Chuyên gia khuyến nghị tỉnh từ chối dự án nhà máy giấy gần 5.000 tỷ đồng

'Là người nhiều năm nghiên cứu môi trường Tiền Giang, tôi thiết tha đề nghị tỉnh không tiếp nhận dự án nhà máy giấy này. Nếu tiếp nhận dự án này, Tiền Giang tự vi phạm quan điểm phát triển công nghiệp...', PGS.TS Lê Trình nói.

Thông tin này được một lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang xác nhận sau những lo ngại gần đây của dư luận liên quan đến dự án Nhà máy giấy Đại Dương có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

Ngày 11-4, khi trở lại Tân Phước – nơi có KCN Long Giang mà nhà đầu tư Đài Loan thuê 8 lô đất, tổng diện tích trên 22,7ha để đặt nhà máy giấy, PV Báo CAND gặp một cán bộ ngành chức năng tỉnh Tiền Giang và được anh chia sẻ thông tin:

“Lẽ ra công việc lập và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), xin phép xây dựng đã xong từ cách đây 1 năm, và hiện đang giai đoạn xây dựng nhà xưởng, tòa nhà văn phòng, đến tháng 5-2017 thì hoàn tất, tiến hành chạy thử giai đoạn 1. Thế nhưng, do ĐTM của dự án đang bị các chuyên gia… soi dữ quá nên đến giờ, dự án chưa đâu vào đâu!”.

Anh Nguyễn Văn Dương băn khoăn và “không thể hình dung vườn thanh long của nhà tôi sẽ ra sao nếu như nhà máy giấy xả nước thải xuống dòng kênh Năng”.

Còn theo chính quyền xã Tân Lập 1, không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện dự án Nhà máy giấy Đại Dương được các nhà khoa học quan tâm, phản biện “quyết liệt” như vừa rồi.

“Ngoài tâm huyết từ chính các nhà khoa học, điều giống như ngọn gió thổi bùng lên ngọn lửa là sau câu chuyện của Formosa tại miền Trung, đến giờ hậu quả vẫn chưa dứt; tiếp đó là chuyện của Nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu Giang được bàn tán dữ dội mấy ngày qua…”, ông Nguyễn Văn Lãnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập 1 cho biết.

Khi biết chúng tôi quan tâm đến thông tin: nhà đầu tư định “lấy” đất của trường Tiểu học của xã để đặt trạm bơm nước, một cán bộ của tỉnh hệ thống khá đầu đuôi, ngọn ngành về “tiểu tiết” này, cho biết: Cuối tháng 6-2016, tại cuộc họp do BQL các KCN tỉnh Tiền Giang chủ trì, phía nhà đầu tư - Công ty TNHH Nhà máy giấy Đại Dương cho biết đã khảo sát tìm vị trí đặt miệng lấy nước, miệng xả thải cũng như thiết lập trạm bơm lấy nước gần bờ kênh Năng.

Khi đó, ông Yu Suo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển KCN Long Giang (chủ đầu tư KCN Long Giang) tiết lộ rằng giữa Công ty TNHH Nhà máy giấy Đại Dương với bên ông đã thỏa thuận một số nội dung, gồm:

Nhà máy giấy sẽ đặt hệ thống thu gom nước thải tách biệt, không đấu nối với hệ thống xử lý nước thải của KCN Long Giang. Nhà máy giấy sẽ xây dựng trạm bơm lấy nước gần kênh Ba Ngọc (kênh phục vụ tưới tiêu) và sẽ bơm nước từ kênh Năng vào đường ống dẫn băng ngang ĐT 878 nằm trên phần kênh Ba Ngọc hiện hữu đến nhà máy.

Với vị trí xả nước, sau khi nhà máy giấy xử lý nước thải đạt cột A sẽ cho vào đường ống cặp theo hành lang ĐT 878 ngược về phía Tây Bắc KCN Long Giang, băng ngang đường này dẫn đến kênh Việt Kiều hiện hữu nằm cặp ĐT 866B rồi chảy xuống kênh Năng.

Theo đề nghị này, vị trí đặt trạm bơm nằm trong phần đất dân; còn nếu ngược về phía Nam thì dính phần đất công của Trường Tiểu học Tân Lập 1, cũng nằm ngoài KCN Long Giang.

“Lãnh đạo huyện và đại diện Sở TN&MT cũng tỏ rõ quan điểm trước những đề xuất của nhà đầu tư rằng việc chọn đất trường tiểu học để đặt trạm bơm cũng như việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải riêng, không đấu nối với hệ thống xử lý của KCN Long Giang, phía KCN Long Giang và nhà đầu tư cần xin chủ trương của tỉnh. Nếu tỉnh thuận chủ trương, nhà đầu tư mới tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo”, vị cán bộ này cho biết.

