Chuyển đổi xanh từ vòng đời chai nước

Xanh hóa đang thấm dần vào hoạt động của nhiều doanh nghiệp để hòa chung xu hướng phát triển bền vững của thế giới và góp vào mục tiêu net zero.

Công ty Nhựa tái chế Duy Tân từ năm 2016 đã tìm hiểu và xây dựng nhà máy theo công nghệ “Bottle to bottle”. Đây là giải pháp giúp tạo dựng một sản phẩm chai nhựa mang tính vòng lặp, với mục tiêu cần giảm rác thải nhựa.

Chuyển mình mạnh mẽ

Một chai nước suối sau khi sử dụng xong, thay vì kết thúc vòng đời của nó tại một bãi rác thì được thu gom, đưa về nhà máy xử lý, tách các chất ô nhiễm, diệt khuẩn, phân loại và biến thành các hạt nhựa tái sinh. Đây sẽ là nguyên liệu đầu vào để sản xuất chai nhựa mới đáp ứng tiêu chuẩn dùng cho thực phẩm.

Ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững Công ty Duy Tân, cho biết bằng cách một chai nhựa quay vòng liên tục công ty đã củng cố kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường. Từ tháng 8-2020 đến tháng 9-2023, công ty này đã thu gom và xử lý con số khổng lồ với khoảng 3,7 tỉ chai nhựa các loại, tương đương 36.600 tấn. Trong năm 2022, công ty đã xuất khẩu 4.000 tấn hạt nhựa tái chế vào thị trường Mỹ.

Hiện Công ty PNJ đang thực hiện và duy trì kiểm kê khí nhà kính với đơn vị thứ ba. Đồng thời căn cứ vào các phương án giảm thiểu được đề xuất sau kiểm kê, PNJ thu thập, thẩm định và thực hiện các sáng kiến môi trường phù hợp.

“Khi khách hàng nhận được hộp đựng nữ trang, ngoài vẻ đẹp của nó thì chúng tôi còn tính toán, thiết kế rất kỹ để bao bì đó phải vừa thân thiện với môi trường vừa có thể tái chế” - ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc PNJ, nói. Theo ông Thông, việc khai thác quá mức tài nguyên để sản xuất trang sức, nhất là vàng và kim cương có thể ảnh hưởng đến môi trường và thiếu hụt nên công ty đã áp dụng các phương pháp tái chế và giải pháp xử lý nước thải trong sản xuất.

Còn Công ty May Việt Tiến đã đổi mới quy trình sản xuất xanh, sử dụng nồi hơi sinh khối đốt cháy vật liệu có nguồn gốc bền vững thay vì khí đốt, than hoặc dầu để tạo ra nhiệt cho hệ thống ủi. Về nguyên liệu, công ty này cũng đã tạo ra bộ chất liệu xanh gồm bamboo và tencel. Chất liệu bamboo là loại sợi vải đặc biệt ứng dụng công nghệ sinh học được chiết xuất từ cây tre. Chất liệu tencel được dệt từ bột gỗ của cây trồng tự nhiên bắt nguồn từ rừng trồng có tính bền vững với dung môi dùng trong sản xuất. Tencel được tái sử dụng gần 100%, do đó giảm thiểu lượng nước và năng lượng trong sản xuất.

 Dây chuyền tái chế rác thải nhựa thành hạt nhựa làm nguyên liệu tiếp tục tạo ra những chai nhựa đạt chuẩn của Công ty Nhựa tái chế Duy Tân. Ảnh: M.PHƯƠNG

Dây chuyền tái chế rác thải nhựa thành hạt nhựa làm nguyên liệu tiếp tục tạo ra những chai nhựa đạt chuẩn của Công ty Nhựa tái chế Duy Tân. Ảnh: M.PHƯƠNG

 Vòng đời lặp lại của chai nhựa. Ảnh: M.PHƯƠNG

Vòng đời lặp lại của chai nhựa. Ảnh: M.PHƯƠNG

Xanh từ nơi làm việc hạnh phúc

Các doanh nghiệp (DN) Việt đang bắt kịp xu hướng thế giới xây dựng tiêu dùng xanh vì nếu không thay đổi sẽ bị loại khỏi cuộc chơi khắc nghiệt trên thương trường.

Ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty Agrex Saigon, nhận định: “Rất khó hành động nửa vời trong việc chuyển đổi kinh tế xanh vì sự giám sát chặt chẽ của các đối tác quốc tế. Họ có những phương pháp đo đếm định lượng rõ ràng khiến DN mình không thể tranh cãi”.

Chẳng hạn như tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị DN) là phương pháp định vị chuyển đổi kinh tế xanh của DN luôn khắt khe. Vì trách nhiệm phát triển bền vững môi trường luôn song hành với chăm lo đời sống cho người lao động. Đặc biệt với các DN sử dụng nhiều người lao động và đưa sản phẩm vào các thị trường xuất khẩu khó tính thì phải rất chú ý với điều kiện làm việc của người lao động.

Ông Long kể: “Chúng tôi từng báo cáo với đối tác nước ngoài rằng đã hỗ trợ công nhân việc này việc kia. Nhưng ngay sau đó họ kiểm tra chéo, cho gọi 20 công nhân bất kỳ, phỏng vấn từng người, chỉ khi có câu trả lời thống nhất với báo cáo thì họ mới xác nhận là DN đảm bảo các tiêu chuẩn tốt cho người lao động”.

Theo ông Long, có những thứ bình thường trong mắt các DN Việt nhưng đối tác nước ngoài rất chú trọng, chẳng hạn họ đếm số lượng phòng vệ sinh có đủ đáp ứng cho tổng số công nhân hay không. Bởi họ quan điểm công nhân không phải chờ đợi, xếp hàng khi đi vệ sinh thì tâm trạng làm việc mới tốt, môi trường làm việc mới hạnh phúc chứ không chỉ đơn thuần nhận bao nhiêu tiền lương, hưởng các phúc lợi gì.

Hàng loạt chuỗi cung ứng cũng phải xanh

Nhiều tập đoàn đa quốc gia (MNC) cam kết chỉ làm việc với những nhà cung cấp tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường. Họ mong muốn các nhà cung cấp cấp 1 phải tuân thủ các tiêu chuẩn đó, cứ thế cấp 1 yêu cầu cấp 2, 3, 4 tuân thủ tương tự để tạo ra bền vững trong chuỗi cung ứng. Như vậy, từ một DN xanh ban đầu tạo ra hàng chục DN xanh và từ đó hình thành nên một chuỗi cung ứng xanh, hệ thống vệ tinh cũng phải xanh theo.

QUANG HUY – PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-doi-xanh-tu-vong-doi-chai-nuoc-post775467.html