Chuyển đổi đất vàng TP lớn: Thanh tra Chính phủ vào cuộc

Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TPHCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng.

Làm rõ việc chuyển đổi đất vàng

Ngày 2/2, nhiều tờ báo đưa tin, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu vừa ký Quyết định số 3344/QĐ-TTCP phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017 của Thanh tra Chính phủ mà theo đó cơ quan này sẽ tiến hành 23 cuộc thanh tra chính thức và 6 cuộc thanh tra dự phòng.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ giao Vụ I thực hiện 3 cuộc thanh tra. Thứ nhất, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường tại một số khu công nghiệp (cơ sở công nghiệp), khu kinh tế, khu chế xuất, khu đô thị mới.

Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TPHCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng.

Thứ hai, thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn) tại Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị trực thuộc bộ này.

Thứ ba, thanh tra việc quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh theo Chỉ thị 11/2016 của Thủ tướng Chính phủ tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Chè Việt Nam. Cuộc thanh tra này sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vụ II Thanh tra Chính phủ được giao phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thanh tra hoạt động tín dụng và đầu tư tài chính tại các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu lớn, có nguy cơ mất vốn, tài sản; thanh tra tại Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các đơn vị liên quan trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tập trung việc chuyển đổi sử dụng đất từ đất quốc phòng, an ninh sang mục đích khác ở Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Bên cạnh đó, Vụ II cũng tiến hành thanh tra trách nhiệm trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn) gắn với thực hiện thí điểm chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước theo Văn bản 2103/2009 của Thủ tướng Chính phủ và việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại UBND TPHCM.

Đặc biệt, các nội dung liên quan đến chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác cũng được Thanh tra Chính phủ giao Cục I thanh tra tại UBND TP Hà Nội, Cục II thanh tra tại UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND TP Đà Nẵng, Cục III thanh tra tại UBND TP Cần Thơ.

Hóa giải nạn đất vàng giá ''bèo'': Quy trình chuẩn

Yêu cầu cấp thiết

Quyết định của Thanh tra Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh thời gian qua việc chuyển đổi đất vàng tại các thành phố, trung tâm lớn có nhiều vấn đề lùm xùm khiến dư luận hết sức lo ngại.

Từng trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM cho rằng, nguyên nhân sâu xa là do đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý, tổ chức hoặc cá nhân chỉ có quyền sử dụng.

“Về pháp lý không có thị trường mua bán đất, mà tất cả giao dịch chỉ gọi là chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Do đó khi định giá tài sản để thực hiện CPH các công ty thuộc sở hữu nhà nước gặp khó khăn trong việc định giá đất là điều tất yếu. Không thể định giá tài sản thuộc sở hữu nhà nước mà không có thị trường.

Trong khi đó, thực tế giá trị giao dịch quyền sử dụng đất hiện nay rất cao, nên khi cổ phần hóa quyền sử dụng đất chuyển từ công ty nhà nước sang công ty cổ phần, giá trị sử dụng đất phải được chuyển theo từ nhà nước sang công ty cổ phần, nên phải được định giá đúng. Nếu định giá thấp, nhà nước thất thu lớn, công ty cổ phần sẽ được lợi ích không nhỏ”, PGS.TS Ngãi nhấn mạnh.

PGS.TS Lê Cao Đoàn - Viện kinh tế Việt Nam khẳng định, câu chuyện CPH chúng ta đã đặt ra cách đây hơn 20 năm nhưng đến nay vẫn bùng nhùng. CPH quan trọng nhất là định giá được hết tài sản của doanh nghiệp và ra được một giá tư bản của doanh nghiệp đó, không bao gồm cả giá đất.

“Khi tiến hành CPH thì coi đất đó nằm ngoài giá trị tài sản. Ai làm chủ kinh doanh trong khách sạn, công ty… thì phải phải thanh toán lợi ích, địa tô mà anh thuê trả cho nhà nước.

Thất thoát ở đây tôi cho rằng đó chính là quan hệ giữa người thuê đất và nhà nước trong việc xác định giá thuê đất và các ràng buộc về thuê đất. Có khi còn xảy ra tình trạng cho mượn đất. Nếu chúng ta định giá thấp thì người thuê được lợi và như thế thì nhà nước sẽ bị thất thoát một số lượng tài sản lớn”, PGS.TS Đoàn nhận định.

Để giải quyết vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cho rằng khi cổ phần hóa, đất đai phải được chuyển cho công ty cổ phần sử dụng.

“Có hai phương án, hoặc nhà nước cho thuê sử dụng hoặc nhà nước chuyển quyền sử dụng cho công ty cổ phần, chuyển hay cho thuê cũng phải được định giá đúng theo giá thị trường. Theo cơ chế thị trường, để đúng giá thị trường thì tốt nhất là đấu giá công khai. Nhưng, việc đấu giá trong trường hợp này sẽ gặp nhiều khó khăn không có tính khả thi.

Nếu như công ty không đấu thắng thì giải quyết thế nào, vì tài sản của công ty đang ở trên miếng đất đó, làm sao chuyển cho người đấu thắng được, người tham gia đấu giá cũng sẽ hạn chế vì họ biết rằng tài sản của công ty cổ phần đang trên miếng đất đó, nếu họ thắng thì rất khăn trong việc chuyển cho họ sử dụng. Do đó, tốt nhất là cần hội đồng đánh giá công khai theo giá thị trường đối với giá cho thuê hoặc giá chuyển nhượng quyền sử dụng”, PGS.TS Ngãi nói.

Hoàng Nam (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bat-dong-san/chuyen-doi-dat-vang-tp-lon-thanh-tra-chinh-phu-vao-cuoc-3328282/