Đến ngày 20-8-2016, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà máy giấy Đại Dương Chang Ming Jui ký văn bản xin chủ trương về những nội dung kể trên. Tuy nhiên, đến thời điểm trung tuần tháng 4-2017 này, tỉnh vẫn chưa cho chủ trương do địa phương rất băn khoăn về khả năng gây ra ô nhiễm môi trường nếu như chấp nhận cho nhà máy giấy này “ra đời” như khuyến nghị từ nhiều nhà khoa học, chuyên gia môi trường.

PGS.TS Lê Trình (Viện trưởng Viện Khoa học môi trường và Phát triển, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá tác động môi trường Việt Nam) cho biết, trước khi dự cuộc họp do lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì vào cuối tháng 3-2017 vừa qua, ông là người đầu tiên gửi thư cho lãnh đạo tỉnh kiến nghị không nhận dự án Nhà máy giấy Đại Dương. Và cho tới thới điểm này, ông vẫn giữ quan điểm của mình, đó là mong muốn tỉnh rút chủ trương đầu tư dự án này.

“Ngành công nghiệp giấy thải ra nhiều chất độc hại cho môi trường. Trong thực tế chuyện gì cũng có thể xảy ra cả. Doanh nghiệp nào làm dự án đều có cam kết, nhưng giữa cam kết và thực hiện có khoảng cách nhất định. Formosa cũng cam kết nhưng rồi lại gây ra hậu quả vô cùng lớn”, PGS.TS Lê Trình bày tỏ.

Cùng quan điểm với nhiều chuyên gia khác, PGS.TS Lê Trình thật sự lo ngại về nguồn nước thải ra từ nhà máy giấy này với khối lượng gần 5.000m³/ngày đêm. Sau khi xuống kênh Năng, theo PGS.TS Lê Trình, lượng nước thải này sẽ ra kênh Nguyễn Tấn Thành và sông Bảo Định, và tiếp tục di chuyển ra sông Tiền... Đây là những vị trí lấy nước mặt của các nhà máy nước lớn nhất tỉnh Tiền Giang, nguồn cung cấp nước ngọt cho hàng triệu dân tại địa phương. Cuộc sống của người dân, đặc biệt là nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nước thải, khí thải của nhà máy.

Trong tâm thư vừa gửi đến UBND tỉnh Tiền Giang, PGS.TS Lê Trình lo ngại về lượng nước thải lớn lại chứa thành phần các chất ô nhiễm có độc tính rất cao, khó xử lý; đáng ngại nhất các hợp chất clor - hữu cơ (AOX).

Trong đó có các dioxin - loại chất có độc tính rất cao với tôm cá, động vật và con người, có thể gây đột biến gen, tác hại phôi thai, gây ung thư và rất bền vững trong môi trường, có khả năng tồn lưu lâu dài trong đất và chuyển vào cơ thể các loài thủy sản, từ đó chuyển vào con người (qua thực phẩm).

Trong khi không phải ai cũng biết, dioxin có khả năng gây các bệnh hiểm nghèo cho con người, ngay cả khi ở hàm lượng rất nhỏ. Do đó, nếu nhà máy giấy xả nước thải có dioxin, dù chỉ rất ít thì sông rạch ở Tiền Giang, Long An sẽ có khối lượng dioxin tích tụ không hề nhỏ. PGS.TS Lê Trình cho biết nếu dùng chlorine dioxite (ClO2) tẩy trắng bột giấy có thể giảm thiểu nhưng không hoàn toàn loại bỏ dioxin.

Trước đề xuất tự xử lý nước thải, không qua đấu nối với hệ thống xử lý nước thải của KCN Long Giang, PGS.TS Lê Trình lo ngại: “Không ai dám chắc sẽ không xảy ra sự cố môi trường. Khi đó nước thải chứa các chất độc hại sẽ tràn ra sông Tiền, sông Vàm Cỏ và các chi lưu. Khả năng tự làm sạch của kênh rạch vốn rất kém nên số lượng người chịu ảnh hưởng có thể lớn hơn các tỉnh miền Trung trong vụ Formosa”.

“Là người nhiều năm nghiên cứu môi trường Tiền Giang, tôi thiết tha đề nghị tỉnh không tiếp nhận dự án này. Nếu tiếp nhận dự án nhà máy giấy này, Tiền Giang tự vi phạm quan điểm phát triển công nghiệp được nêu trong quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2014”, PGS.TS Lê Trình nói thêm.

Trao đổi với PV Báo CAND chiều 11-4, một lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cho biết đã nhận được tâm thư của PGS.TS Lê Trình. Việc thẩm định, phê duyệt ĐTM thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT nhưng UBND tỉnh cũng đã mời nhà khoa học đánh giá những vấn đề có liên quan đến dự án này trên tinh thần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, không đánh đổi môi trường lấy dự án kinh tế.

“Đến giờ lãnh đạo tỉnh chưa có ý kiến chính thức rằng sẽ đồng ý hay từ chối dự án”, ông Phạm Văn Trọng - Chánh văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang cho biết thêm.

Binh Huyền

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/chuyen-gia-khuyen-nghi-tinh-tu-choi-du-an-nha-may-giay-gan-5-000-ty-dong-436599/