Chuyện đời cô út của đội pháo binh Ngư Thủy

(Dân Việt) - Gương mặt đen sạm, hằn sâu những vết nhăn nheo như vệt đứt gãy chạy dài theo đồi cát, đôi môi tái nhợt thường ngậm chặt điếu thuốc, trông chị còn mạnh mẽ, từng trải hơn cả những người đàn ông vùng biển Ngư Thủy.

Trước biển khơi và trên đồi cát Nhìn chị, nếu không biết trước, chẳng ai đoán được đó là cô em út xinh đẹp Ngô Thị Thúy Phường của đội nữ pháo binh Ngư Thủy, Quảng Bình lừng tiếng năm nào. Chị Phường (trái) và chị Hoanh - cô em út và người chị cả trong đại đội pháo năm xưa Năm 1977, đất nước hòa bình, đội pháo binh giải thể, nhưng chiến công oanh liệt của các cô gái thì nhiều năm sau vẫn còn được nhắc nhớ. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, những người bạn Liên Xô sang thăm nước ta đã không khỏi sửng sốt: Khẩu pháo của Liên Xô to, nặng và phức tạp thế thì những cô gái mảnh dẻ của Việt Nam làm thế nào mà bắn được? Bạn muốn ta diễn tập lại. Tháng 7 - 1980, chị cùng 6 chị em (trong đó có hai người của đội pháo năm xưa) kéo pháo ra Cửa Hội (Nghệ An) dự hội thao toàn quốc. Trên thao trường, người khẩu đội trưởng nữ ấy đã chỉ huy chị em hoàn thành xuất sắc bài bắn. Quy định cho phép, đến viên thứ ba mới trúng mục tiêu nhưng nhờ đã có kinh nghiệm, lại tính toán chuẩn nên ngay viên đầu tiên chị em đã bắn chính xác. Những tràng pháo tay nổi lên. Kí ức về buổi thao diễn thành công ấy là dấu ấn đẹp đẽ cuối cùng của thời thanh niên sôi nổi mà suốt đời chị không thể nào quên. Những năm tháng chiến đấu say mê cũng qua đi, qua đi cả cái thời xanh tươi của những o gái trong đội nữ pháo binh Ngư Thủy. Trở về, ai may mắn thì tìm được hạnh phúc muộn màng, những người còn lại như o Phường, thì đến giờ vẫn đi về một bóng. Hiếm có người phụ nữ nào kiên cường, dẻo dai và năng nổ như o Phường. Chị em trong đội nữ pháo binh và chị em của cả xã đều nhìn vào o mà học tập, mà vững tin rằng người phụ nữ cũng có vai trò và chỗ đứng quan trọng trong gia đình và ngoài xã hội. Chị Trần Thị Hoanh - chính trị viên đại đội pháo binh Ngư Thủy trước đây, hiện là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngư Thủy Nam Đầu năm 1980, không chồng không con, chị Phường nhận chức Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngư Thủy (gồm cả 3 xã Trung Nam Bắc hiện nay). Thuở ban đầu khó khăn, làm Chủ tịch nhưng chị không có một đồng trợ cấp, vẫn tự làm thêm ngoài nuôi thân. Nhưng cái khổ của riêng mình không làm chị chua xót bằng sự khổ cực của chị em trong xã. Một năm 3.000 đồng tiền lệ phí mà không ai có để đóng. Chị phải đến từng nhà, động viên chị em đi thu gom chai lọ trôi nổi dọc bờ biển, nộp cho Hội thay tiền lệ phí. Sau đó, chị và hai chị Phó Chủ tịch (cũng là pháo binh Ngư Thủy năm xưa) gồng gánh lên huyện, cách nhà hơn 40 cây số, bán lấy tiền. Năm 1983, chị vay xã 200 nghìn đồng, thành lập tổ thu mua hải sản cho chị em, sấy khô rồi bán lại cho tiểu thương xuất khẩu. Nhờ đó, việc đánh bắt và chế biến thủy hải sản ở Ngư Thủy nhộn nhịp hẳn lên, cuộc sống bớt phần khó nhọc. Những năm 90, chị dành dụm 60 triệu đồng mở xưởng phơi sấy cá. Rồi chị làm đơn xin nhận 20ha đất để trồng rừng. Nhiều người thấy chị trồng rừng hiệu quả cũng học làm theo. Tới nay, những đồi cát trắng chói chang dọc biển Ngư Thủy đã phủ màu xanh của rừng dương, rừng tràm. Chị đã mang màu xanh về cho cát. Chị Phường bên bàn làm việc Quả ngọt cuối mùa Trước đây, khi trở về lúc đã luống tuổi, dù không hy vọng tìm được người đàn ông biết cảm thông với mình để nương tựa, nhưng chị cũng khao khát có được một đứa con như tất cả những phụ nữ bình thường khác. Để được xã cho vay vốn làm kinh tế, chị nuốt nước mắt xin anh bạn học cũng là đồng đội cũ một "người thừa kế". Nhắc đến người đàn ông đầu tiên và duy nhất đi qua cuộc đời mình, đến giờ chị vẫn rưng rưng: "Anh ấy trẻ trung, tài hoa và nhân đức lắm. Cũng là người chồng chung thủy, vì thương cảnh ngộ của mình mà giúp thôi". Sau đó đôi ba lần trong những chuyến công tác anh cũng gặp lại chị, nhưng đứa con thì anh chưa từng biết mặt. Trong những ngày cùng cực ấy, chị tập hút thuốc để bớt căng thẳng, sợ hãi, để thấy mình mạnh mẽ mà đối diện với cuộc đời. Chị đặt cho con cái tên đầy hờn tủi: Ngô Thị Hồng Ép. Sau này, khi đạo diễn Lê Mạnh Thích về quay bộ phim pháo binh Ngư Thủy mới đề nghị đặt lại tên cho cô bé. Chị đổi thành Quỳnh Anh - tên người bạn gái đã sát cánh với chị trong dự án đầu tiên hỗ trợ những phụ nữ nghèo ở Ngư Thủy làm kinh tế. Nhưng đó là trên giấy tờ, còn chị và cả bà con trong xã thì đã quen gọi cô bé là "bé Ép". Nhớ lại, năm 2006, khi Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 chính thức ra đời, chị mới cảm nhận hết sự thiệt thòi không gì bù đắp nổi. Nhìn về những dặm dài khó nhọc đã qua và con đường trước mắt, chị thở dài: "Đi một mình thật là quá sức. Nhưng chẳng thể tìm đâu người cùng bước với mình". Cũng may chị còn có bé Ép. Cô bé khỏe mạnh, xinh đẹp với gương mặt tươi rói và đôi mắt to lanh lợi, thông minh. Bận bịu công việc, chị đi suốt ngày, về đến nhà là lại cắm cúi bên bàn làm việc, chẳng có mấy lúc rảnh mà âu yếm vuốt ve con. Có khi đang làm ngẩng lên, thấy con chơi một mình ngoài sân chị cũng xót xa, tự trách mình. "Đôi khi nghĩ, thà là một người mẹ tốt còn hơn là một cán bộ giỏi. Sắp tới, về hưu tôi sẽ thu xếp công việc để dành nhiều thời gian chăm lo cho bé Ép. Ngẫm cho cùng, con bé mới là điều quý giá nhất còn lại của đời tôi". Thúy Hiền

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/13446p1c24/chuyen-doi-co-ut-cua-doi-phao-binh-ngu-thuy.htm