Chuyên gia cảnh báo việc dùng thuốc nam không nguồn gốc chữa bệnh động kinh

Ước tính tại Việt Nam có khoảng 500.000 đến một triệu người mắc bệnh động kinh. Tại Bệnh viện Việt Đức có khoảng 100-150 bệnh nhân khám mỗi tháng.

Giáo sư Pierre Jallon, Đại sứ quốc tế về bệnh động kinh của Hội chống động kinh Quốc tế, trực tiếp thăm khám bệnh nhân tại Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, khoa Nội - Hồi sức Thần kinh- Bệnh viện Việt Đức từ ngày 20-23/6.

TS Nguyễn Anh Tuấn- Trưởng Khoa Nội- Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Việt Đức cho biết ước tính tại Việt Nam có khoảng 500.000 đến một triệu người mắc bệnh động kinh. Tại Bệnh viện Việt Đức có khoảng 100-150 bệnh nhân khám mỗi tháng.

Theo các chuyên gia động kinh là một bệnh lý phức tạp, biểu hiện điển hình là các cơn co giật, sùi bọt mép… Bệnh có nhiều thể khác nhau, có khi là cơn vắng ý thức, rối loạn cảm giác, hành động bất thường hoặc những cơn cười vô ý thức.

Giáo sư Pierre Jallon cho hay, điều trị bệnh bằng cách dùng thuốc vẫn là chủ yếu. Khi phẫu thuật, hiệu quả như thế tùy thuộc vào tổn thương thực thể. Trường hợp động kinh có nguyên nhân trên não, phẫu thuật có thể đạt hiệu quả 70, thậm chí là 100%; nếu tổn thương nhiều vị trí, không có nguyên nhân thì hiệu quả có thể chỉ 40%. Vì thế các bác sĩ thường cân nhắc rất nhiều khi chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân.

Giáo sư Pierre Jallon - Đại sứ quốc tế về bệnh động kinh của Hội chống động kinh Quốc tế thăm khám cho bệnh nhân tại

Bệnh viện Việt Đức

TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội - Hồi sức Thần kinh, Bệnh viện Việt Đức cho biết, 70% trường hợp động kinh có thể kiểm soát được cơn giật bằng thuốc. Khó khăn là với 30% trường hợp kháng thuốc, tức dùng thuốc không có tác dụng. Khi ấy bác sĩ sẽ đổi thuốc, áp dụng các biện pháp khác kèm theo như phẫu thuật, thay đổi chế độ ăn…

C ác bác sĩ cho biết thêm, động kinh có nhiều dấu hiệu, phổ biến nhất là triệu chứng co giật. Một số trường hợp trước khi xuất hiện cơn động kinh còn có dấu hiệu cảnh báo trước như đau nửa đầu, ảo giác, mất phương hướng hoặc rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, hồi hộp, cáu gắt vô cớ.

Khoảng 60% bệnh nhân động kinh thuộc dạng động kinh cục bộ, có thể là bị mất ý thức tạm thời và không thể nhớ những gì đã xảy ra. Tuy không phải là bệnh cấp tính nhưng mức độ nguy hiểm của bệnh sẽ tùy theo tính chất và biểu hiện của từng dạng cơn động kinh

TS Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo, người nghi nghờ các dấu hiệu của bệnh động kinh cần đi khám đúng chuyên khoa để được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán điều trị kịp thời. Trên thực tế hiện nay đa số trường hợp phải điều trị lâu dài, uống thuốc dai dẳng… nên đã nhiều bệnh nhân thấy uống thuốc mãi không khỏi (do đã kháng thuốc) liền bỏ thuốc tây chuyển sang uống thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Chính việc này đã khiến cho bệnh động kinh càng trở nên trầm trọng.

“Các phương pháp điều trị không chính thống này không giúp kiểm soát cơn giật mà còn khiến tần suất cơn co giật của bệnh nhân thêm xuất hiện nhiều hơn. Vì thế bệnh nhân bị động kinh cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ về sử dụng thuốc, kiên trì và tái khám theo lịch để được xử trí, thay đổi phương án điều trị kịp thời”, TS Tuấn nhấn mạnh.

,

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-canh-bao-viec-dung-thuoc-nam-khong-nguon-goc-chua-benh-dong-kinh-n133130.html