Chuyên gia COVID hàng đầu của Trung Quốc cảnh báo về đại dịch tiếp theo

Sau đại dịch COVID-19, cộng đồng khoa học nhận thức được tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho những đại dịch tiềm ẩn trong tương lai. Lý do vì khi hành tinh nóng lên, các bệnh nhiễm khuẩn, virus và nấm dự kiến sẽ tiến hóa và lan rộng đến các môi trường sống.

Theo ông Zhang Wenhong, Giám đốc Trung tâm Y tế Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm Trung Quốc, biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sự gia tăng đáng kể các bệnh truyền nhiễm mới và cũ. Ông hiện đang dẫn đầu một sáng kiến mới nhằm giải quyết mối liên hệ giữa hai mối đe dọa ngày càng tăng: biến đổi khí hậu và các bệnh truyền nhiễm.

 Chuyên gia Zhang Wenhong đang xem xét những tác động gián tiếp của biến đổi khí hậu đối với mầm bệnh. Ảnh: Weibo

Chuyên gia Zhang Wenhong đang xem xét những tác động gián tiếp của biến đổi khí hậu đối với mầm bệnh. Ảnh: Weibo

Tiến sĩ Zhang giải thích rằng trong khi mọi người thường tập trung vào những tác động rõ ràng của biến đổi khí hậu như hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự ấm lên của bầu khí quyển cũng ảnh hưởng gián tiếp đến sự xuất hiện và lây lan của mầm bệnh. Ông dự đoán rằng nghiên cứu về mối liên hệ này "sẽ trở thành trọng tâm ngày càng tăng trên toàn cầu".

Khi khí hậu Trái đất thay đổi, bao gồm cả việc mở rộng vùng nhiệt đới, cách thức phát triển và biến đổi của mầm bệnh cũng sẽ thay đổi theo. Ông Zhang cũng cảnh báo về nguy cơ các loài vi khuẩn, virus và nấm cổ đại xâm nhập vào môi trường sống động vật và các vật trung gian lây truyền bệnh như bọ ve và muỗi.

Tác động của biến đổi khí hậu đối với bệnh truyền nhiễm đã được nhìn thấy rõ ràng ở một số khu vực. Tại Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh viêm não và bệnh Lyme, cả hai đều lây truyền qua bọ ve, đang gia tăng. Trong khi đó, ở Trung Quốc, bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền đang xuất hiện ở những khu vực trước đây không có bệnh này.

Mặc dù thế giới đã thoát khỏi các đợt phong tỏa do COVID-19 vào năm ngoái, song việc virus đột biến và tiến hóa vẫn là một mối quan tâm lớn. Các biến thể mới của COVID-19 vẫn tiếp tục xuất hiện và lan rộng trên khắp thế giới.

Bên cạnh đó, kháng thuốc kháng sinh cũng là một thách thức lớn, với tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng kháng thuốc gia tăng. Ông Zhang cho biết, vào năm 2019, đã có 1,27 triệu người đã chết do kháng thuốc kháng sinh trên toàn thế giới, dự kiến sẽ tăng lên 10 triệu người mỗi năm vào năm 2050.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và sự gia tăng kháng thuốc, đồng thời tìm kiếm các giải pháp mới để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.

Ông Zhang kêu gọi các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới hợp tác để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo. Ông cho rằng cần có một cách tiếp cận khoa học đa ngành để cung cấp bằng chứng cho các nhà hoạch định chính sách và chính phủ sử dụng khi phát triển các chiến lược quản lý dịch bệnh.

Thu Giang (theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-gia-covid-hang-dau-cua-trung-quoc-canh-bao-ve-dai-dich-tiep-theo-post296332.html