Chuyên gia chỉ ra 3 yếu tố giúp tỷ giá ngừng tăng

Theo các chuyên gia VDSC, 3 yếu tố giúp tỷ giá ngừng tăng thêm là: Đồng USD đang gặp ngưỡng cản ở vùng 105-106; Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng neo ở mức cao; mặt bằng lãi suất trên thị trường mở nhích lên cùng với lãi suất huy động tăng trở lại cũng tác động đến kỳ vọng về tỷ giá.

Ngày 10/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm là 24.271 VND/USD, tăng thêm 6 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN ở mức 23.400 - 25.450 VND/USD.

Giá mua USD tại các ngân hàng hiện nằm trong khoảng 25.120 – 25.225 VND/USD, còn giá bán ra hiện chạm ngưỡng 25.484 VND/USD.

Trên thị trường tự do, đồng USD được giao dịch ở mức 25.670 - 25.750 VND/USD.

Trong bối cảnh tỷ giá liên ngân hàng có 4 phiên tăng liên tiếp từ ngày 7/5 đến nay, giới phân tích dự báo, các giao dịch mua USD từ NHNN có thể được nối lại nếu đà tăng của tỷ giá USD/VND tiếp tục được mở rộng.

Giá bán USD tại các ngân hàng thương mại chạm ngưỡng 25.484 VND/USD.

Trước đó, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngoại tệ chính đáng của nền kinh tế.

Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, kể từ sau khi NHNN bắt đầu bán ngoại tệ, đà tăng của tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã dừng lại.

Trong suốt 2 tuần cuối tháng 4 và đầu tháng 5, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank gần như không đổi ở mức 25.127-25.457 đồng/USD. Cùng với đó, tỷ giá trên thị trường tự do cũng neo ở mức cao khoảng 25.700-25.800 đồng/USD đối với chiều bán ra.

Quy mô bán ngoại tệ của NHNN từ 19/4 đến nay không quá lớn, ước chỉ khoảng 500-700 triệu USD (tương đương 13-18 nghìn tỷ đồng).

Theo các chuyên gia VDSC, 3 yếu tố giúp tỷ giá ngừng tăng thêm là: Đồng USD đang gặp ngưỡng cản ở vùng 105-106; Hoạt động điều tiết của NHNN trên thị trường mở khiến mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng neo ở mức cao, bình quân khoảng 4,2%/năm đối với lãi suất cho vay qua đêm đối với tiền đồng trong hai tuần cuối tháng 4; và cuối cùng là mặt bằng lãi suất trên thị trường mở nhích lên cùng với lãi suất huy động tăng trở lại cũng tác động đến kỳ vọng về tỷ giá.

Theo nhóm phân tích, kịch bản kiểm soát đà mất giá tiền đồng ở mức 5% có thể giữ được trong ngắn hạn, tuy nhiên, biến số về triển vọng lãi suất của Fed và khả năng đồng USD phục hồi khiến cho rủi ro mất giá tiền đồng vẫn hiện hữu.

Trước đó, Công ty Chứng khoán Shinhan Securities nhận định áp lực tỷ giá duy trì trong ngắn hạn nhưng sẽ hạ nhiệt trong nửa sau của năm 2024. Cụ thể, chỉ số DXY được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên mức đỉnh gần nhất 104,95, hoặc thậm chí cao hơn 107,04 trước khi có động thái tiếp theo của Fed. Do đó, áp lực lên tỷ giá USD/VND trong ngắn hạn vẫn sẽ rất lớn, tuy nhiên sẽ sớm hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2024 giúp VND không mất giá quá 3% trong cả năm 2024.

“Có 3 yếu tố giúp tỷ giá hạ nhiệt vào cuối năm. Thứ nhất, triển vọng cắt giảm lãi suất đồng thuận từ Fed và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới trong thời gian tới sau hành động của Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB). Thứ hai, FDI và xuất khẩu của Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ hỗ trợ nguồn cung ngoại tệ. Thứ ba, tác động từ việc hút ròng thanh khoản của NHNN trong tháng 3/2024 và cơ chế điều hành linh hoạt tỷ giá kỳ hạn được thông qua”, Shinhan Securities nêu.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/chuyen-gia-chi-ra-3-yeu-to-giup-ty-gia-ngung-tang-1099712.html