Chuyển động trong nghệ thuật nhờ... thông báo nghỉ hưu!

Chiều qua, 27/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một nhân viên của nơi này, nghệ sĩ gốm Nguyễn Bảo Toàn, tổ chức triển lãm Chuyển động để chia tay nơi mà ông từng gắn bó suốt 30 năm.

Như mọi viên chức, ông sinh năm Canh Dần (1950) nên nay đã đến tuổi nghỉ hưu. Giới mỹ thuật trong và ngoài nước biết đến ông như một nghệ sĩ của tranh lụa và gốm, đặc biệt là gốm. Song không phải nhiều người biết ông là một nhân viên kỳ cựu của Trung tâm phục chế các tác phẩm mỹ thuật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chuyên ngành gốm. Nguyễn Bảo Toàn trò chuyện với TT&VH về lý do và những “chuyển động” nghệ thuật bên cạnh bộn bề công việc trước giờ khai mạc triển lãm. Giật mình vì cái ngưỡng 60 năm đời người * Anh chọn một cái tên triển lãm khá phù hợp với thời điểm này, thời điểm anh chuẩn bị chia tay nơi làm việc suốt 30 năm qua của mình để nghỉ hưu? - Tôi nhận được thông báo nghỉ hưu từ cô nhân viên hành chính của Bảo tàng cách đây chừng 3 tháng, ngay trước Tết Canh Dần. Họ làm đúng thủ tục vì theo lịch, tháng 8 năm nay, tôi sẽ nghỉ hưu chính thức nên họ phải báo việc này trước 6 tháng. Tôi rơi vào một tâm trạng rất lạ. Tôi làm việc ở Bảo tàng được 30 năm, và song song với đó, tôi vẫn là một nghệ sĩ độc lập với các triển lãm, các công việc sáng tác của riêng mình. Nói vậy, để thấy là bản thân không có một sự “lệ thuộc” nào với cơ quan... Song cái sự nghỉ hưu đến làm tôi giật mình. Hóa ra mình đã đến cái tuổi đó, đã đến một cái ngưỡng thời gian 60 năm đời người... Tôi cảm thấy trong mình thực sự có một sự thay đổi, từ máu, từ tim... Nhiều đêm, tôi ngồi lặng lẽ cảm nhận cái sự chuyển động mới mẻ đó trong bản thân mình để sau đó, tôi vẽ, tôi làm gốm với một tâm trạng sảng khoái, sẵn sàng cho một sự chuyển động mới... * 30 năm, một phần ba đời người của anh gắn bó với bảo tàng. Anh có thể miêu tả vắn tắt về cái sự gắn bó này để bạn đọc TT&VH có thể hình dung về anh? Cho đến Chuyển động, nghệ sĩ Nguyễn Bảo Toàn là tác giả của 13 triển lãm nghệ thuật cá nhân, trong đó, có thể kể tên một số triển lãm tiêu biểu: Đất qua lửa (1994), Rằm tháng Bảy (1999), Đồng đội (2000), Hối tụ (2004), Thời gian và tri thức (2006). Trong các triển lãm của ông, gốm luôn có mặt và dù được dùng như “chất liệu” cho cả một không gian nghệ thuật sắp đặt thì đa phần vẫn là tác phẩm đơn lẻ hoàn thiện. Điều này tạo nên cho các triển lãm của Nguyễn Bảo Toàn một sự độc đáo và hấp dẫn khó cưỡng. - Năm 1980, cụ Nguyễn Văn Y, giám đốc bảo tàng khi đó, nhận tôi về đây với mong muốn có người làm phục chế các đồ gốm cổ của bảo tàng. Cụ nói về tôi ngắn gọn thế này: “Mèo trắng hay mèo đen, miễn là bắt được chuột. Thằng này nó bắt được chuột...”. Tôi tự hào là người đặt viên gạch đầu tiên xây cái lò gốm đầu tiên của bảo tàng. Tôi được tìm hiểu rất nhiều về gốm truyền thống của cha ông và cảm nhận rõ được con người mình, tư duy của mình, cảm xúc của mình đã thấm nét thô mộc mà ẩn giấu sự tinh tế, sang trọng của gốm truyền thống... Cái này đã góp phần giúp cho nghệ thuật gốm của tôi có sự khác biệt nhất định, và khiến tôi càng cảm thấy bản thân gắn bó với bảo tàng... Rất nhiều người cùng cơ quan ngỡ ngàng khi nghe tin tôi sẽ nghỉ hưu trong 3 tháng tới, họ thấy tôi gắn bó với nơi này quá hay sao ấy... Phố Hà Nội trước “chuyển động” của Nguyễn Bảo Toàn Bùng phát mới mẻ * Triển lãm Chuyển động này của anh cũng có trưng bày rất nhiều gốm, từ thân đèn, đến bình, lọ, bát, ấm... Tuy nhiên, hình ảnh con cá trên các đồ gốm lần này được xuất hiện dày đặc và có phần được anh đặc biệt chú trọng. Hình ảnh này có ý nghĩa như thế nào với sự chuyển động về nghệ thuật của anh? - Trước hết, tôi không hiểu sao tôi thấy mình rất có duyên với con cá. Tác phẩm nào có hình ảnh con cá của tôi cũng được giải thưởng trong hoặc ngoài nước, hoặc không thì bán được hết. Tôi ví dụ là cách đây vài ngày, tại Liên hoan nghệ thuật làm bình trà (Myeong - Dong Teapot Festival) ở Hàn Quốc, giới thiệu các loại bình trà và chén uống trà bằng gốm, để dùng hoặc để trưng bày nghệ thuật, của các nghệ sĩ gốm từ khắp châu Á, đồ của tôi được một bảo tàng gốm của Hàn Quốc mua hết. Trên đó, tôi khắc rất nhiều hình cá (cười vui). Thực tế ra, hình ảnh chuyển động của một con cá hay một đàn cá gợi cho tôi rất nhiều suy nghĩ về sự chuyển động của đời người và của nghệ thuật nói chung. Những lưu dấu về sự chuyển động trên các tranh vẽ của tôi đều được gợi hứng từ việc quan sát đàn cá chuyển động cùng nhau. Ngắm sự chuyển động của nó, mình cảm nhận được trong đó vẫn còn sự tĩnh tại nhất định, vì vậy con cá còn đem lại cho con người cảm nhận về sự thư giãn, thư thái nữa. * Anh có nói rằng triển lãm này như điểm xuất phát cho một sự chuyển động mới của anh về nghệ thuật. Anh nhìn thấy những khác biệt gì trong sự chuyển động này so với nghệ thuật của quãng thời gian trước? - Có một sự bùng phát mới mẻ trong con người tôi, giống như một luồng sinh lực mới để tôi làm việc. Vẫn là tranh, vẫn là gốm, vẫn là nghệ thuật sắp đặt nhưng tôi đồ rằng, chúng sẽ khác nhiều so với trước đây. Còn khác thế nào ư? Điều này phải căn cứ vào tác phẩm mới được. Tôi không thể võ đoán. * Sự bùng phát mới, như thế chống lại cái ngưỡng thời gian 60 tuổi? - (Cười vui) Chắc là thế. Nhị An (thực hiện)

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/133n20100528090848744t133/chuyen-dong-trong-nghe-thuat-nho-thong-bao-nghi-huu!.htm