Chuyển đổi quản lý công trình thủy lợi: Tắc nghẽn vì nhiều 'vật cản'

Không muốn bàn giao, không muốn tiếp nhận, công trình thiếu hồ sơ... là hàng loạt các vướng mắc khiến việc bàn giao - tiếp nhận quản lý, khai thác công trình thủy lợi bị tắc nghẽn, có nguy cơ chậm tiến độ so với yêu cầu của UBND TP Hà Nội.

Trạm bơm xã Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) chưa thể bàn giao cho doanh nghiệp quản lý.

Để thống nhất quản lý sau đầu tư, UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan phải hoàn thành việc bàn giao, tiếp nhận các công trình thủy lợi trước ngày 30-6. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các quận, huyện, thị xã chưa hoàn tất hồ sơ và ký kết văn bản bàn giao cho 5 doanh nghiệp của thành phố tiếp nhận quản lý công trình thủy lợi.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội Đỗ Văn Tuyến cho biết: Thực hiện quyết định của thành phố, công ty đang phối hợp với các địa phương để hoàn thành công tác bàn giao, tiếp nhận quản lý, khai thác các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, quá trình kiểm đếm tại thực địa, công ty và các hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đánh giá tài sản còn lại của công trình để bàn giao, tiếp nhận. Nguyên nhân là do nhiều công trình không có hồ sơ quản lý.

Tương tự, hiện nay nhiều xã thuộc các huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức... chưa bàn giao công trình thủy lợi cho doanh nghiệp quản lý. Qua tìm hiểu được biết, địa phương nào minh bạch trong quản lý đầu tư, vận hành, khai thác công trình thủy lợi thì muốn bàn giao ngay và ngược lại, công ty còn vướng mắc thì tỏ rõ sự thờ ơ. Thêm nữa, đa số các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay tồn tại và hoạt động là nhờ kinh phí thực hiện dịch vụ tưới tiêu thủy lợi nội đồng; nếu bàn giao công trình về thành phố quản lý, nhiều hợp tác xã nông nghiệp buộc phải tuyên bố giải thể...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn bàn giao nguyên trạng công trình cho các doanh nghiệp đúng tiến độ thành phố yêu cầu. Nếu doanh nghiệp không tiếp nhận, huyện sẽ báo cáo thành phố để giải quyết. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ bàn giao, tiếp nhận công trình thủy lợi, huyện đề nghị các sở, ngành liên quan hướng dẫn xác định giá trị còn lại của công trình…

Tại huyện Thường Tín, hiện nay đã hoàn thành công tác rà soát, chuẩn bị bàn giao công trình thủy lợi. UBND huyện đề nghị việc bàn giao, tiếp nhận công trình trên cơ sở giữ nguyên trạng. Trong quá trình tiếp nhận, bàn giao, phải xác định rõ trách nhiệm quản lý, xử lý của các đơn vị, tránh việc phát sinh vi phạm bảo vệ công trình.

Để đẩy nhanh tiến độ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã đề nghị các địa phương và doanh nghiệp thủy lợi bàn giao, tiếp nhận nguyên trạng theo đúng danh mục công trình được phê duyệt. Đối với các công trình không có trong danh mục, các quận, huyện, thị xã phối hợp với doanh nghiệp thủy lợi rà soát, tổng hợp, lập biểu, thống kê. Các công trình còn hồ sơ cần xác định giá trị tài sản, căn cứ theo quy định hiện hành để xác định giá trị tài sản hiện hữu. Đối với các công trình được xây dựng từ lâu, không có hoặc thiếu hồ sơ quản lý, đề nghị thống kê cụ thể trong biên bản bàn giao, tiếp nhận theo nguyên trạng và đề xuất biện pháp giải quyết.

Trong khi chưa hoàn tất việc bàn giao, tiếp nhận, Sở NN& PTNT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện quản lý khai thác công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, phòng chống úng ngập trong mùa mưa bão năm 2017. Các doanh nghiệp thủy lợi được UBND thành phố "đặt hàng" dịch vụ tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp phải bảo đảm duy trì và phát huy năng lực công trình thủy lợi, bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp, đưa nước đến mặt ruộng, phòng chống thiên tai, không để xảy ra úng ngập...

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/871796/chuyen-doi-quan-ly-cong-trinh-thuy-loi-tac-nghen-vi-nhieu-vat-can