bất tỉnh. Sau đợt đó, Đức mất trí rồi trở nên điên khùng. Cuối cùng, gia đình phải đưa anh vào trại tâm thần chữa trị. Một thời gian sau, Đức đã tự vẫn trong trại. “Vì hoàn cảnh khó khăn, không có tiền làm mai táng cho con nên gia đình phải nhờ trại giúp chôn cất hộ. Giờ khu nghĩa địa hoang cỏ mọc um tùm, tôi cũng không nhớ nổi con mình nằm chỗ nào nữa”, bà Nở chua xót kể.

Sau khi anh Đức mất, đến lượt anh Hậu (người con thứ chín trong gia đình) nổi điên. Một lần, khi lên cơn, anh Hậu đập phá nhà cửa tan tành. Đập phá chán thì anh này phóng hỏa đốt nhà. Mọi người lại đưa anh vào trại tâm thần điều trị. Khi bệnh tình thuyên giảm, anh Hậu vào TPHCM làm thuê. Đến giờ, anh vẫn đi biền biệt, không có tin tức gì về cho mẹ.

Lời đồn tai ác

Trước tai họa liên tiếp giáng xuống, những lời đồn thổi tai ác về gia đình bà Nở bắt đầu xuất hiện.

Bà Nở chua chát than: “Người ta nói với tôi rằng: Ngôi nhà tôi đang sống có hồn ma trú ngụ; một số người ác miệng thì phán do kiếp trước ăn ở không tốt, gây tội ác nên bây giờ bị quả báo... khiến gia đình hoang mang, sợ hãi vô cùng. Mọi người xung quanh nghe tin thì nhiều người không dám đến chơi nhà nữa. Sau khi cân nhắc, tôi quyết định bán căn nhà để kiếm mảnh đất ở quê sống, vừa tránh những tai họa lại đổ xuống các con, vừa có tiền chữa bệnh cho mấy đứa đang trong trại tâm thần. Nhưng khổ nỗi, những lời đồn về căn nhà ám ảnh này khiến không ai dám đến mua. Thôi thì, mẹ con tôi đành chấp nhận sống như này vậy”.

Nói về trường hợp bà Nở, bà Nguyễn Thị Minh - Chủ tịch UBND phường Cầu Tre cho biết: “Tôi tin rằng, căn bệnh tâm thần của 10 người con nhà bà Nở là do những biến cố không may trong cuộc đời, cuộc sống khó khăn khiến những người sinh sống ở đó khiếp sợ, bị ảnh hưởng thần kinh, dẫn đến tâm thần. Ngoài ra, áp lực về những lời đồn đại cũng làm cho họ sợ hãi, hoang tưởng. Điều cần thiết là ổn định tâm lý những người trong gia đình đó và đặc biệt phải điều trị cho họ bằng thuốc men do bác sĩ chuyên khoa chỉ định”.

Xếp lại chồng sổ y bạ và giấy chứng nhận bệnh tâm thần của các con, bà Nở chua chát vừa nói vừa khóc: “Tài sản duy nhất của gia đình tôi đấy! Cũng nhờ mấy cuốn sổ này mà các con tôi được nhà nước trợ cấp và giúp tôi vơi bớt lo toan mỗi ngày”.

Về hoàn cảnh của gia đình bà Nở, bà Nguyễn Thị Minh - Chủ tịch UBND phường Cầu Tre cho biết: “Hoàn cảnh gia đình bà Nở thuộc diện đặc biệt và khó khăn nhất của phường Cầu Tre, rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ của các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội. Về phía địa phương, chúng tôi luôn tích cực hỗ trợ gia đình bà Nở theo diện nghèo và đặc biệt khó khăn”.

Trung Đức - Minh Lý

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/vong-tay-nhan-ai/chuyen-doi-bat-hanh-cua-nguoi-me-va-nhung-dua-con-dien-20170404115335241.htm