Chuyên gia Ngân hàng thế giới khuyên Việt Nam 'lùi lại' để phát triển

“Bước lùi” này giúp Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội để nuôi dưỡng những doanh nghiệp tuy còn non trẻ nhưng tự chủ, năng động, để đưa đất nước đến thành công trong dài hạn.

Ngân hàng Thế giới và Bộ Công Thương vừa công bố hai báo cáo với tiêu đề “Việt Nam trước ngã rẽ: Tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới” và “Nghiên cứu về tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp (doanh nghiệp) vừa và nhỏ”.

Báo cáo chỉ rõ cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới là câu chuyện không hề dễ, khi cánh cửa cơ hội ngày một hẹp dần và những “nút thắt” chính sách vẫn chưa được tháo bỏ.

Lấn cấn giữa ngã ba đường

Với báo cáo “Việt Nam trước ngã rẽ: Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới”, ông Charles Kunaka, chuyên gia kinh tế trưởng, Vụ Thương mại, Khối Thương mại và Cạnh tranh, Ngân hàng Thế giới, đánh giá Việt Nam bị kẹt ở bẫy giá trị gia tăng thấp. Nguyên do là không thể phát triển các chức năng có giá trị cao hoặc cần năng lực đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, Việt Nam đang đứng trước thách thức dư địa dành cho doanh nghiệp sản xuất trong nước không nhiều, do những doanh nghiệp đầu đàn quy mô lớn (Samsung, Ford, Toyota…) trong các chuỗi giá trị toàn cầu thường sử dụng cùng các nhà cung cấp toàn cầu ở khắp mọi nơi.

Các công đoạn giá trị cao như đổi mới sáng tạo, thiết kế, sản xuất phụ tùng, cấu kiện lõi nằm ngoài Việt Nam, dẫn tới rủi ro về lâu dài khi các đối thủ cạnh tranh có chi phí thấp hơn ra khỏi Việt Nam.

Công nghiệp ôtô là một trong những ngành rộng cửa nhất cho Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị.

Ông Kunaka đã đặt ra vấn đề để Việt Nam một lần nữa nhìn lại mình và bước vào một trong hai ngã rẽ. Ngả đường đầu tiên, có thể tiếp tục phát triển để làm căn cứ xuất khẩu cho các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) và chuyên sâu vào các chức năng gia công, lắp ráp. Điều này đem lại giá trị gia tăng thấp cũng như công nghiệp hóa theo cách riêng của mình mà không kết nối nhiều với nền kinh tế và xã hội bên ngoài.

Ngả đường thứ 2 là có thể tận dụng làn sóng tăng trưởng hiện nay để đa dạng hóa và vươn lên trong chuỗi giá trị, nhằm tham gia vào các công đoạn đem lại giá trị gia tăng cao hơn, để một ngày nào đó có thể tạo ra sản phẩm “sáng chế tại Việt Nam” của riêng họ.

“Thoạt nhìn Việt Nam không dễ chấp nhận đi theo hướng thứ nhất, vì thực trang gia công lắp ráp đang là nỗi trăn trở của Việt Nam trong một thập kỷ qua. Nhưng đi theo hướng thứ hai, liệu nội lực của Việt Nam có đủ khuất phục những rào cản khách quan mà thế hệ mới đặt ra hay không?” ông Charles Kunaka chi sẻ.

Theo chuyên gia này, thành công của cả hai hướng trên đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải nhìn nhận quá trình phát triển theo cách khác hẳn và phải cân nhắc đầy đủ hơn những thực tế mới của nền kinh tế toàn cầu”, ông Kunaka nói.

Muốn duy trì tăng trưởng phải làm cách khác

Trong khi đó, tại báo cáo “Việt Nam: Khả năng cạnh tranh và kết nối của doanh nghiệp”, cho thấy bối cảnh khu vực tư nhân trong nước còn yếu, khu vực FDI có hiệu ứng lan tỏa hạn chế. Công nghiệp hỗ trợ trong nước còn tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Thái Lan.

Việt Nam rất dễ rơi vào bẫy gia công nếu nôn nóng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Tiến Tuấn.

