Chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang trồng ngô

Quỳ Hợp là huyện miền núi cao thuộc tỉnh Nghệ An, diện tích đất tự nhiên lớn, nhưng đất SX nông nghiệp lại rất ít. Riêng lúa nước bình quân mỗi vụ chỉ có trên dưới 2.500ha.

Tuy nhiên do nguồn nước không đảm bảo nên năng suất lúa rất thấp. Vì vậy mô hình chuyển đất lúa thiếu nước sang trồng ngô được nông dân nhân ra trên diện rộng.

Trồng ngô trên đất lúa cấy cưỡng đem lại hiệu ích kinh tế cao

Ông Phan Thanh Tâm, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Quỳ Hợp cho biết: Đất lúa ở Quỳ Hợp phân bổ không đều, hệ thống hồ đập kênh mương thủy lợi hàng năm bị bồi lấp mạnh do độ dốc lưu vực lớn và mặt đệm bị tàn phá một cách nặng nề. Mặt khác tập tục SX của đồng bào các dân tộc thiểu số ở nơi đây còn mang nặng tính truyền thống lạc hậu. Những nơi SX được chăng hay chớ thì năng suất lúa nước đạt được rất thấp, thậm chí có nơi không có thu hoạch.

Bởi vậy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa tiến bộ KHKT áp dụng vào SX, để nông thôn xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ cấp thiết mà Huyện ủy đã phân giao cho các cơ quan hữu quan trong toàn huyện cùng thực hiện. Đây cũng là nhiệm vụ chính xuyên suốt trong quá trình hoạt động mà Trạm KN Quỳ Hợp đã nổ lực hết mình. Trong thời gian qua Trạm KN Quỳ Hợp đã mở được hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật và xây dựng thành công hàng chục mô hình. Trong đó có mô hình chuyển đổi đất lúa không chủ động nguồn nước sang trồng ngô đã đạt được hiệu quả kinh tế rất cao.

Ông Phan Thanh Tâm miệt mài soạn thảo tài liệu để tập huấn kỹ thuật trồng ngô cho nông dân

Kỹ sư nông nghiệp Lê Thị Ngọc cho biết: Qua nghiên cứu và theo dõi số diện tích mà nông dân vẫn thường xuyên trồng lúa nước, nhưng năng suất đạt được rất thấp, vụ xuân năm ngoái Trạm KN Quỳ Hợp đã xây dựng mô hình trồng 4ha ngô lai NK 66 trên cánh đồng bản Nhọi thuộc xã Châu Cường. Mô hình có 40 nông hộ tham gia được cấp 100% lượng giống và 50% chi phí sản xuất chăm bón.

Tất cả các quy trình SX, từ khâu làm đất, xuống giống và quá trình chăm sóc đều do cán bộ của Trạm KN trực tiếp chỉ đạo nông dân làm. Kết quả sau 109 ngày, mỗi ha ngô đã cho thu hoạch được 60 tạ. Trong khi đó diện tích đất trồng lúa các vụ trước và kể cả vụ này năng suất chỉ đạt được 30 tạ/ha. Tính về hiệu quả kinh tế thì trồng 1ha ngô lãi hơn 19 triệu so với trồng 1ha lúa.

Sau thu hoạch vụ này, huyện Quỳ Hợp đã tổ chức hội thảo đầu bờ. Kết quả trong vụ xuân 2017 nông dân các xã Châu Quang, Châu Thái, Châu Đình và Yên Hợp đã đưa 40,3ha trồng lúa kém hiệu quả chuyển hẳn sang trồng ngô.

Ông Tâm bảo: Trước đây nông dân miền núi thường SX 2 vụ lúa/năm. Khi thu hoạch vụ thu - mùa thì đất bỏ hoang hơn 3 tháng sau mới chuyển sang gieo cấy vụ xuân. Trong những năm gần đây nhờ mở rộng công tác tập huấn khuyến nông, nhờ tuyên truyền thông qua các cuộc hội thảo đầu bờ. Đặc biệt nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nên nông dân Quỳ Hợp đã mở rộng thêm được một vụ ngô trên đất hai vụ lúa. Bình quân mỗi năm các xã trồng được 400ha ngô vụ đông trên đất 2 lúa và trên 700ha chuyên canh (3 vụ/năm).

Nông dân Quỳ Hợp say sưa nghe giảng về kỹ thuật trồng ngô trên đất lúa cấy cưỡng

Nhờ thấy được trồng ngô trên đất lúa không chủ động về nguồn nước đã cho hiệu quả kinh tế gấp 2 lần, và đứng trước yêu cầu cấp thiết của nông dân, nên vụ hè- thu năm 2017 này Trạm KN Quỳ Hợp tiếp tục xây dựng mô hình 4ha ngô NK 66 trên đồng đất vùng cao của xã Châu Hồng. Trước lúc triển khai mô hình, Trạm KN đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật để bà con nắm rõ về quy trình SX như: Nguyên tắc lựa chọn kiểm tra nguồn giống, khâu làm đất, cách thức chăm bón và quản lý nông sản sau thu hoạch.

Trong lớp tập huấn, ông Phan Thanh Tâm nhấn mạnh: “Trồng ngô trên đất lúa thiếu nước, cấy cưỡng thực sự đã đem đến hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra sản phẩm phụ của ngô như thân cây, lá còn là nguồn thức ăn rất dồi dào và giàu chất dinh dưỡng cho đàn gia súc. Cũng từ đây nông dân miền núi sẽ có cái nhìn mới về tiến bộ KH, tập tục thả rông trâu, bò trong núi rừng ngày càng giảm hẳn”.

HỒ QUANG

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/chuyen-doi-dat-lua-thieu-nuoc-sang-trong-ngo-post196493.html