Chuyên gia hướng dẫn cách đề phòng nguy cơ đuối nước cho trẻ

Mới đầu hè đã có nhiều trẻ bị đuối nước, nguy hiểm tính mạng; chuyên gia cảnh báo những điều cha mẹ, người lớn cần chú ý để phòng tránh cho trẻ; đặc biệt là tránh sơ cứu sai trong các trường hợp đuối nước.

Cấp cứu cho trẻ đuối nước tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BV

Dù mới bước vào đầu hè, nhưng tuần vừa qua, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ đuối nước nguy kịch tính mạng.

Đi tắm suối cùng các bạn, bé A.T (11 tuổi, ở Mộc Châu) bị đuối nước. Rất may, được bạn phát hiện, bé T. đã được mọi người xung quanh đưa lên bờ. Tuy nhiên khi đưa lên bờ thì bé đã trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở và đã được cấp cứu ngừng tuần hoàn; được sơ cứu bằng biện pháp dốc ngược người theo kinh nghiệm dân gian và đã thở lại. Bé nhanh chóng được đưa tới bệnh viện tại địa phương để xử trí ban đầu; sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục cấp cứu. Khi tới Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi vẫn trong tình trạng đồng tử giãn, hôn mê sâu.

Cũng bị đuối nước nghiêm trọng, bé H.T (2 tuổi, ở Hà Nội) sang nhà hàng xóm chơi và không may ngã xuống hồ cá koi sâu 1,2 mét, không có rào chắn xung quanh.

Sau khi ngã xuống bể cá khoảng khoảng 8 phút, bé mới được người dân phát hiện và đưa lên bờ trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở. Ngay lập tức, các nhân viên y tế của trạm y tế gần nhà đã đến sơ cấp cứu tại chỗ cho trẻ. Trẻ đã có tim trở lại và được đưa đến bệnh viện huyện trong tình trạng đã có nhịp tim, nhịp thở nhưng lơ mơ, chưa tỉnh. Các bác sĩ tiến hành cấp cứu ban đầu, đặt nội khí quản kiểm soát đường hô hấp và chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng hôn mê sau ngừng tuần hoàn.

Ths.BS Lê Nhật Cường, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Các bệnh nhi trên đều vào viện với bệnh cảnh suy đa tạng do hậu quả của quá trình ngừng tuần hoàn và được áp dụng các biện pháp điều trị như: Hỗ trợ chức nặng đa tạng, lọc máu liên tục khi có suy thận, hỗ trợ hô hấp bằng thở máy, sử dụng các thuốc trợ tim, hạ thận nhiệt bảo vệ não.

Theo đó, chỉ sau 3 ngày điều trị, một bệnh nhi đã tỉnh, tự thở và tiến triển tốt, nhưng trẻ vẫn cần phải tiếp tục theo dõi lâu dài vì các di chứng thần kinh vẫn có thể xảy ra. Trường hợp bé ngã xuống hồ cá, tiên lượng nặng nề hơn, phải theo dõi chặt chẽ, kiểm soát chức năng cơ quan toàn diện khi trẻ qua giai đoạn nặng.

Theo BS. Lê Nhật Cường, các bệnh nhi đuối nước nhập viện thường trong 2 tình trạng chính là: Suy đa cơ quan do hậu quả sau ngừng tim hoặc tổn thương phổi nặng (hội chứng suy hô hấp cấp do tổn thương hít).

Đuối nước ở trẻ em thường là hậu quả do sự hiếu động của trẻ nhỏ, sự bất cẩn của người lớn khi trông trẻ và hệ thống sông ngòi, ao hồ, bể bơi... chưa đảm bảo điều kiện an toàn.

Dù đã được các cơ quan chuyên môn và truyền thông cảnh báo nhiều, nhưng số ca tai nạn đuối nước mỗi năm vẫn gia tăng. Đặc biệt, hiện đã vào mùa hè, trời nóng, trẻ nghỉ học, nên các trường hợp đuối nước do trẻ đi tắm ao hồ, sông suối rất dễ xảy ra.

Đáng chú ý, tình trạng người dân sơ cấp cứu ban đầu sai cách với người đuối nước như: Dốc ngược nạn nhân và bế chạy vẫn xảy ra.

Vì vậy, để kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa đuối nước và cấp cứu sai cách cho trẻ đuối nước, cần có sự chung tay của cả gia đình, cộng đồng.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh đuối nước ở trẻ, người dân cần thực hiện các biện pháp như:

- Đậy nắp các dụng cụ chứa nước, tránh cho trẻ tiếp xúc với các nguy cơ này.

- Với ao, hồ, giếng khơi cần phải có rào chắn.

- Cha mẹ, người lớn cần giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi.

- Tại các khu vực bơi công cộng, cần cho trẻ tắm ở nơi đảm bảo độ sâu an toàn, đúng lứa tuổi; có đủ phương tiện và nhân viên cứu hộ.

- Đặc biệt, người dân cần tìm hiểu và được tuyên truyền về các biện pháp sơ cứu ban đầu đúng cách với người bị đuối nước.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/chuyen-gia-huong-dan-cach-de-phong-nguy-co-duoi-nuoc-cho-tre-20240501172206749.htm