Đáng chú ý, số công ty nước ngoài có chứng nhận chất lượng quốc tế nhiều hơn công ty trong nước. Thiếu nhà cung cấp trong nước có khả năng cạnh tranh nghĩa là công ty nước ngoài sẽ tìm kiếm ở nơi khác, kết nối với các công ty có thể cung cấp một cách ổn định về chất lượng, khối lượng, giá cả và kịp thời các đầu vào cần thiết cho sản xuất.

Ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nhìn nhận Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ. Muốn duy trì tăng trưởng phải làm cách khác, nếu không sẽ rơi vào bẫy lắp ráp, giá trị gia tăng thấp.

“Chúng ta có cửa sổ cơ hội nhưng đang thu hẹp dần vì chịu sức ép cạnh tranh từ hai phía, phía nhà cung ứng rẻ hơn như Campuchia, Bangladesh, Myanmar. Bên kia là công nghệ số hóa được đẩy mạnh, các tập đoàn đa quốc gia chọn đặt nhà máy ở đâu có thể số hóa, tự động hóa hơn là vì cần lao động như trước kia”, ông Nguyễn Thắng nói.

Ts. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đặt vấn đề để nâng cao sự kết nối giữa khối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, chính sách phải có sự hậu thuẫn như thế nào khi hiện nay, doanh nghiệp vốn ngoại 100% đã chiếm tới 82%.

Các chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp FDI hiện nay không có nhu cầu bắt buộc về tỷ lệ nội địa hóa, nên họ sẽ tự chọn ai đáp ứng được nhu cầu của họ.

Chưa tìm ra lối nên “lùi lại”

Chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng cũng chỉ mới cung ứng các phụ tùng thay thế chứ chưa tham gia sản xuất các sản phẩm chính.

Nếu con đường này vẫn tiếp tục thì rõ ràng cái bẫy gia công đã giăng ra và chờ sẵn. Nếu cả hai hướng đang bế tắc, nhiều chuyên gia cho rằng chỉ còn cách “lùi lại” phía sau để nhìn nhận một cách thấu đáo hơn.

Thậm chí, với tham vọng cao hơn thì “bước lùi” này giúp Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội để nuôi dưỡng những doanh nghiệp tuy còn non trẻ nhưng tự chủ, năng động và đổi mới sáng tạo trong nước để đưa đất nước đến thành công trong dài hạn.

Chuyên gia World Bank gợi ý Việt Nam nên lùi lại để tỉnh táo tìm ra lối đi thấu đáo hơn.

Với ngã rẽ mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối diện, ông Charles Kunaka, đưa ra gợi ý, nên chăng Việt Nam “lùi lại” một bước trong tiến trình phát triển, để xử lý những thách thức trước mắt đang gặp phải.

“Bước lùi” này để tìm kiếm, xem xét có tư duy mới nào có thể xử lý hiệu quả những thách thức và rủi ro hiện hữu nhằm tìm kiếm những bước đi vững chắc trong tương lai”

WB đưa ra 4 khuyến nghị với Việt Nam để nâng cấp khả năng kết nối thương mại.

Thu hẹp khoảng cách về hạ tầng thông qua việc đẩy mạnh huy động nguồn tài chính tư nhân, áp dụng cách tiếp cận tổng thể hơn trong phát triển cách hành lang giao thông.

Phát triển các thị trường dịch vụ cạnh tranh ở các ngành xương sống, giảm chi phí kinh doanh.

Hợp lý hóa các thủ tục hải quan để nâng cao minh bạch và khả năng tiên liệu.

Tận dụng các sáng kiến hiện nay với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để đảm bảo kết nối tốt hơn với nhu cầu và đầu tư công nghệ trong khu vực.

Khởi công nhà máy tại Hải Phòng ngày 2/9, Vingroup bước vào sân chơi mới, sản xuất ôtô bên cạnh lĩnh vực bất động sản, du lịch - nghỉ dưỡng, y tế, giáo dục và thương mại điện tử...

Bình Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chuyen-gia-ngan-hang-the-gioi-khuyen-viet-nam-lui-lai-de-phat-trien-post778064.html