Chuyên gia hiến kế 'tăng trưởng 8 - 9% trong tầm tay'

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng 6 tiềm năng tăng trưởng nằm trong tầm tay của Chính phủ, có thể đạt 8 - 9% GDP chứ ko phải chỉ 6,7% như mục tiêu hiện nay

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 tổ chức ngày 27/6, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương, Nguyễn Đình Cung cho rằng tăng trưởng 6,7% như hiện nay là thấp, tiềm năng của Việt Nam phải là 8 - 9% tăng trưởng GDP mỗi năm.

Tăng trưởng 6,7% là thấp

Ông cho rằng thay vì loay hoay với các mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Việt Nam nên tận dụng các tiềm lực tăng trưởng hiện vẫn đang trong tầm tay của Chính phủ để cải thiện chất lượng nền kinh tế. Vị chuyên gia chỉ ra 6 tiềm năng tăng trưởng hiện vẫn chưa được tận dụng triệt để.

Dư địa tăng trưởng thứ nhất, theo TS Nguyễn Đình Cung, phải cải thiện hiệu quả khu vực kinh tế Nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước. Tài sản của khối doanh nghiệp này khoảng 300 tỷ USD, nếu tăng được 1 điểm phần trăm hiệu quả thì có 3 tỷ USD, bằng 1,5 điểm phần trăm GDP. Đối với khu vực này, ông Cung cho rằng có dư địa để đạt được 4 điểm phần trăm tăng trưởng.

Dư địa thứ 2 là tăng hiệu quả khu vực kinh tế tư nhân, với tổng tài sản hiện nay khoảng 200 tỷ USD, nếu tăng 1% thì có 2 tỷ USD đầu tư cho nền kinh tế. Đây là dư địa tăng trưởng thuận lợi.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng chỉ ra cần tạo thuận lợi thúc đẩy giải ngân FDI đã cam kết hiện còn 180 tỷ USD và 15 tỷ USD ODA đã ký, chưa giải ngân. Chính phủ cần tạo điều kiện hơn nữa tăng trưởng là thúc đẩy 2 nguồn vốn này.

Viện trưởng CIEM cho rằng dư địa thứ tư cần cải thiện là giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đây là dư địa rất lớn. "Chi phí logistic chiếm gần 21% GDP, nếu giảm được 1 điểm phần trăm thì có 4 tỷ USD. Giảm 1-2% trong tầm tay, và như vậy có gần 10 tỷ USD của tăng trưởng", ông Cung nói.

Bên cạnh đó, ông Cung chỉ ra hiện 66% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức. Chi phí tuân thủ cũng rất lớn, thể hiện 1 năm thanh tra doanh nghiệp nhiều lần, doanh nghiệp càng lớn càng bị thanh tra nhiều. Hiện nay mới có 48% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh. Trong khi đó những năm 2000 – 2006 có 75 - 80% số doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh. Vì vậy, theo ông Cung còn có cơ hội thúc đẩy những doanh nghiệp hiện hành mở rộng đầu tư, phát triển kinh doanh.

"Chúng ta tập trung vào tăng trưởng 2 vùng kinh tế động lực là Hà Nội và TP HCM. Đây là 2 khu vực chiếm hơn 50% GDP cả nước, 70% FDI, hơn 2/3 tổng thu ngân sách cả nước... nếu chỉ tăng trưởng 1 điểm phần trăm cho khu vực tứ giác phát triển gồm TP HCM- Bình Dương – Đồng Nai – Vũng Tàu thì kinh tế VN đã tăng được khoảng 0,4 điểm phần trăm", ông Cung nêu quan điểm. Việt Nam nên tập trung vào tăng trưởng 2 khu vực trên đã thúc đẩy được tăng trưởng.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng cho rằng cần tập trung vào những ngành có thể tăng năng suất lao động, và giảm quy mô các ngành có năng suất lao động âm để phân bố nguồn lực tốt hơn.

Viện trưởng CIEM khẳng định, tiềm năng tăng trưởng nằm trong tầm tay của Chính phủ, chỉ cần chính sách đúng là có thể đạt 8 - 9% GDP chứ không phải mục tiêu 6,7 hiện nay.

Chưa được lạc quan như Viện trưởng CIEM, ông Nguyễn Xuân Thành Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 chỉ đạt khoảng 6,4%, nếu có điều kiện tốt mới đạt được 6,7%. Ông cho rằng đặt mục tiêu 6,7% chỉ là cách để tạo sức ép lên bộ máy điều hành.

Ông cho rằng trong trung hạn Việt Nam có thể đặt mong muốn tăng trưởng kinh tế 6,7% thậm chí 7%, tuy nhiên, trong ngắn hạn, mục tiêu này không thể nào đạt được. Ông Thành cũng cho rằng các rào cản về thể chế chưa khắc phục được sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn.

Cần đẩy mạnh đầu tư đặc biệt là cơ sở hạ tầng

Ông Nguyễn Xuân Thành phân tích, nhìn vào đầu tư trong đó có đầu tư công gặp áp lực từ trần nợ công. "Nếu mở đầu tư công thì hệ lụy trần nợ công, bất ổn vĩ mô. Ít nhất trong ngắn hạn đầu tư công sẽ không mạnh lên được nên phần thúc đẩy vẫn là đầu tư tư nhân, còn từ công phải đẩy mạnh PPP thay thế. Rào cản từ đầu tư công để không vượt trần nợ có thể kéo tăng trưởng xuống", ông Thành nói.

Góp ý cho tiềm năng tăng trưởng trung hạn, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng Việt Nam phải đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu kinh tế, giải quyết xử lý nợ xấu, tăng quyền ngân hàng, giảm quyền con nợ, phát triển thị trường mua bán nợ thứ cấp. Về trung hạn, nền kinh tế phụ thuộc xử lý nợ xấu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, phải đảm bảo xử lý nợ xấu nợ xấu đi kèm với huy động được vốn.

TS Nguyễn Đình Cung đưa ra kiến nghị, ngoài ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thì cần phải kiên quyết thực hiện kỷ luật tài khóa, đóng băng chi thường xuyên. Đặc biệt, vị chuyên gia cho rằng cần tập trung hạ tầng cho TP HCM theo hướng tăng kết nối cho khu vực này. Ông cũng cho rằng nên tập trung đầu tư vào các dự án ưu tiên trọng điểm hạ tầng ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM.

"Phát triển cân đối kết cấu hạ tầng; bước đầu cải cách thể chế để thị trường đóng vai trò chính yếu trong phân bố nguồn lực, thị trường vận hành đầy đủ, cạnh tranh công bằng..", ông Cung nói.

Minh Tâm

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chuyen-gia-hien-ke-tang-truong-8-9-trong-tam-tay-post230681.info