Chuyên gia Cộng hòa Séc kiến nghị với Thủ tướng về đăng kiểm tàu thuyền vật liệu PPC

Liên quan đến câu chuyện doanh nghiệp “kêu cứu” vì gặp khó trong công tác đăng kiểm tàu thuyền vật liệu PPC (Polypropylene copolymer) mà báo điện tử Một Thế Giới đã thông tin. Mới đây, chuyên gia Cộng hòa Séc Jindrich Metal - người sáng chế công nghệ đóng tàu bằng vật liệu PPC đã gửi thư đến Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội bày tỏ quan điểm về công tác đăng kiểm tàu thuyền của Việt Nam.

Tác giả của tàu thuyền vật liệu PPC bên một con tàu đang đóng dở

Theo kiến nghị gửi đi, chuyên gia này cho biết, năm 2012 ông hợp tác với ông Vũ Văn Đảo ở Vũng Tàu để thiết lập một xưởng đóng tàu thuyền có thân làm bằng vật liệu PPC. Doanh nghiệp mới này có tên là Công ty cổ phần Công nghệ Việt Séc. Tại Cộng hòa Séc, tàu thuyền sử dụng công nghệ này đã được đóng và được đăng kiểm bởi một tổ chức phân cấp tàu trong nước là Czech Lloyd từ năm 2006.

Theo đó, vật liệu PPC có hàng loạt ưu điểm như an toàn, thân thiện với môi trường, chịu được nước biển (không cần phải sơn) và đòi hỏi ít chi phí bảo dưỡng. Với một bờ biển dài, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về tàu thuyền. Nếu tàu thuyền loại này có được cơ hội phát triển thì đây sẽ là một lợi thế cạnh tranh bởi vì chưa có nước nào khác ứng dụng công nghệ vật liệu PPC sản xuất tàu thuyền.

Bức thư của chuyên gia người Séc kiến nghị tới Thủ tướng

“Việt Nam là nước duy nhất được chúng tôi chuyển giao công nghệ này. Đáng tiếc là trong suốt 5 năm kể từ khi được thành lập, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Séc thường gặp khó khi làm việc với Đăng kiểm Việt Nam, khiến chúng tôi phải ngừng kinh doanh trong một thời gian dài”, chuyên gia này nêu.

Trong bức thư gửi đi, ông Jindrich Metal nêu rõ, ngày 25.9.2012, Đăng kiểm Việt Nam đã ký kết tại Hà Nội với tổ chức Czech Lloyd một thỏa thuận nhằm giúp cho việc đăng kiểm tàu thuyền PPC. Dù vậy, tàu thuyền đóng tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Séc đã không được đăng kiểm.

“Là một người nước ngoài đến Việt Nam với lòng nhiệt tình hợp tác đóng tàu thuyền với ông Vũ Văn Đảo, tôi rất buồn khi luôn gặp trở ngại trong công tác đăng kiểm phương tiện của chúng tôi. Ông Vũ Văn Đảo còn bị buộc tội đem công nghệ mới PPC vào Việt Nam. Tôi thực sự không hiểu tại sao họ lại nghĩ như vậy”, chuyên gia này cho biết.

Vị này cũng chia sẻ thêm, tại Cộng hòa Séc, bất cứ khi nào, bất cứ ai muốn đưa ra một sản phẩm mới về tàu thuyền và công trình nổi, người đó bao giờ cũng được các giới chức và các tổ chức phân cấp tàu thuyền trong nước hỗ trợ.

“Tôi đã đến nhiều vùng của Việt Nam và thấy tàu thuyền của Việt Nam có chất lượng kém. Tôi thực sự muốn đóng góp cho ngành đóng tàu của VN vì đó là đam mê của tôi, cũng còn vì tôi có những người bạn quý tại đây”, chuyên gia này chia sẻ.

Ông cũng thắc mắc là không hiểu tại sao những sản phẩm được đóng bởi một công ty tại Việt Nam, có chất lượng tương đương với những sản phẩm được đóng tại Châu Âu và được một tổ chức phân cấp tàu thuyền của châu Âu công nhận là an toàn mà lại bị Đăng kiểm Việt Nam từ chối?

Theo vị này, nếu Việt Nam muốn phát triển ngành đóng tàu trong nước thì khâu đăng kiểm cần có sự thay đổi để tạo những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân được tự do đưa ra những ý tưởng sáng tạo và phát triển những sản phẩm mới.

Tác giả của tàu thuyền vật liệu PPC

Vị này cũng hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ trong việc phát triển tàu thuyền PPC tại Việt Nam và sự hợp tác của các bên: Công ty cổ phần Công nghệ Việt Séc, Czech Lloyd và Đăng kiểm Việt Nam sẽ giúp lập ra được hệ thống phê duyệt tàu thuyền PPC có sức chở từ 12 người trở lên và sẽ mở ra hướng phát triển tàu thuyền có chất lượng.

Trước đó, ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Việt Séc cũng đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc này và Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải trả lời doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng.

Ông Đảo cho biết, suốt từ năm 2012 đến tháng 6.2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã không đăng kiểm tàu thuyền cho doanh nghiệp với lý do không có tiêu chuẩn quy phạm cho tàu thuyền công nghệ vật liệu PPC trong khi đăng kiểm của Hải quân, đăng kiểm quốc tế Cslloyd cũng chưa có tiêu chuẩn, quy phạm cho tàu vật liệu PPC nhưng họ vẫn đăng kiểm được tàu thuyền.

Thông qua chất vấn của các đại biểu quốc hội về những khó khăn của doanh nghiệp tại phiên họp của Quốc hội, và nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ GTVT nên tàu thuyền vật liệu PPC lại được đăng kiểm, nhà máy được mở cửa trở lại để tiếp tục sản xuất từ tháng 6.2015.

Nhưng nhà máy sản xuất của doanh nghiệp hoạt động chưa được bao lâu thì cuối tháng 12.2016, Cục Đăng kiểm Việt Nam tham mưu cho Bộ GTVT ban hành quy phạm đóng tàu vật liệu PPC (Thông tư 43) giới hạn kích thước và sức chở của phương tiện không quá 12 người, làm cho hàng loạt hợp đồng đóng tàu thuyền cho khách hàng bị dừng lại, doanh nghiệp lại đối mặt với nguy cơ đóng cửa nhà máy và bị khách hàng kiện do tàu không được đăng kiểm để đưa vào sử dụng.

“Việc Cục Đăng kiểm Việt Nam giới hạn kích thước và sức chở của phương tiện là không có căn cứ khoa học, làm cho doanh nghiệp không thể phát triển các phương tiện có sức chở lớn hơn đáp ứng nhu cầu của thị trường”, ông Đảo nói.

Do đó, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT tháo gỡ khó khăn trong công tác đăng kiểm tàu thuyền vật liệu PPC để doanh nghiệp khỏi rơi vào tình trạng phá sản và có điều kiện phát triển.

Hoài Phong

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/chuyen-gia-cong-hoa-sec-kien-nghi-voi-thu-tuong-ve-dang-kiem-tau-thuyen-vat-lieu-ppc-64136.html